HOÀNG THI
Đó là lớp học của anh Bùi Trọng Hiền, nhà nghiên cứu cổ nhạc quen thuộc của công chúng, báo chí và giới nghề. Học trò là những người của “thế hệ @” hôm nay. Còn các thầy, cô giáo hầu hết đã vắng bóng. |
Sống lại tinh hoa! Lớp học là khóa tập huấn nhạc ả đào cổ điển theo phương pháp tiếp cận mới, trong khuôn khổ dự án của Viện văn hóa nghệ thuật (VHNT) quốc gia: “Bảo tồn và phát huy di sản Ca trù tại thành phố Hà Nội” do anh Hiền làm chủ nhiệm. Những buổi học diễn ra trong căn phòng làm nghề nho nhỏ ở nhà anh, nép sau khu khuôn viên đình Cống Vị, phố Đội Cấn, Hà Nội. Ngoài ra còn ở nhà các học trò như vợ chồng họa sĩ Phạm Đình Hoằng – chị Vũ Thùy Linh, giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia, chị Kim Ngọc – cán bộ Viện Âm nhạc, anh Nguyễn Lân Tuấn Anh – Trưởng phòng nghiên cứu Viện VHNT, anh Linh – cán bộ Viện Hán Nôm, anh Lê Xuân Khoa – chuyên gia công nghệ thông tin. Có những buổi học trong chuyến điền dã tại nhà danh cầm Nguyễn Phú Đẹ ở Hải Dương – người thầy duy nhất truyền dạy trực tiếp cho hậu sinh. Các học trò đó, nòng cốt là nhóm ca trù Phú Thị. Họ lấy tên đệm của hai người thầy ghép vào mà thành: Nghệ nhân – kép đàn Nguyễn Phú Đẹ, và cố nghệ nhân – đào nương Nguyễn Thị Chúc. Và những thầy, cô giáo khác, những tài hoa của hơn nửa thế kỷ trước – đào nương Nguyễn Thị Cúc, Đinh Thị Bản, Đinh Thị Nghĩa và kép đàn Đinh Khắc Ban…, chỉ còn lại tiếng đàn, giọng hát qua những băng cassette cũ nát. Anh Hiền phải rất lâu công lau thật nhẹ bằng bông cồn để khỏi đứt, khỏi mất lớp từ trên mặt dây băng mỏng dính, rồi cắt, nối, dán và làm sạch đầu từ luôn vì đọc băng cũ rất chóng bị bẩn. Từ ấy, âm thanh của di sản bay lên khiến người nghe run rẩy! Nhưng cộng thêm việc lưu tư liệu sang máy tính, công sức ấy vẫn là quá nhỏ so thời gian hai năm ròng anh Hiền, ký âm, phân tích, nghiên cứu âm luật, nhận ra sự vận dụng, tiếp nối, hòa quyện của các khổ đàn, khổ phách, sơ đồ hóa, tìm lại được những thể cách tưởng đã thất truyền, phát hiện thêm những thể cách chưa được nhắc đến. Để anh và những người học vỡ nhẽ ra nhiều điều về ca trù mà anh coi là trường hợp “lạ lùng, đặc biệt” trong kho tàng cổ nhạc Việt. Và việc lý thuyết hóa, kết hợp học nhạc với học âm luật mà anh Hiền áp dụng cho lớp học, đang làm sáng rõ lên những điểm đặc biệt này, trong cơ chế biểu diễn, phối hợp giữa đào nương – kép đàn – quan viên. Cùng với việc đào tạo người hát, người đàn, anh Hiền chú ý đào tạo quan viên với quan niệm, người chơi trống phải hiểu được các loại khổ đàn, khổ phách, cấu trúc bài bản, để bằng tiếng trống, tham gia vào trình diễn nghệ thuật ca trù. Từ những lá xanh Buổi báo cáo kết quả đề án chiều ngày 14-11, tại Viện VHNT thu hút đông người và cuốn hút mọi người. Bởi những điều thú vị trong diễn giải của chủ nhiệm dự án. Bởi phần phục dựng hát cửa đình với những thể cách bỗng bừng lên từ tư liệu đã mốc, đã mục. Tưởng chừng anh Hiền nếu không chạy đua với thời gian đến mức sụt cân, loét dạ dày, gần như không đi chơi, không giao du, và học trò không bỏ nhiều ngày tháng ròng rã, thì có thể còn rất lâu nữa, hoặc cũng có thể không bao giờ nữa. Là buổi báo cáo nhưng giống cuộc gặp gỡ chia vui hơn, và chia những bùi ngùi của mọi người, có sự sôi nổi xen lẫn nghèn nghẹn của anh Hiền khi thuyết trình, có đôi mắt đỏ hoe của hậu duệ các cố nghệ nhân họ Đinh – dòng họ ả đào nổi tiếng thuộc giáo phường Vĩnh Phúc xưa. Có sự tâm đắc của GS, TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, thành viên Hội đồng nghiệm thu dự án, một người thầy của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, khi ông run run ở tuổi 83: Tôi đã chờ lâu lắm rồi! Ông cho rằng, đây là một phát hiện! Đã có mấy cuộc liên hoan ca trù khiến ông băn khoăn về cơ chế nào cho việc đánh giá tài năng đàn, hát… Nay từ thành quả này, đã có cơ sở để dạy lớp trẻ theo phương pháp, vận dụng kết quả khoa học. GS nói: Tôi đề nghị Bộ VHTT&DL, Viện VHNT trước hết ra được một cuốn sách, kèm theo đĩa, rồi từng bước mọi người góp thêm vào để cái cây thành xanh tốt. Còn PGS, TS Lương Hồng Quang – Phó Viện trưởng VHNT, người đồng hành cùng dự án, đã bước đầu đến với trống chầu, cũng là một học trò của GS Thanh thì nhấn mạnh: Chắc chắn như mong muốn của GS, văn bản hóa từ việc nhận diện đúng bản chất di sản, và còn phải hơn thế. Chúng tôi sẽ căn cứ trên chương trình, phương pháp mới này, có những hoạt động giúp cho di sản thật sự là của thế hệ hôm nay. Những ngày đó còn ở trước mắt, nhưng nó đã hé mở ra, để thấy cái tâm đắm đuối cùng di sản xưa tưởng đã và sẽ khép mắt ngậm ngùi theo các nghệ nhân, vẫn sáng lại và le lói cuộc lan tỏa xa hơn, qua những học trò mà hầu hết những thầy cô ấy không bao giờ biết mặt. Cũng có thể, năm xưa, các cụ đã ước ao, và ngờ rằng, một ngày nào đó, có những người lần lại được điều gì trong ánh hồi quang xa xôi. Họ là những lá mới, xanh của hôm nay, mọc trên nền đất cổ, đôi tay gõ phách và nhấn phím đàn, với giọng hát mở ra ánh vàng son của nghệ thuật dân tộc. Nguồn: Báo Thời Nay Lê Thị Hồng Nhung đăng bài |