HÀ PHƯƠNG

Các bạn trẻ xem mô hình trận đánh của Vua Quang Trung tại Gò Đống Đa (Hà Nội). Ảnh: HẢI NỮ

Thành lập câu lạc bộ tìm hiểu lịch sử và văn hóa, tổ chức các buổi sinh hoạt, tọa đàm, hội thảo… về lịch sử cho các bạn trẻ là hướng đi mới giúp các bạn đến gần hơn với lịch sử Việt Nam.

Nghe người trẻ nói chuyện lịch sử

Hôm qua 4-3, tại Trường ĐH Ngoại ngữ, hội thảo nhỏ “Triều Nguyễn – đôi điều suy ngẫm” được các thành viên Câu lạc bộ Lịch sử và Văn hóa HE History for everyone (CLB HE) của Trường THPT chuyên Sư phạm tổ chức, có sự tham gia của các thầy, cô giáo và đông đảo học sinh, sinh viên.

Cử tọa đã được nghe các em học sinh của CLB giới thiệu những hiểu biết của mình về vương triều nhà Nguyễn. Từ văn hóa thời Nguyễn với những giá trị về kiến trúc cung đình như kiến trúc của kinh thành Huế, kiến trúc lâu đài, đền các, kiến trúc chùa, các cảnh quan độc đáo, hình tượng rồng… đền trang phục thời Nguyễn, trong đó có trang phục của Hoàng đế, với lễ phục, triều phục, quân phục; trang phục của hoàng hậu, quý phi…

Nhiều bạn quan tâm đến chủ đề châu bản triều Nguyễn và việc xác lập chủ quyền biển đảo Việt Nam, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc nhà Nguyễn thực thi chủ quyền biển đảo đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các diễn giả trẻ, là sinh viên Khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm I đã giới thiệu về chính sách của các vị vua triều Nguyễn đã tiếp nối chính sách của các chúa Nguyễn đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời triển khai một cách toàn diện và hệ thống hơn các hoạt động quản lý đối với hai quần đảo này. Như việc thiết lập đơn vị hành chính trên đảo, tiến hành khảo sát đo đạc, cắm mốc chủ quyền… Từ việc vẽ bản đồ cứu hộ, cứu nạn bảo đảm an toàn hàng hải, cũng như các chính sách thưởng phạt phân minh, để khích lệ thủy quân thuộc đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải được cử ra hai quần đảo…

Nhiều người tham gia thán phục, bởi các bạn trẻ không chỉ là người có kiến thức, có hiểu biết tương đối tốt về vương triều nhà Nguyễn, mà còn có những nhìn nhận, đánh giá tích cực, đầy đủ và tương đối mới mẻ, khách quan về vương triều này. Thầy Trần Anh Đức, giảng viên Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội II chia sẻ, cho đến nay, không có nhiều người trẻ hiểu một cách đúng đắn về một vương triều mà trước nay đã bị đánh giá tương đối tiêu cực, ngay cả trong cả sách giáo khoa. Việc các em tổ chức một cuộc hội thảo về triều Nguyễn như hôm nay, là cách để người trẻ có thể ngồi lại với nhau, cùng nhìn lại những vấn đề chung quanh vương triều nhà Nguyễn, để các em có thêm những hiểu biết về lịch sử dân tộc. Em Nguyễn Ngọc Hà, lớp 10I, Trường THPT Chuyên ngoại ngữ chia sẻ, nhờ những cuộc hội thảo như thế này, những học sinh như chúng em sẽ có cái nhìn khách quan, toàn diện hơn về triều đại nhà Nguyễn…

Hướng tiếp cận lịch sử mới

CLB HE do một nhóm học sinh Trường THPT Chuyên Sư phạm khởi xướng và thành lập, từ tháng 3-2016. Bạn Nguyễn Phương Linh, học sinh lớp 11A2, THPT Chuyên Sư phạm, Chủ nhiệm CLB cho biết, nhóm các bạn đứng ra thành lập CLB, với mong muốn lan truyền tình yêu lịch sử và những hiểu biết về lịch sử đến thật nhiều bạn trẻ. CLB đã tổ chức được ba hội thảo, về thế chiến thứ 2, về Biển Đông và giờ là hội thảo về vương triều nhà Nguyễn. “Qua các cuộc sinh hoạt CLB, qua các hội thảo, chúng em có thêm hiểu biết về chuyên môn sử, được trau dồi thêm những kỹ năng về tổ chức, kỹ năng thuyết trình rất bổ ích”, Phương Linh chia sẻ.

Anh Bùi Thái Sơn Hùng, đang công tác tại Tiểu đoàn Công binh 93, Bộ Tư lệnh Công binh, từng là cố vấn chuyên môn của CLB HE đánh giá, những cuộc hội thảo như thế này giúp các bạn học sinh tiếp cận thông tin một cách đa chiều, đa dạng, từ đó các bạn có thể chọn lựa cho mình phương pháp tiếp cận, nhìn nhận thông tin và có những đánh giá khách quan, chân thật khi nhìn vào lịch sử. Đồng thời, giúp kết nối mọi người với nhau, kết nối những người có cùng đam mê, sở thích để mọi người có thể học hỏi trao đổi thông tin để cùng nhau giải quyết những vấn đề đang thắc mắc…

Thầy Trần Anh Đức đánh giá, việc xây dựng mô hình CLB, nhất là các CLB hoạt động chuyên môn liên quan đến lịch sử văn hóa, là hướng đi mới cần được khuyến khích và mở rộng. Đặc biệt là trong lộ trình cải cách giáo dục của Việt Nam, nhất là khi câu chuyện về giáo dục lịch sử đang “nóng”, với nhiều bất cập và gây tranh cãi, như việc học sinh không mặn mà với môn sử, chán học lịch sử, hiện tượng xé đề cương môn sử… Mô hình cần được động viên rất lớn để góp phần vào việc nuôi dưỡng tình yêu của các bạn trẻ với môn lịch sử.

Theo Báo Thời Nay

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

 

Exit mobile version