Những “Chạng vạng”, “Đấu trường sinh tử”, “Dị biệt”, “Giải mã mê cung”… đã cho thấy sức mạnh của dòng văn học – điện ảnh dành riêng cho “tuổi mới lớn”. Có điều gì đặc biệt ở lứa tuổi này khiến những tác phẩm “tuổi teen” thành công lớn đến vậy?
Thêm một hiện tượng văn học tuổi mới lớn sắp đến Việt Nam?
Trong năm 2015, giới xuất bản Mỹ chứng kiến thêm một hiện tượng thành công của dòng văn học dành cho tuổi mới lớn, đó là cuốn tiểu thuyết “An Ember in the Ashes” (Than hồng trong tro tàn) của nữ tác giả Sabaa Tahir. Một điều thú vị: đây cũng là tiểu thuyết đầu tay của Tahir, giống như trường hợp của nữ nhà văn Veronica Roth – tác giả bộ truyện “Dị biệt”.
Khi mới ra mắt, cuốn tiểu thuyết đã nhận được nhiều lời khen tặng từ giới phê bình, đến khi xuất hiện tại các nhà sách, “Than hồng trong tro tàn” đã ngay lập tức đứng thứ 2 trong danh sách những tiểu thuyết dành cho tuổi mới lớn bán chạy nhất. Trước khi tác phẩm ra mắt độc giả, hãng phim Paramount Pictures thậm chí đã mua bản quyền chuyển thể tác phẩm.
Hiện tại, đã có 30 quốc gia mua bản quyền dịch và xuất bản cuốn sách. Trước sự thành công ngoài mong đợi, nữ tác giả Tahir đã bắt tay vào viết tập hai với tên gọi “A Torch Against the Night” (Bó đuốc trong đêm tối).
“Than hồng trong tro tàn” được xem như một tác phẩm hội tụ thế mạnh của cả 3 bộ tiểu thuyết văn học tuổi mới lớn đã rất thành công trước đó, gồm chất văn “gây nghiện” của “Đấu trường sinh tử”, trí tưởng tượng phi thường trong “Harry Potter”, và sự gay cấn quyết liệt trong “Trò chơi vương quyền”.
Truyện lấy bối cảnh một thế giới tưởng tượng ở một thời đại xa xưa, ở đó, có một cô gái đang tìm cách giải thoát anh trai khỏi cảnh tù đày, một người lính đang tìm cách giải thoát cho chính mình khỏi một đế chế hung tàn. Họ đã gặp nhau và quyết định cùng nhau thay đổi số mệnh.
Những bộ tiểu thuyết ăn khách dành cho lứa tuổi mới lớn của văn học Mỹ đã được dịch sang tiếng Việt khá nhiều, vì vậy, nhiều khả năng, bộ tiểu thuyết này cũng sẽ sớm được các nhà xuất bản Việt Nam quan tâm.
Một nét đặc biệt ở nữ nhà văn Tahir, đó là gia đình cô vốn là dân nhập cư gốc Pakistan. Tahir đã lớn lên trong sa mạc Mojave buồn tẻ của bang California, Mỹ. Cô tìm thấy niềm vui trong suốt thời niên thiếu của mình từ những cuốn sách.
Về sau, quãng thời gian làm biên tập viên cho chuyên mục tin quốc tế ở một tờ báo đã khiến Tahir thường xuyên tiếp xúc với những câu chuyện về chiến sự và tội ác, điều này giúp Tahir nảy ra ý tưởng về tác phẩm văn học đầu tay của mình. Cô đã dành ra 6 năm để thực hiện cuốn tiểu thuyết.
Giờ đây, khi đang tận hưởng những thành công ngọt ngào của nghề viết, Tahir cảm thấy biết ơn vì mình đã xuất thân trong một gia đình nhập cư với nhiều khó khăn, áp lực. Điều đó đã khiến Tahir ngay từ nhỏ đã học hành chăm chỉ và đọc sách thật nhiều, bởi sách là “cứu cánh” duy nhất cho tuổi thơ nghèo khó và vất vả của Tahir, để cô có thể chạy trốn hiện thực trong một khoảng thời gian mỗi ngày.
Đối với Tahir, chính vì sinh ra trong một gia đình nhập cư nghèo, cha mẹ thường xuyên phải “nai lưng” làm việc kiếm sống, nên cô đã sớm học được đức tính chăm chỉ, nhẫn nại trong công việc. Tahir tin rằng thành công của cô hôm nay chính là nhờ xuất thân khác biệt.
Sự thành công “không tưởng” của tiểu thuyết văn học tuổi mới lớn
Những loạt phim điện ảnh thành công được chuyển thể từ những loạttiểu thuyết đình đám dành cho lứa tuổi mới lớn có thể kể tới “Đấu trường sinh tử” (tính tới thời điểm hiện tại đã thu về 2,3 tỉ đô sau 3 phim), “Dị biệt” (thu về 585,7 triệu đô từ 2 phim), “Giải mã mê cung” (580 triệu đô sau 2 phim)…
Hiện tại, người ta đang chứng kiến một làn sóng mạnh mẽ những tác phẩm văn học tuổi mới lớn gây tiếng vang trong giới xuất bản, để rồi sau đó tiếp tục công phá phòng vé. Sự thành công từ trang sách lên màn ảnh đã khiến những tác phẩm – tưởng chỉ dành cho tuổi mộng mơ – bỗng xuất hiện trên khắp các phương tiện truyền thông, lọt top sách “bestseller”, top phim “công phá” rạp chiếu.
Những tác phẩm văn học tuổi mới lớn thường hướng vào đối tượng độc giả từ 12 tuổi trở lên, hạng mục sáng tác này đã trở thành một hiện tượng quyền lực mới trong giới xuất bản trên toàn thế giới.
Dòng sách – phim dành cho tuổi mới lớn trong những năm trở lại đây đã gây dựng được một lượng fan hùng hậu. Sự thành công của loạt phim lãng mạn – giả tưởng “Chạng vạng” với tổng doanh số 3,34 tỉ đô (sau 5 phim) đã khiến các nhà làm phim sực tỉnh về một nhóm khán giả đầy tiềm năng nhưng đã bị bỏ quên bấy lâu.
Trước đây, người ta cho rằng nhóm khán giả “tuổi mới lớn” không có nhiều tiềm năng thương mại, nhưng khi thành công không tưởng của Harry Potter, của “Chạng vạng” được xác lập, các nhà làm phim đã “sực tỉnh”.
Những nghiên cứu thị trường đã được tiến hành để lý giải tại sao sách văn học và tác phẩm điện ảnh dành cho lứa tuổi này lại có thể tạo nên hiệu ứng ngoạn mục tới vậy.
Người ta đã phát hiện ra rằng những câu chuyện “mới lớn” này hóa ra được cả những người trưởng thành đọc rất say mê. 55% đối tượng người mua sách văn học “mới lớn” là những thanh niên từ 18 tuổi trở lên. Số người trưởng thành ở độ tuổi từ 30-44 mua sách văn học “mới lớn” về đọc chiếm tới 28%.
Điều này đúng với cả phân nhóm khán giả ngoài rạp chiếu. Khi những bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết “mới lớn” ra rạp, phân nửa số lượng khán giả xem phim ở độ tuổi ngoài 25. Thực tế, nhu cầu đối với các tác phẩm văn học – điện ảnh dành cho tuổi mới lớn rất đông đảo, bao gồm cả những người trưởng thành muốn… “hồi teen”.
Theo Bích Ngọc (Dân trí)