Một phần hồn cây lúa đi sẽ gọi 10 phần hồn cây lúa về, một hạt lúa đi sẽ gọi 10 hạt lúa về, 10 hạt lúa đi gọi 100 hạt lúa về, 100 hạt lúa gọi 1.000 hạt lúa để sinh sôi nảy nở thành bồ thóc, bồ thóc sinh sôi thành kho thóc cho con người con vật ăn quanh năm không hết…
Hoàng Su Phì (Hà Giang) là một trong những vùng đất chứa đựng và bảo tồn, lưu giữ nhiều vốn văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện, đặc biệt là các lễ hội, lễ thức văn hóa dân gian – biểu hiện của tín ngưỡng nông nghiệp, mang đậm nét đặc trưng của nền văn minh lúa nước. Các lễ thức này thường được tổ chức tại khắp các vùng miền của huyện Hoàng Su Phì vào dịp đầu mùa xuân hàng năm, hoặc trước khi triển khai gieo trồng một mùa vụ mới ước muốn cầu mong cho một năm mùa màng tươi tốt. Trong đó có lễ thức cúng hồn lúa là nét văn hóa độc đáo của cộng đồng người Dao đỏ huyện Hoàng Su Phì.
Các thầy cúng đang thực hiện nghi lễ trong lễ cúng hồn lúa.
Người Dao đỏ quan niệm rằng cây lúa cũng có những phần hồn và phần xác như con người. Trải qua những ngày tháng sinh trưởng trên những thửa ruộng, đến khi về đến bồ thóc của mỗi gia đình, một vài bộ phận của cây lúa hoặc những hạt thóc có thể bị chim chóc, chuột bọ, các loài thú phá hoại, hoặc một vài hạt lúa bị rơi vãi trong quá trình thu hoạch nên không về được đến nhà mà lang thang bất định trong vũ trụ bao la. Vì vậy, muốn mùa màng tươi tốt bội thu, thì hàng năm họ phải tổ chức cúng tế để gọi những phần hồn của cây lúa, lá lúa và hạt lúa để chúng cùng rủ nhau về với gia chủ, sinh trưởng khỏe mạnh, chống chọi được sâu bệnh và làm nên một mùa vàng tươi tốt.
Mâm cỗ cúng.
Đây là biểu hiện của tín ngưỡng thờ đa thần của người Dao đỏ, họ coi vạn vật đều có linh hồn với cả hai mặt thiện và ác, và người chủ tế có vai trò như một cầu nối giữa loài người với thế giới thần để giúp gia chủ chế ngự cái ác, nhân rộng cái tốt đẹp thế giới âm và dương.
Bên mâm cỗ cúng gồm cá chép, xôi, bông lúa mới, rau xanh các loại, nhộng ong, cua suối… cùng với những lễ vật đã chuẩn bị đầy đủ gồm gà luộc, bánh chít, rượu, hương, tiền giấy, chén uống rượu… gia chủ cũng cần chuẩn bị một bó lớn có đầy đủ các loại hạt cây giống (thường là những hạt giống mà gia đình dự định sẽ gieo trồng trong năm), cùng với một số vật tế lễ như tù và sừng trâu, trống chiêng, kéo cắt vải, phướn bằng giấy…
Cầu khấn tổ tiên phù hộ cho gia đình khỏe mạnh, cái xấu đuổi đi, cái tốt đón về
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ lễ vật, ông Triệu Chòi Hín, thôn Tân Phong xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì cùng với một thầy cúng khác là Triệu Chòi Chán đã cùng nhau thực hiện lễ cúng hồn lúa.
Ông Triệu Chòi Hín, người đảm nhiệm thầy cúng chính trong nghi lễ đứng trước bàn thờ tổ tiên, rót rượu mời tổ tiên và bắt đầu hát bài hát khấn cầu xin tổ tiên phù hộ. Ông Hín cho biết, trong bài lễ cúng hồn lúa có 3 nội dung chính. Đầu tiên là cầu khấn tổ tiên phù hộ cho gia đình khỏe mạnh, cái xấu đuổi đi, cái tốt đón về, mùa màng tốt tươi, thóc lúa đầy bồ, gà lợn đầy chuồng… Tiếp đó là khấn trình báo tổ tiên, rằng cây lúa ngoài đồng ruộng đã chắc hạt rồi, sắp chín rồi, mong tổ tiên, thần lúa phù hộ bảo vệ mùa màng, không cho chuột ăn, sâu ăn, chim ăn… và phần thứ ba, cũng là phần quan trọng nhất, là khấn gọi hồn lúa về. Kêu gọi những hạt lúa đã rơi vãi, thất lạc của mùa trước, rủ bạn rủ bè cùng nhau trở về nhà, không phải đi lang thang nữa… Một phần hồn cây lúa đi sẽ gọi 10 phần hồn cây lúa về, một hạt lúa đi sẽ gọi 10 hạt lúa về, 10 hạt lúa đi gọi 100 hạt lúa về, 100 hạt lúa gọi 1.000 hạt lúa để sinh sôi nảy nở thành bồ thóc, bồ thóc sinh sôi thành kho thóc cho con người con vật ăn quanh năm không hết…
Cuối nghi lễ là thầy cúng lấy bó lúa, giao cho chủ nhà, nói lời chúc tụng, chúc gia đình năm nay được mùa, nhiều thóc lúa…
Ông Triệu Chòi Hín cho biết, các cụ kể lại rằng, lễ cúng hồn lúa của đồng bào Dao đỏ xã Hồ Thầu đã có từ mấy trăm năm trước rồi, con cháu cứ theo lệ tổ tiên mà làm theo, trải qua mấy trăm năm, đến nay nghi lễ này vẫn còn nguyên vẹn và được bà con trong thôn tổ chức mỗi khi chuẩn bị đón mùa lúa chín.
Theo Tin Tức