MINH CHỨNG NHỮNG MIỀN XANH TRÍ TUỆ
Về tập thơ TA THƯƠNG NGƯỜI LẮM MÀ KHÔNG NÓI của nhà thơ Trương Công Tưởng.
(Xuất bản quý 2/2023. Nhà xuất bản Văn học liên kết Trung tâm TÔN VINH VĂN HÓA ĐỌC)
Bản clip được phát trên THI CA ĐIỂM HẸN
Đôi khi, giữa xô bồ cuộc sống hiện đại gấp gáp, người ta thèm nghe một khúc nhạc sáo vang lên trên không trung. Tiếng sáo trong trẻo hiện hữu như minh chứng cho tình yêu thương vô điều kiện, minh chứng cho những miền xanh nhân tâm, trí tuệ chưa bị phủ kín bởi bụi mịn và sự rã rượi của con người trong cuộc rượt đuổi danh vọng, ảo mỹ…
Tôi lấy hình ảnh và vang âm thanh tao của nhạc sáo, để liên tưởng đến thơ của nhà thơ Trương Công Tưởng. Vang âm ấy được chắt lọc – về nghệ thuật nhả chữ; được buông thả – về bí quyết tạo cảm giác thân thuộc bình dị; được da diết – để da diết yêu thương… đã được xác lập trong tập thơ này, tập thơ có cái tựa đề dễ thương như chính những câu thơ trong tập Ta thương người lắm mà không nói.
Con đường, bài thơ đầu tiên trong tập gần như là một tuyên ngôn ngầm cho con đường sáng tác của nhà thơ: Người nói đó là những vì sao/ những đêm mắt mơ màng khép/ Người nói đó là con đường/ những khi bàn chân mỏi/ người nói đó là yêu thương/ mỗi khi trái tim rũ rượi… Cho dù đó là con đường dẫn nhà thơ đi tới những miền “mỏi mệt”, “nếp nhăn”, “dấu vết thời gian”, “nỗi đau”… thì cuối cùng vẫn là sự thành kính Tôi cúi đầu trước những nỗi đau/ và đón chờ niềm vui phía trước/ những con đường rộng mở thênh thang.
Tưởng vẽ cuộc sống hiện hữu bằng hình ảnh những người đàn bà chân chất mà dường như mang trong họ sự bí ẩn của vẻ đẹp huyền sử:
Những người đàn bà miệt mài cõng đá trong đêm
Quả núi bé dần trong câm lặng
Lưng trần dày lên những vết thương…
Rồi là liên tiếp những hình ảnh: Những người đàn bà cõng cánh đồng đi trong đêm…/ Đêm nào dòng sông cũng rao bán ánh trăng/Ẩn trong bóng tối là rất nhiều lóe sáng…/ Những người đàn bà cõng hết tiếng ru/ Cõng cả phận người đi qua mưa nắng…/ Những người đàn bà cõng hết niềm riêng/ Ngồi nán lại dưới hàng cây cổ thụ/ Đêm mở ra đường trăng mê mải…
Trương Công Tưởng dùng chữ như cách dùng bút cọ để vẽ. Vẫn chỉ những con chữ thuần Việt, được mang ra soi rọi dưới ánh sáng huyền, tạo cho người đọc cảm giác thân thuộc bình dị, da diết mà không hề sáo ngữ. Gió nấc/ Người đi trùng trùng im lặng/ Mẹ tôi cõng cả dòng An Lão trên lưng.
Những thẳm sâu trong trái tim nhà thơ, được soi chiếu như cách tự tỉnh thức. Khóc dưới sao trời là một trong những bài thơ như vậy:
Những đêm ngồi khóc dưới sao trời
Người có cả còn tôi thì mất cả
Cũng may, tôi còn tôi…
Thật may, là “tôi còn tôi”. Còn cả một ý niệm trải dài miên man thánh thiện, để khẳng định cốt cách.
Tuy nhiên, có đôi khi nhà thơ hoài nghi và bất lực. Nỗi buồn bảng lảng. Sự hoài nghi kiếp người. Sự bất lực của những câu thơ trước bao biến cố, trước sức mạnh của đời sống vật chất, trước bão táp cuộc đời. Vì thế có “buồn”, “khóc”, “nhức nhối”… Nhưng đọc cả tập, gấp lại và ngẫm ngợi, thì tuyệt nhiên không có sự tuyệt vọng hay thù hận cuộc đời. Nếu tuyệt vọng, thì thơ chỉ còn là những tiếng than khóc được tô điểm lời lẽ vọng tưởng. Nếu thù hận, nhà thơ bước sang vạch giới của kẻ mang nguồn linh lực đen phủ trùm lên vạn vật. Và như vậy thơ không còn là thơ nữa, không còn là sứ mệnh thi ca nâng đỡ tâm hồn loài người.
Chính vậy, những câu thơ buồn lại là những đòn bẩy để đưa con người vượt thoát.
Tôi thích những câu thơ giản dị như thế này:
Ta thương người lắm mà không nói
Đâu biết nói ra sẽ thế nào
Ta thương người lắm người không biết
Người cứ hồn nhiên như mây trôi…
Đêm dưới sao trời ta ngồi đếm
Có những vì sao trong mắt sâu…
Có lẽ, nhờ sự giản dị, không mỹ từ hóa những câu chữ, thơ thốt ra như hơi thở nhu nhiên, đã neo được nhà thơ ở bến bờ chân thực.
May thay!
Thơ trẻ trong những năm qua xuất hiện nhiều cây bút đáng chú ý. Trong số này không thể không kể đến Trương Công Tưởng. Tưởng làm thơ từ thời học phổ thông nhưng chính thức xuất hiện trên văn đàn trong những năm gần đây và được giới chuyên môn cũng như bạn đọc biết đến và đánh giá cao.
Trương Công Tưởng là cây bút giàu nội lực, thơ anh có thế mạnh về cảm xúc, những vần thơ đẹp, sâu lắng, gợi nhiều liên tưởng, gần gũi, dễ cảm và tứ thơ vững đã giúp Trương Công Tưởng nhanh chóng tỏa sáng. Tưởng viết về chính những gì thân thuộc nhất đối với mình. Tình yêu, con người, quê hương trong thơ anh giàu tính nhân sinh, gây xúc động và mở ra cho độc giả nhiều suy nghĩ.
Thơ đã đưa Trương Công Tưởng vượt thoát ra khỏi những cánh đồng, đồi núi của trung du quê mình để đến gần hơn với đông đảo bạn đọc cả nước. Và bạn đọc thân thiết cũng theo cảm xúc của Tưởng để đi đến những không gian mở.
Các giải thưởng văn chương mà anh đã nhận được như một sự minh chứng cho chất lượng tác phẩm và sự chỉn chu, cầu thị của người viết – Một phẩm chất rất cần thiết cho những người trẻ hôm nay.
Hai tập thơ của Tưởng làNgồi gỡ tơ trờivà Đợi những vắng xa đều được đón nhận tích cực. Tập thơ thứ ba này, Ta thương người lắm mà không nói, không dừng ở những hình ảnh “ngoại thân”, mà nhà thơ đã xác lập một “nội thân” của dòng thơ minh triết; dùng chất trữ tình, nhu nhiên để chuyển tải “nội thân” trí huệ của tính thơ mà Trương Công Tưởng dày công xác lập.
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà – Bài viết đã đăng trên báo Văn nghệ số 23, ra ngày 10.6.2023