GIANG NAM

Nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê trao đổi với các bạn trẻ làm dự án “Họa sắc Việt” về tranh Hàng Trống.

Tranh Hàng Trống không chỉ tinh tế về nét vẽ, chặt chẽ về bố cục, độc đáo trong phối mầu, mà còn mê hoặc người xem bởi nó hàm chứa nhiều ý nghĩa, thể hiện trọn vẹn những nét đẹp của văn hóa Thăng Long. Hiện, dòng họ làm dòng tranh này đã có người kế nghiệp, bên cạnh đó còn có cả những người trẻ tuổi đam mê, theo đuổi và “tái tạo” tranh Hàng Trống dưới dạng thức mới, để nó hồi sinh trong cuộc sống đương đại.

Những họa tiết tranh Hàng Trống sẽ xuất hiện trên khăn, áo, giày hay bao bì các loại mứt, bánh kẹo… Không treo tranh Hàng Trống, nhưng tranh Hàng Trống “sống” trong cuộc sống theo cách như thế. Chuyện tưởng chừng rất lạ. Bởi bấy lâu, nói đến tranh Hàng Trống, người ta luôn nói đến hai từ “mai một”. Nhưng “những điều xưa cũ” lại được một nhóm nhà thiết kế, họa sĩ còn rất trẻ của dự án Họa sắc Việt làm sống lại.

Chủ nhiệm dự án “Họa sắc Việt” Trịnh Thu Trang, giảng viên Khoa Ðồ họa – Trường đại học Kiến trúc Hà Nội là một cô gái thế hệ 8x. Trước đây, kiến thức về tranh Hàng Trống của Trịnh Thu Trang là con số 0. Trang đến với tranh Hàng Trống vì phải thiết kế quảng cáo chủ đề Tết của người Hà Nội. Năm 2013, Trang đến nhà nghệ nhân Lê Ðình Nghiên – dòng họ duy nhất còn giữ bí quyết tranh Hàng Trống và thật sự bị “ngợp” trước dòng tranh này. Trang chia sẻ: “Mình không ngờ tranh Hàng Trống lại có tạo hình ấn tượng đến vậy. Là tranh cổ truyền, nhưng các cụ sử dụng gam mầu tương phản đơn giản mà giàu tính hiện đại, có giá trị thẩm mỹ cao”. Trang quyết định theo đuổi tranh Hàng Trống từ đó.

Muốn thẩm thấu giá trị tranh Hàng Trống, thì cần tìm hiểu qua nghệ nhân, cần có tranh để nghiên cứu. Cuộc đời nghệ nhân Lê Ðình Nghiên đã chứng kiến bao người đến rồi đi vội vã sau khi “mót” được ít nhiều kiến thức. Nhưng sự kiên trì của cô gái trẻ khiến ông mở lòng, chia sẻ những câu chuyện, những bí quyết làm tranh. Trịnh Thu Trang vừa loay hoay lo cuộc sống, vừa tiết kiệm tiền để… mua tranh. Một thời gian sau, Trang thuyết phục Nhà nghiên cứu, họa sĩ Phan Ngọc Khuê truyền dạy những kiến thức về tranh Hàng Trống. Có một người thầy là nghệ nhân xuất sắc, một người thầy là nhà nghiên cứu số một về tranh Hàng Trống, con đường “đánh thức” tranh Hàng Trống của Trang dần rõ nét.

Trong khi tranh Hàng Trống có nhiều họa tiết trang trí độc đáo, giàu tính thẩm mỹ thì ngành thiết kế Việt Nam lại thiếu họa tiết truyền thống. Các nhà thiết kế luôn phải vay mượn các mô-típ trang trí của nghệ thuật truyền thống các nước vùng Ðông Á cho các sản phẩm của mình. Trang đã tập hợp được một nhóm những bạn trẻ 8x, 9x, xây dựng dự án “Họa sắc Việt”. Từ những mẫu tranh Hàng Trống, Trang và nhóm Họa sắc Việt đã chắt lọc những họa tiết đặc sắc, mất hàng năm trời “số hóa” chúng dưới dạng véc-tơ. Một “ngân hàng” họa tiết tranh Hàng Trống với hàng trăm mẫu đã ra đời, làm “nguyên liệu” các họa sĩ, nhà thiết kế có thể ứng dụng.

Gợi ý về sản phẩm sử dụng họa tiết tranh Hàng Trống của dự án “Họa sắc Việt”.

Đã xa lắm cái thời mà giáp Tết, cả khu vực đình Ðông Hương (phố Hàng Trống, Hà Nội) bừng lên những sắc mầu khi người người đến bán, mua tranh. Những người cao niên ở Hà Nội cũng chỉ biết đến tranh Hàng Trống khi sắc mầu tranh đã bắt đầu phai nhạt. Người ta ví tranh Hàng Trống gói ghém cả những nét tinh tế, tài hoa của người Hà Nội. Nhưng rất hiếm người trong chúng ta từng chiêm ngưỡng bức tranh Hàng Trống thật. Hiểu chúng lại là một câu chuyện khác…

Tranh Hàng Trống có gì mà đặc biệt đến thế? Câu trả lời không chỉ nằm ở sắc mầu. Thăng Long – Hà Nội là nơi tinh hoa hội tụ. Thuở trước, sĩ tử đỗ đạt về làm quan. Người khéo nghề đến với kinh thành làm nên những “phố Hàng”. “Tranh Hàng Trống chủ yếu là tranh thờ, tranh treo dịp Tết. Thẩm mỹ của cư dân Thăng Long – Hà Nội tinh tế. Tranh không đẹp về mầu sắc, không tinh tế về đường nét thì không bán được. Nhà cửa ở kinh thành cao rộng, cho nên khổ tranh phải lớn. Chỉ có tranh Hàng Trống đáp ứng được nhu cầu đó”, nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê chia sẻ.

Các dòng tranh khác chủ yếu dùng bản khắc gỗ, in đại trà. Tranh Hàng Trống thường chỉ in nét chính, còn lại nghệ nhân phải vẽ bằng tay. Có nhiều mẫu còn không dùng ván khắc. Bản mẫu chỉ định hình những bố cục và một số nét cơ bản. Từ họa tiết cho đến vờn mầu đều phải thực hiện bằng tay gần như 100%. Dấu ấn của nghệ nhân thể hiện ở từng bức tranh, khác hẳn tranh in hàng loạt. Vờn mầu của tranh Hàng Trống cũng đặc biệt. Người thợ chấm mầu… nửa ngọn bút. Nửa còn lại chấm nước. Thành ra, một nét vẽ đã có hai sắc độ đậm, nhạt khác nhau. Kỹ thuật không thể thiếu trong tranh Hàng Trống nữa là bồi tranh. Việc bồi tranh vừa tăng hiệu ứng mầu sắc vừa giúp bức tranh bền vững với thời gian. Bởi thế, ngay cả trong giai đoạn trầm lắng nhất, vẫn có một số nhà sưu tập mua tranh Hàng Trống làm “của để dành”.

Theo Nhà nghiên cứu, họa sĩ Phan Ngọc Khuê, tranh Hàng Trống có nhiều lớp nghĩa. Thí dụ, bức “Cá chép trông trăng” có nhiều tầng hình tượng. Trước hết là lời chúc người đi học đỗ đạt như cá chép vượt vũ môn. Tầng hình tượng tiếp theo gắn với điển tích “thiềm cung chiết quế” (bẻ quế trên cung trăng), nghĩa là sau khi đỗ đạt thì được làm quan, tìm được ý trung nhân là con nhà gia thế. Cũng bởi thế, nhiều nhà nghiên cứu không đồng ý với cách gọi tranh Hàng Trống là tranh dân gian. Tranh Hàng Trống là “tranh trí thức”. Nếu không có chữ nghĩa, mới chỉ cảm nhận được vẻ đẹp bề nổi của sắc mầu.

Nhiều người mê tranh Hàng Trống đã phát hiện những điều tinh tế ấy. Nhưng dám hy sinh, dám dấn thân như Trịnh Thu Trang là rất hiếm. Ðấy là lý do cô gái trẻ này thuyết phục thành công hai bậc thầy tranh Hàng Trống truyền dạy kiến thức cho mình.

Nhóm “Họa sắc Việt” vừa mới thực hiện triển lãm “Những điều xưa cũ mới mẻ” đầu năm 2018. Ðây là bước “chạy đà” cho việc ra mắt cuốn sách “Họa sắc Việt”, công bố chính thức các mẫu hoa văn véc-tơ được khai thác từ tranh Hàng Trống. Không gian
triển lãm chia làm hai phần: Một là giới thiệu những bức kinh điển của tranh Hàng Trống, phần còn lại giới thiệu những mẫu véc-tơ từ hoa văn tranh Hàng Trống và một số gợi ý ứng dụng. Ðó chính là câu chuyện của mọi di sản hôm nay: Bảo tồn nguyên gốc, và bảo tồn – phát triển.

Ở khía cạnh bảo tồn, suốt một thời gian dài, người ta vẫn nghĩ rằng tranh Hàng Trống chỉ còn duy nhất nghệ nhân Lê Ðình Nghiên làm. Nhưng những năm gần đây nghệ nhân Lê Ðình Nghiên đã dày công truyền nghề cho con trai – nghệ nhân trẻ Lê Hoàn. Lần đầu Lê Hoàn xuất hiện trước công chúng là triển lãm 12 dòng tranh dân gian tại Bảo tàng Hà Nội năm 2016. Hai cha con giới thiệu hai bức tranh Hàng Trống có kích thước lớn nhất từ trước đến nay, là bức “Tứ phủ công đồng” và “Ngũ hổ” có kích thước 1,4 m x 1,8 m. Nghệ nhân cha, nghệ nhân con phải “đánh vật” trong mấy tháng trời để có tác phẩm triển lãm.

Sinh năm 1988, Lê Hoàn đã có hơn 10 năm tuổi nghề. Nhưng câu chuyện nối nghiệp của Lê Hoàn không bằng phẳng. Sinh ra và lớn lên cùng những bức tranh, mới hơn 10 tuổi, Lê Hoàn đã được dạy và có thể tô tranh. Song, Hoàn không gắn bó với nghề tranh của gia đình. Mãi khi bố anh đã cao tuổi, mà ai cũng nói tranh Hàng Trống là vốn quý, Hoàn đến nơi công tác của bố – Phòng Phục chế, Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội, hiểu thêm về giá trị của tranh truyền thống Việt Nam và được các cô chú ở đó động viên cho nên mới theo nghề. Lúc này, Hoàn quyết định… tái lập nghiệp. Lê Hoàn học vẽ và tìm hiểu những nét văn hóa của tranh Hàng Trống. Bấy giờ mới ngấm dần. Lê Hoàn hiện công tác ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với công việc phục chế tranh giấy cổ. Ðây là điều kiện thuận lợi để Hoàn gắn bó với nghề.

Bảo tồn nguyên gốc hay bảo tồn – phát triển, chặng đường vẫn còn rất dài. Với Lê Hoàn, như nghệ nhân Lê Ðình Nghiên chia sẻ, đó là đốm lửa đã được nhen lên. Còn với Trịnh Thu Trang, cuốn sách “Họa sắc Việt” mới chỉ là khởi đầu cho một hành trình. Hai người trẻ tuổi gắn bó với tranh Hàng Trống theo những cách khác nhau. Câu chuyện của họ cho thấy, bề dày, bề sâu của tranh Hàng Trống chính là sức mạnh nội sinh. Và cũng chính sức mạnh nội sinh ấy đã chinh phục những người có kiến thức, am tường cái đẹp.

Nguồn: Nhandan.com.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version