Vậy là cuộc hành quân thầm lặng ấy của họa sĩ Đặng Ái Việt vẫn tiếp tục, trên con đường ghi lại những hình ảnh của hàng nghìn bà mẹ anh hùng, trên khắp đất nước. Bà ký họa lại chân dung của những người mẹ anh hùng. Hàng trăm chuyến đi trong hơn hai năm qua mà bà đã thực hiện, qua bao tuyến đường quê hương. Bà gặp gỡ và đã bao lần rơi nước mắt bởi những cảnh đời cô đơn, quạnh vắng của những người phụ nữ đã chịu đựng sự hy sinh mất mát của chồng, con mình trong cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc ta. Họ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc để giành lại độc lập và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ đất nước ta. Đó là những người con anh hùng của Tổ quốc ta. Và, những bà mẹ, hay người vợ ở quê nhà đã trọn cả cuộc đời chờ đợi và tràn ngập hy vọng cho một tương lai tốt đẹp.


Chân dung người nữ họa sĩ đã vẽ hơn 1000 bức chân dung bà mẹ anh hùng

Giờ đây họ trở nên cô đơn và thầm lặng chịu đựng sống với những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời. Bà, họa sĩ Đặng Ái Việt đã đi, gặp gỡ, chia sẻ an ủi những người mẹ anh hùng và… vẽ. Họa sĩ vẽ như thể không còn một ngày mai để vẽ. Bà lo toan sợ thời gian sẽ dần trôi; Mỗi ngày trôi qua, biết đâu sẽ có một người mẹ anh hùng sẽ ra đi mãi mãi. Bởi họ đều đã già và như chuối chín cây vậy. Rụng rơi với thời gian.

Cuộc hành trình ấy bắt đầu từ một ngày xuân đẹp trời của tháng hai năm 2010, họa sĩ Đặng Ái Việt khởi hành bằng chiếc xe rất cũ nhỏ bé, nhỏ nhoi như chủ nhân của nó vậy. Đó là chiếc xe Charly. Nó đã đưa bà đi khắp mọi miền quê từ Nam ra Bắc, hàng chục ngàn cây số, với sự ngạc nhiên của hàng trăm họa sĩ của cả nước. Ai cũng ái ngại với sự mạo hiểm của chuyến đi xuyên Việt để ký họa lại chân dung các bà mẹ anh hùng trên toàn quốc. Với con số 3000 chân dung, vẽ đến bao giờ mới hết? Nếu trung bình mỗi ngày như bà dự tính vẽ được ba người, thì bao ngày mới vẽ xong, bao năm mới hoàn thành? Ôi thời gian!

Năm nay nữ họa sĩ Đặng Ái Việt đã bước sang tuổi 65, vậy mà bà vẫn tiếp tục cuộc hành trình có một không hai trong lịch sử Hội họa Việt Nam. Có người dò hỏi bà về những chi phí dọc đường và ăn ở trên quãng đường xa xôi, bà cho biết, đó là tiền riêng của bà và một số lớn là tiêu vào tiền nhuận bút cuốn sách hồi ký của chồng bà, Cố NSND Phạm Khắc, người chủ biên và đạo diễn bộ phim “Mê Công ký sự” nổi tiếng và dành Cánh diều vàng năm 2006.

Bà cho biết hiện đã vẽ được tới 1000 bức chân dung bà mẹ anh hùng. Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã sưu tầm 70 bức, qua ba lần triển lãm của bà, với giá khiêm tốn là 70 triệu đồng. Bà đã trao tặng số tiền này tới các chiến sĩ ở đảo Trường Sa, và tâm sự rằng, không bao giờ đem bán các bức tranh về các bà mẹ anh hùng. Nếu có ai, hoặc tổ chức nào sưu tầm, thì số tiền thu được bà sẽ đóng góp cho các tổ chức từ thiện. Nói về những kỷ niệm trong chuyến đi dài bất tận trong cuộc đời mình, bà tâm sự bao điều sâu lắng của những người mẹ anh hùng. Bà kể, đa phần những mẹ hầu hết đã ở vào tuổi 80 hay 90 nên sức rất yếu và khó vẽ. với những bà mẹ quá yếu, nữ họa sĩ thường xúc động và run tay khó vẽ cho hết được cái thần thái của chân dung. Có người quá già yếu, bà chỉ kịp chụp tấm hình kỷ niệm rồi chia tay vì không thể vẽ, bởi nỗi xúc động trào dâng. Phải chia tay trong nước mắt vì có mẹ chỉ còn thấp thỏm chờ đợi thời gian về cõi vĩnh hằng. Nỗi niềm trong trái tim nghệ sĩ thật khó kìm nén. Đó là sự níu kéo vô thường của thời gian. Thế là bà lại lên đường. Gấp gáp. Bồi hồi với bao điều còn ấp ủ trong đời mình.

Thường thì nữ họa sĩ Đặng Ái Việt mỗi khi gặp một người mẹ anh hùng, bao giờ cũng trò chuyện, tìm hiểu cảm thông, để lấy cảm xúc. Sau đó là câu chuyện của đường nét và làm nổi bất cái thần thái của một chân dung. Khi ấy họa sĩ phải ngắm nghía rất lâu, để tìm cho ra ánh sáng của tâm hồn, ở một góc cạnh nào đó, rồi mới vẽ. Bà còn kể có lần đi tìm một người mẹ anh hùng, theo mọi người chỉ dẫn, ở ngoài chợ. Hóa ra bà mẹ đó đã bị mù, nhưng vẫn còn phải bán khoai lang để kiếm tiền. Nữ họa sĩ xúc động, ngồi lặng đi trong nỗi nghẹn ngào, rồi vẽ trong một tâm trạng, không kìm được nước mắt. Đó là những bức chân dung nước mắt của người nghệ sĩ. Mỗi chặng đi như thế, họa sĩ Đặng Ái Việt thường ghi chép lại trong tập nhật ký của mình. Vậy mà đã ba năm, trải qua hơn 36.000 cây số, thậm chí đến nay con Charly đã phải thay, rời cuộc chơi, nhưng chủ nhân của nó vẫn tiếp tục hành trình. Vẫn những nét vẽ tri ân trong cuộc hành hương về cội nguồn, về với những người mẹ anh hùng, với một sức manh của một người chiến sĩ năm xưa.

Đọc những dòng nhật ký dọc đường của bà mới hay, với tác phong của một phóng viên một thời lăn lộn, bà đã phải rèn luyện, tập dượt nhiều tình huống để vượt qua những khó khăn dọc đường gặp phải. Nữ họa sĩ đã phải nhịn ăn bao bữa cho quen với hoàn cảnh của từng nơi. Hay bà cũng trở thành một thợ sửa xe máy khá thành thạo, mỗi khi có tình huống hỏng hóc xảy ra. Rồi có những lúc mưa đổ ập xuống bất chợt là chiếc lọng che được kéo lên, rồi thùng đồ dùng nữa… Nghĩa là cả một gia tài nhỏ bé, đủ để cho bà sinh sống và vẽ dọc đường. Bà nhanh nhưng sức yếu nên không tránh khỏi những cú ngã, hay tại nạn nhẹ xảy ra qua những chuyến đi. Vậy mà bà vẫn chỉ hướng tới những tình cảm với những bà mẹ anh hùng, với tốc độ làm việc chóng mặt. Nhiều cảm xúc đã được bà ghi lại, đọc mà rơi nước mắt. Bà ghi lại khi đến với mẹ Nguyễn Thị Nhẹ, 90 tuổi, ở thôn 4, xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa: “Lên giường nằm với mẹ, ôm đôi vai gày của mẹ, sao bỗng nhớ bà ngoại mấy đứa nhỏ. Bà mẹ nào cũng chịu sự tàn phá của thời gian, những nếp gấp của thời gian chồng chéo, đan như lưới lên cơ thể đời người… phải chăng từ lâu lắm mẹ cô đơn một bóng, không ai nằm kề bên, giờ đây chắc mẹ đang tận hưởng cái hạnh phúc được nằm bên người khách gọi mẹ bằng mẹ, tuy xa lạ nhưng lại rất gần gũi…”.

Rồi còn bao kỷ niệm nữa mà họa sĩ Đặng Ái Việt đã ghi lại, với hàng trăm bà mẹ, ở mọi miền quê yêu dấu. Bà còn làm thơ, mỗi khi cảm xúc trào dâng, với những nỗi niềm khó quên, trên chặng đường xa vời vợi. Có những mẹ bà không kịp vẽ, chỉ vì chặng đường quá xa xôi, khi đến nơi, thì mẹ không còn nữa vì già yếu bệnh tật. Những lúc ấy bà chỉ khóc vì thương nhớ và luôn tự trách mình sao không thể đi sớm hơn, hay sao ta không thể đi nhanh hơn.

Mới đây, liên hệ với họa sĩ Đặng Ái Việt, tôi biết bà đang vẽ một bà mẹ anh hùng tại xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Nữ họa sĩ cho biết đến nay bà đã vẽ được 1055 người mẹ anh hùng, qua 40 tỉnh đã đến, tính tới ngày 8-3-2013. Bà tâm sự thêm rằng, vẽ đến khi nào không thể vẽ được nữa và vẫn tiếp tục theo đuổi đề tài Mẹ Việt Nam anh hùng và chân dung đồng đội đến hơi thở cuối cùng. Qua điện thoại bà đọc cho tôi ghi mấy câu thơ để trả lời câu hỏi của những người, khi đặt vấn đề vẽ để làm gì. Tôi bồi hồi với những vần thơ ghi vội vào sổ tay:

Ta đi đâu phải để cầu danh

Chẳng phải thiền sư, chẳng thỉnh kinh

Ta tìm hình ảnh người mẹ Việt

Để lại ngàn năm cho thế nhân

Vì sao nữ họa sĩ Đặng Ái Việt lại có sức mạnh đến phi thường, trên con đường tìm kiếm và tri ân đến vậy. Bà vẽ như chia sẻ với chính những người đồng đội của mình chăng?. Những giọt nước mắt của sự sẻ chia và đau đáu những nỗi niềm ẩn giấu trên mỗi con đường trải qua cuộc chiến tranh. Trước đó tôi đã biết, chính bà là một chiến sĩ trước khi làm hội họa. Bà là giảng viên của trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, trước khi về hưu. Họa sĩ Đặng Ái Việt được sinh ra và lớn lên trên quê hương miền Nam khói lửa và đã sớm tham gia cách mạng. Một thời, khi còn ở tuổi mười tám, hai mươi, người dân Tây Ninh đã từng tôn vinh bà là Dũng dĩ diệt Mỹ, Dũng dĩ diệt xe tăng.

Thì ra là vậy, mọi sự đều có căn nguyên của nó. Trong cuộc hành trình gian khổ này, có một sức mạnh phi thường của một người dũng sĩ năm nào luôn đồng hành cùng với họa sĩ. Hai tâm hồn, chiến sĩ và họa sĩ trong một con người; an ủi, động viên nhau và luôn luôn sưởi ấm tâm hồn nhau để cùng vẽ nên những chân dung của những người mẹ anh hùng đã hy sinh trọn đời cho quê hương đất nước.

Vương Tâm

(Trích tập “Nước mắt thời gian”)

(Văn học quê nhà)

Exit mobile version