THƯ HOÀNG

Vẽ tranh nghê.

Không hẹn mà gặp trước thềm xuân những cá nhân nặng lòng với tranh dân gian. Bằng tình yêu với văn hóa Việt, họ không chỉ phục dựng lại một làng tranh đã mai một hơn bảy thập kỷ, mà còn nỗ lực đưa tranh dân gian đến gần với cuộc sống đương đại…

Những người “tiếp lửa”

Tranh thủ những ngày cuối năm hanh nắng, nhà sưu tập Nguyễn Thu Hòa về làng tranh Kim Hoàng (xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) thật sớm để chuẩn bị cho mùa tranh Tết Mậu Tuất. Suốt cả năm nay, mảnh đất này đã là chốn đi về của chị. Những bức tranh gà, tranh lợn, tranh tiến tài tiến lộc… in trên giấy đỏ phấp phới bay trong chiều tháng Chạp đã khiến ngay cả những người vốn sống trên đất tranh Kim Hoàng cũng cảm thấy bất ngờ, cảm động.

Những ngày cuối năm, nhóm S River gồm nhiều bạn trẻ cũng tổ chức cuộc triển lãm “Những điều xưa cũ mới mẻ” tại Nhà sách Cá Chép (115 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) trưng bày những bức tranh dân gian Hàng Trống, đồng thời gấp rút hoàn thành cuốn sách “Họa sắc Việt từ tranh dân gian Hàng Trống”. ây là một dự án đầy tâm huyết, do Trịnh Thu Trang sáng lập vào đầu năm 2017 và làm trưởng nhóm. Thu Trang bắt đầu quan tâm và sưu tầm tranh Hàng Trống từ năm 2013. Nhưng khác với những nhà sưu tập khác, Trang luôn đau đáu tới việc tạo ra một dự án khả thi để bảo tồn, lan tỏa dòng tranh này trong đời sống đương đại. Vì thế, Trang đã tìm ra một cách riêng, đó là số hóa những bức tranh dân gian Hàng Trống. Lợi thế của một người có hơn chín năm trong ngành thiết kế đồ họa đã khiến cho Thu Trang xác lập rõ mục tiêu của dự án: mang dòng tranh Hàng Trống tiếp cận đông đảo công chúng, đặc biệt là giới nghệ sĩ và nhà thiết kế trẻ tại Việt Nam.

Theo đó, tranh Hàng Trống sẽ được số hóa thành bảng mã mầu, file vector họa tiết cùng hướng dẫn kết hợp mầu sắc và cách ứng dụng trên thiết kế đồ họa, thời trang, nội thất và thủ công mỹ nghệ.

Cùng với Thu Hòa, Trịnh Thu Trang, họa sĩ 9X Nguyễn Xuân Lam cũng đang được nhiều người biết tới với việc làm mới tranh dân gian. Những bức tranh nổi tiếng của dòng tranh Đông Hồ, Hàng Trống và tranh của đồng bào dân tộc thiểu số được Xuân Lam vẽ lại, với mầu sắc tươi sáng đang được nhiều bạn trẻ đón nhận.

Lan tỏa và truyền cảm hứng

Có thể thấy, nhà sưu tập Thu Hòa, họa sĩ trẻ Xuân Lam, hay nhóm S River… vừa nỗ lực khơi dòng tranh dân gian trở lại, vừa tìm cách khởi tạo, để tranh dân gian có thêm những hướng phát triển mới, hòa nhập đời sống đương đại.

“Nếu không làm mới thì rất khó để thu hút được công chúng đương đại đến với tranh dân gian”, bà Thu Hòa nói. Chính vì vậy, thời gian qua, đồng thời với việc phục hồi những bản khắc tranh Kim Hoàng, bà Hòa còn phối hợp với nhiều họa sĩ, nghệ nhân dân gian để tạo mẫu mới cho tranh Kim Hoàng. Bên cạnh đó, nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa còn hợp tác với nghệ nhân tranh Hàng Trống Lê Đình Nghiên để chuẩn bị ra mắt những bức tranh Hàng Trống với kích thước nhỏ.

Trong khi đó, trưởng nhóm S River Trịnh Thu Trang cũng đang chuẩn bị có buổi talkshow tại số 8 Tràng Thi (Hà Nội) với chủ đề “Chắt lọc truyền thống, thổi vào đương đại” (ngày 28-1). Đây là một talkshow mang đến những hướng tiếp cận gần gũi hơn cho người trẻ về tranh Hàng Trống. Thu Trang cho rằng, nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái-lan… đã coi việc mã hóa, vector hóa mầu sắc truyền thống như một chiến lược quốc gia về thẩm mỹ, thực hiện đồng bộ trên nhiều ban, ngành khác nhau, trong trường học, trong thiết kế, ngay cả những người không học thiết kế cũng biết về tông mầu truyền thống thì… Việt Nam chưa có. “Từ dự án số hóa những họa tiết, bảng mầu tiêu biểu của dòng tranh Hàng Trống để sáng tạo thành thiết kế đồ họa đương đại mang yếu tố văn hóa truyền thống Việt Nam, tôi hy vọng có thể truyền cảm hứng cho người trẻ để họ bắt đầu một dự án cá nhân có liên quan hoặc được lấy cảm hứng từ mỹ thuật dân gian Việt Nam – một kho tàng tư liệu văn hóa đồ sộ, quý giá và đáng trân trọng”, Thu Trang chia sẻ.

Các họa tiết tranh dân gian khi được đưa lên các vật dụng như túi xách, áo phông, gối, giày dép, bao lì xì hay hộp mứt Tết đã tạo ra những hiệu ứng thẩm mỹ khác lạ. Như với sản phẩm vỏ hộp mứt Tết, nhóm S River sử dụng họa tiết nụ hoa trong bức “Con nai” (tranh Tết) kết hợp họa tiết mây và búp lá non trong bức “Hương chủ” (tranh thờ) của tranh Hàng Trống. Những họa tiết được lấy cảm hứng từ mùa xuân với hoa lá đâm chồi nảy lộc, tạo nên một mầu sắc, diện mạo mới mẻ cho hộp mứt Tết truyền thống…

Giá trị cốt lõi của nghệ thuật xưa nay là phản ánh văn hóa và đời sống xã hội. Cuộc lội ngược dòng trở về với những giá trị văn hóa truyền thống để gìn giữ, khởi tạo của những người nặng lòng với tranh dân gian Việt Nam, mà rộng ra là văn hóa Việt Nam, là rất đáng khích lệ. Đó là những cánh én nhỏ nhưng đã góp phần nối lại được những đứt gãy và lan tỏa những giá trị văn hóa dân gian với cộng đồng. Bức tranh xuân do họ “góp lửa” đang dần trở nên đa sắc…

Nguồn: Báo Thời Nay

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

 

Exit mobile version