Quyền Anh bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ những năm 30 của thế kỷ trước.
Khoảng năm 1930-1945, quyền Anh phát triển nhịp nhàng theo trào lưu xã hội. Quyền Anh là môn võ thuộc tầng lớp trên của Hà Nội, còn các loại võ khác là của các tay anh chị, sở mật thám và giới lục lâm thảo khấu.
Quyền Anh thời đó tổ chức thi đấu ở rạp Chuông Vàng Hàng Bạc, hoặc những trận đấu then chốt thì ở Nhà Hát Lớn thành phố. Các võ sỹ ngày xưa không phân ra nghiệp dư hay chuyên nghiệp. Võ sỹ nào cũng cởi trần và đều không đội mũ bảo hiểm, thường đấu sáu hiệp, thách đấu bao nhiêu tuỳ thích, chứ không có kiểu thi đấu nghiệp dư như ngày nay quy định: đấu ba hiệp, mỗi hiệp ba phút.
Chính vì thi đấu theo kiểu võ Tầu thách đấu tự do nên đã xảy ra cái chết thượng võ cao thượng của võ sỹ Ngọc Long, làm chấn động người Hà Nội lúc đó.
Một trận so găng để đời của võ sĩ Môhamét Ali.
Ngày nay, sau trận đấu tuyên bố thắng thua, khán giả giải tán. Ngày xưa khác hẳn, mọi cuộc đấu quyền Anh cũng pha thi vị của mọi cuộc đấu võ Tầu. Các võ sỹ được quyền lên đài thách đấu với nhau, thậm chí nhiếc móc, mắng mỏ nhau như kiểu Trương Phi chửi Lã Bố là kẻ đi ở ba đời.
Vì vậy, quá tin cậy vào mình nên võ sỹ Ngọc Long (Việt Nam) đã thách đấu với võ sỹ Ripha người Pháp vượt hạng cân mình. Vì quá nhỏ bé, nên võ sỹ Ngọc Long Việt Nam đã bị võ sỹ Ripha người Pháp đấm chết trên võ đài gây xôn xao dư luận Hà Nội.
Khi Ripha đi đưa đám võ sỹ Ngọc Long qua trường Chu Văn An, học sinh biểu tình hô khẩu hiệu: “Đả đảo Ripha”.
Từ năm 1950- 1954, ở Hà Nội, võ sỹ người Việt Nam và người Pháp thi đấu với nhau thường dễ kích thích khán giả đến xem. Những cuộc thi đấu này đều phảng phất tinh thần dân tộc.
Võ sỹ Vĩnh Tiên để lại dấu ấn nhiều nhất cho người Hà Nội. Võ sỹ này có lối đánh công thủ toàn năng. Khán giả không quên hình ảnh võ sỹ nhỏ con Vĩnh Tiên xông vào võ sỹ Tây to cao và ra đòn liên tiếp khi đánh giáp lá cà, khiến võ sỹ Tây lảo đảo, chòng chành đổ gục xuống. Trong thời gian bị Pháp đô hộ, người Pháp ngông nghênh miệt thị chủng tộc da vàng, thì hình ảnh võ sỹ Vĩnh Tiên oai phong lẫm liệt, với những cú ra đòn sấm sét làm người Tây gục ngã dưới chân, đã khích lệ lòng tự hào dân tộc.
Đặc biệt, võ sỹ người Pháp Đờlanay thỉnh thoảng lại từ Pháp sang thăm Hà Nội sau nửa thế kỷ xa cách. Về già, Đờlanay có tâm nguyện được đến Hà Nội tìm hiểu về gà chọi Việt Nam.
Võ sỹ Đờlanay xưa kiêu hùng trên võ đài, nay thành ông Tây già lọm khọm như cảnh Phạm Lãi sau mấy chục năm phiêu bạt trên Ngũ Hồ, trở về Cô Tô Đài nơi chiến tích xưa của mình. Đờlanay thường đi lững thững bên Hồ Gươm, không ai hiểu người võ sỹ già nghĩ ngợi gì?
Hà Nội sau giải phóng 1954, phong trào quyền Anh vẫn trên đà phát triển. Võ đài thường đặt ở nhà đấu xảo, nay là Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, trận đấu diễn ra giữa trời, ghế ngồi chỉ là bậc xi măng. Có những năm trong ngày lễ còn tổ chức tại vườn Bách Thú.
Võ sỹ Bùi Trần Tý, công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ, võ sỹ loại nhẹ cân nhất trên võ đài – loại 45 kg – loại giấy, được giới hâm mộ quyền Anh Hà Nội quý mến vì kỹ thuật cao, tốc độ nhanh, thái độ thi đấu sôi nổi, nhiệt tình, khiêm tốn. Dưới loại 45kg có võ sỹ Dậu, kỹ thuật cao, song nhỏ bé quá nên chỉ để biểu diễn cho vui mắt.
Những trận thi đấu giữa Viết Sinh và Hồng Phương, loại 60kg bao giờ cũng gây sự chú ý cho người Hà Nội. Võ sỹ Viết Sinh người thấp trũn như cục gân; ngược với võ sỹ Hồng Phương, kỹ thuật cao, ra đòn dài, nhưng rất nhát, nên hết sức tránh va đập mạnh. Trận đấu giữa Viết Sinh và Hồng Phương thể hiện hai lối đánh trái ngược nhau, hai hình thể cũng trái ngược nhau nên thường diễn ra rất sôi nổi.
Phạm Xuân Nhàn, học trò của võ sỹ Vĩnh Tiên cũng nổi tiếng một thời về trình độ kỹ thuật và thể lực dẻo dai.
Lò võ nổi tiếng của Hà Nội có tinh hoa thuật của võ sư Quỳnh. Ngoài quyền Anh, võ sư Quỳnh còn dạy thêm cả võ Tầu… Võ sư Quỳnh mặt dài, người cao cân đối, rất nhanh nhẹn. Con võ sư Quỳnh trong khi tập võ bị chấn thương thần kinh thành lẩn thẩn, hay đi lang thang trên đường Hoà Mã, Phố Huế. Nhìn chàng trai trẻ bị lẩn thẩn vì võ thuật, nhiều người Hà Nội ngậm ngùi thương xót, và cảnh tỉnh chớ quá mê võ rồi gặp tai nạn nghề nghiệp.
Võ sư Đinh Thọ, võ sỹ to con, ra đòn nặng, song hơi chậm chạp. Võ sỹ Đinh Thọ có nghề chữa bệnh sai khớp gẫy xương. Hiện nay, con võ sỹ Đinh Thọ vẫn nối nghề chữa xương của cha, nhà ở gần Nhà máy rượu phố Nguyễn Công Trứ.
Võ sư Phan Sang, người nhỏ thó, nhanh như sóc, có rất nhiều thủ thuật trong thi đấu. Võ sư Phan Sang tuyệt đối ghét loại võ sinh nhát, sợ đòn. Võ sư Phan Sang thường xỉ vả hết lời loại võ sỹ nhát là: đồ năm con cáy dắt lỗ đít.
Về già, võ sỹ Phan Sang người quắt lại, dáng đi lòng khòng, suốt ngày la cà ở quán bia, say xỉn, nói năng lung tung, nhưng người Hà Nội ít ai cà khịa với người võ sỹ già khả kính suốt đời cống hiến cho quyền Anh.
Miền Bắc chỉ có ba trung tâm võ thuật. Trung tâm võ thuật Nam Định do võ sư Khuê làm “giáo chủ”. Võ sư Khuê có cú đấm mạnh như búa tầm sét hạ gục địch thủ dễ như thò tay vào túi. Vì vậy, võ sư Khuê rất ít đào tạo cho võ sinh kỹ thuật thi đấu. Học trò của ông thường không có cú đấm trời giáng bẩm sinh mà lại hớ hênh trong kỹ thuật nên thi đấu kém hiệu quả. Võ sỹ Trần Xuân Lai ở Nam Định để lại dấu ấn điển hình trong lòng người dân Hà Nội. Ai yêu quý môn quyền Anh đều nhớ bóng dáng võ sỹ Trần Xuân Lai với thế gác hớ hênh, kỹ thuật chưa hoàn chỉnh, nhưng tinh thần thi đấu ngoan cường và thường hoà và thua.
Trung tâm võ thuật nổi tiếng thứ hai ở miền Bắc là Hải Phòng.
Võ sỹ Hải Phòng chiến đấu ngoan cường, sức khoẻ tốt, có kỹ thuật nhưng thiếu sự bay bướm, hào hoa và mang tính hiếu thắng địa phương cao. Những trận đấu quyền Anh, bóng đá giữa Hải Phòng, Hà Nội luôn gây chấn động trong khán giả.
Võ sỹ quyền Anh nổi tiếng nhất của Hải Phòng là Đinh Bảng. Đinh Bảng có đầy tố chất của Hải Phòng: ăn sóng, nuốt bão. Khi võ sỹ Hà Nội Phạm Xuân Nhàn giành chức vô địch thì Đinh Bảng chưa thi đấu, khi võ sỹ Đinh Bảng giành ngôi vô địch thì Phạm Xuân Nhàn từ biệt võ đài.
Cho đến nay, ảnh hưởng của Đinh Bảng vẫn chi phối làng quyền Anh Hải Phòng. Đinh Môn, dòng dõi Đinh Bảng, là huấn luyện viên trụ cột của quyền Anh Hải Phòng.
Trung tâm quyền Anh ở Hà Nội cũng có nhiều lò võ tên tuổi như: Phan Sang, Đình Quỳnh, Đinh Thọ, Vĩnh Tiên… Đến năm 1960, các lò võ tập trung về Sở Thể dục – Thể thao Hà Nội tập tại bể bơi Ba Đình, do võ sư Phạm Xuân Thông hướng dẫn, Phạm Xuân Nhàn chỉ đạo kỹ thuật. Tiếp theo là Phan Sang lãnh đạo phong trào quyền Anh Hà Nội. Sân tập quyền Anh trở về Long Biên.
Đệ tử của võ sư Phan Sang là Hoàng Kiềm nối được chí thầy: yêu quyền Anh đến ngày chết.
Thời thế cuộc đời lúc thịnh lúc suy, nhưng lòng say mê quyền Anh của Hoàng Kiềm thì lúc nào cũng vậy. Thập niên quyền Anh Hà Nội cuối thế kỷ 20 không ai quên hình ảnh Hoàng Kiềm, đầu to húi cua, đi lại lừ đừ như xe tăng, lúc nào cũng say rượu và say môn võ thuật quyền Anh đến chết.
Trận đấu quyền Anh có thể coi như lạ nhất thế giới đã xảy ra tại nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức thập niên 80 thế kỷ trước: hai võ sỹ đang thi đấu trên võ đài thì bỗng dưng trọng tài chính lăn ra chết, khiến tất cả khán giả và tổ trọng tài đều thót tim, cả nhà thi đấu bàng hoàng.
Sự kiện thể thao đáng ghi nhớ trong thập kỷ 90 thế kỷ trước ở Hà Nội là võ sỹ huyền thoại Môhamét Ali sang thăm đội tuyển quyền Anh Hà Nội. Ali sang thăm Việt Nam chỉ với danh nghĩa khách du lịch nên không đưa lên các thông tin đại chúng.
Phỏng vấn Ali sao trận thua Phomân đơn giản vậy? Ali trả lời: “Thời gian đã trôi qua gần nửa thế kỷ, nay Ali mới dám tuyên bố sự thật, trước đêm đó bị đối thủ dùng mỹ nhân kế làm cho kiệt quệ”.
Thể thao của ta mang nặng bệnh thành tích. Muốn giành được thành tích cao trong thể thao đòi hỏi phải dầy công phu tập luyện, với bệnh thành tích, với phương châm đi tắt đón đầu, tất nhiên quyền Anh không đáp ứng được nhu cầu ấy.
Thời xưa, ta coi các võ sỹ quyền Anh Thái Lan là đàn em, võ sỹ Thái Lan gặp võ sỹ Việt Nam đều run như cầy sấy. Thời nay thì ngược lại. Tivi quay cảnh võ sỹ Tuấn bị
võ sỹ Thái Lan đấm nốc ao ngay từ giây phút đầu trận đấu mà đau lòng. Vì đâu võ sy, ta đến nông nỗi này?
“Dù đã lấy đà từ xa
Vẫn không vượt được cái ta của mình”
Thái Lan đã có võ sỹ nhà nghề vô địch thế giới, còn võ sỹ Việt Nam chỉ ở loại nghiệp dư, may ra hơn được võ sỹ Lào và Campuchia.
Môn hoàng đế thể thao là bóng đá, ta cũng thảm bại như quyền Anh. Chưa lần nào ta đạt được chức vô địch SEA Games.
Theo Nguyễn Bảo Sinh – Văn nghệ công an