Những ngôi nhà cheo leo như những tổ chim bên ghềnh đá cao. Sar Luk, ngôi làng của người M’nông Gar không quá xa xôi như tôi tưởng, càng không hiu hắt như thời thập niên bốn mươi của thế kỷ XX, khi nhà dân tộc học Georges Condominas về đây sống cùng dân làng và tạo nên khảo cứu lừng danh “Chúng tôi ăn rừng”.
Ngồi cùng tôi trong buổi chiều cuối năm là già Ywan R’tung, người cao niên nhất của làng Sar Luk, gần chín mươi mùa rẫy. Già lắm rồi mà cái đầu Ywan vẫn sáng rõ từng chi tiết trong câu chuyện của làng bảy mươi năm trước, trong từng kỷ niệm với Georges Condominas, người mà bà con buôn làng thân thiết và kính trọng gọi là Yoo Condo. Trưởng thôn Y Siêng Păngting nói với tôi rằng: “Anh tìm đúng người rồi đó! Người già Ywan R’tung biết nhiều chuyện lắm. Già thân thiết với Yoo Condo từ thời còn nhỏ. Hồi còn sống, Yoo cũng rất thương già, cũng như thương bà H’Srang Rye vừa mới mất…”.
Có lẽ nên nhắc lại điều này. Hồi bảy mươi năm trước, Tây Nguyên vẫn còn heo hút, bí ẩn và xa lạ. Ở nơi ấy, đồng bào sống trong thế giới tâm linh theo quan niệm đa thần nguyên thủy “vạn vật hữu linh”. Vậy mà mùa xuân năm 1948, chàng trai người Pháp vừa mới 27 tuổi G.Condominas, nghiên cứu sinh thuộc Trung tâm nghiên cứu Dân tộc học (CFRE) đồng thời là cộng tác viên của Cơ quan Nghiên cứu Khoa học Hải ngoại (ORSTOM) từ Paris qua Việt Nam và lên ngay với vùng đất Tây Nguyên. Định mệnh đã gắn bó Condominas với mảnh đất này, từ đó, mỗi lần từ Pháp trở lại, anh không dùng từ “sang” mà nói rằng “về ”. Condominas được các nhà dân tộc học hàng đầu nước Pháp đào tạo nghiêm túc và sâu sắc, nhưng dù sao bài bản cổ điển vẫn khác với những gì mà anh đã trải nghiệm ở vùng M’nông Gar trong ba năm nhập cuộc. Không nhìn từ ngoài vào, không nhìn từ trên xuống mà biến mình trở thành đối tượng. Xuất phát từ cảm nhận riêng, Condominas nhận thấy người Tây Nguyên coi rừng như người mẹ nuôi dưỡng mình. Họ đo không gian sống ở rừng để tính thời gian sống. Cuốn sách “Nous avons mangé la forêt” (Chúng tôi ăn rừng) ra đời, lập tức trở thành một hiện tượng, một mẫu mực về sự cách tân điều tra dân tộc học và gây tiếng vang trên toàn thế giới; trở thành cuốn sách gối đầu giường của tất cả những ai muốn dấn thân vào địa hạt nghiên cứu dân tộc học Tây Nguyên. “Ăn rừng” có nghĩa là phong tục đốt rẫy của người M’nông, mỗi năm “ăn” một miếng rừng, chu kỳ “ăn rừng” kéo dài 60 năm. Đọc sách của Condominas, hình dung thật rõ ràng không gian sinh tồn từng gắn bó như máu thịt với người Tây Nguyên, đó là rừng: rừng săn bắn hái lượm, rừng thiêng, rừng rẫy, mặt nước trong rừng và rừng chăn thả. Với không gian rừng và tín ngưỡng cổ sơ, cuộc sống buôn làng vô cùng sinh động. Condominas đã lấy đó làm điều phải học, phải hiểu, để rồi yêu, rồi quý những con người chất phác ở rừng như người anh em thân thiết của mình…
Làng Sar Luk năm 1948 chỉ có 146 người dân cả già trẻ, gái trai. Condominas đã xin già làng được làm một người dân M’nông Gar bản địa. Với sự trợ giúp của dân làng, ông làm một ngôi nhà sàn lẫn vào những ngôi nhà khác và thật sự trở thành một “hộ” của làng. Già Ywan R’tung kể lại: “Yoo Condo sống ở làng ba năm, nói tiếng M’nông Gar như chúng tôi, cùng đóng khố cởi trần, biết nấu cá suối với cà đắng để ăn, cùng uống rượu cần, cùng vào rừng săn thú, cùng dự xử phạt vạ, cùng đi chôn người chết. Sar Luk coi Yoo Condo là người của làng…”. Condominas được dân làng cho phép chia sẻ và nhập cuộc mọi số phận của làng. Ông nói rành tiếng bản địa đến nỗi, ngay cả trong giấc mơ cũng nói tiếng M’nông Gar thay vì tiếng Pháp…
Giáo sư G.Condominas và Ywan R’tung trong một lần ông về thăm lại làng Sar Luk.
Chiều cuối năm gió hú rền thung lũng, đứng bên gềnh đá giữa làng Sar Luk ngắm dòng sông lớn (người M’nông Gar gọi K’rông Nô là Dak K’rông: nước lớn) đang trôi giữa cánh rừng gập ghềnh thác đá mà tôi liên tưởng đến những câu chuyện trong bộ khảo cứu mà G.Condominas đã từng miêu tả về đời sống nơi đây 70 năm trước. Trò chuyện với già Ywan R’tung và những người đồng tộc của ông trong buổi chiều này, giữa không gian này mà tôi vẫn như lạc vào xứ sở M’nông Gar ngày xưa. Tôi như còn thấy đó hình ảnh Baap Can bôi máu gà lên hai thanh tre để gieo quẻ bói; như còn thấy hình ảnh Krông Jôong ngồi giữa khu rừng nhà mồ để báo tin về vụ thu hoạch cho những người đã chết mà cách nói của người M’nông Gar là những người đã về cõi Mang Lung; như còn nghe tiếng khóc não nề của người làng trong đám tang Tang Jiêng Còng. Hình dung đoàn người giã từ năm “ăn rừng” Đá – Thần Gôo đang rồng rắn kéo nhau về rừng Phii Có để mở mùa rẫy mới…
Về Sar Luk, nghe câu chuyện của người làng mới biết, cậu bé Ywan R’tung cùng với cậu bạn Krae thuở ấy chính là những người đã dẫn G.Condominas đến mô đất của làng Ndut Liêng Krak kế bên để bới tìm những “phiến đá lạ”. Đó là sự đánh dấu vào lịch sử khảo cổ học nhân loại, khi lần đầu tiên tìm ra bộ đàn đá tiền sử đầu tiên trên thế giới, cái mà người M’nông Gar hay các bộ tộc Tây Nguyên thời đó chỉ biết gọi là “đá kêu” hay “đá của người Chàm” (Mau Prum). Dịp trở lại Việt Nam năm 2006 trước khi mất mấy năm, Condominas kể lại chuyện tìm ra đàn đá tiền sử. Chuyện rằng, trong một đêm lạnh lẽo nơi núi rừng, nằm mơ màng sau khi uống rượu cần với già làng bên bếp lửa, ông chợt nghe được câu chuyện của những người phu đi làm đường kháo nhau về những “phiến đá lạ” mà họ nhầm tưởng là của người Chăm. Những phiến đá đó ở tại làng Ndut Liêng Krak, cách làng Sar Luk vài chục cây số. Buổi sáng ngày 5 tháng 2 năm 1949, với sự dẫn đường của Ywan R’Tung và trai tráng ở làng, Condominas leo lên lưng con ngựa trắng vội tìm đến làng Ndut Liêng Krak và cùng mọi người đào lên 11 phiến đá dài nằm trong một khu rừng hoang sơ. Phiến dài nhất khoảng hơn 1m, phiến bé nhất cũng khoảng 70cm. Với cảm quan của một nhà dân tộc học, Condominas nhận thấy, đó là những phiến đá có bàn tay chế tác của con người. Ông lấy tay gõ vào đá, những âm thanh du dương giàu nhạc tính vang lên thánh thót. Bản tính thận trọng của một nhà nghiên cứu không cho phép ông xác định ngay đây là loại đá gì, thuộc niên đại nào. Ông xin dân làng cho được mang những phiến đá quý ấy về Paris. Viện Nhân chủng học Pháp với những tên tuổi hàng đầu thế giới như Cl.Levy Strauss, Mh.Kelly, Andre Schapffner đã đi đến kết luận cuối cùng: Đây chính là bộ đàn đá được coi là đầu tiên và cổ xưa nhất thế giới, có niên đại khoảng gần 3000 năm…
Sar Luk hôm nay đang sống động trong một hình ảnh khác, tươi mới và khá giả. Nhưng giữa những nương rẫy bát ngát cà-phê, giữa những mái nhà xây mới khang trang, dòng hoài niệm về quá khứ trôi trong ánh mắt của những người già như Ywan R’tung vẫn lắng đọng những khoảnh khắc buồn. Cũng phải thôi, già Ywan là “pho sử sống” của một thời săn bắt hái lượm, lang thang rừng nọ núi kia với chiếc gùi trên vai và xà gạt trên tay, già buồn là phải. Già buồn và lo văn hóa của người M’nông Gar mai một, lứa trẻ đang lãng quên dần những giá trị cổ truyền.
Nhưng tôi muốn nói với người già M’nông Gar rằng, như dòng chảy ngàn đời của K’rông Nô ở phía chân làng, đã là văn hóa tộc người cũng như mùa xuân của đất trời vậy, không bao giờ chết, mỗi sớm mai mùa mới sẽ thức dậy, khỏe tươi. Dòng chảy đó đã từng âm thầm tiếp nối từ vọng âm tiếng đàn đá hơn 3000 năm trước mà những người như G.Condominas đã tìm ra với tiếng đồng của cồng chiêng đương đại. Giai điệu của đá nghìn năm và đồng trăm năm cùng ngân lên trong một thang âm. Nếu ta yêu, nếu ta biết lắng nghe với tất cả tâm hồn, sẽ cảm nhận rõ ràng sức sống vĩnh hằng và bất tận của vùng văn hóa độc đáo Tây Nguyên.