Nguyễn Thị Minh

Thư viện gia đình của bà Đào Thị Khanh tại làng Đông Xuyên, xã Đông Tiến (huyện Yên Phong).

Đó là những thư viện của gia đình, nhưng lại phục vụ cộng đồng và đều nằm trong các làng quê, bên lũy tre, sân đình, tô điểm thêm nét đẹp của vùng quê Kinh Bắc vốn rạng danh với truyền thống hiếu học và thành tích khoa bảng.

Ở thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nhiều người đều biết thầy giáo Ngô Văn Nghĩa với thư viện do chính anh xây dựng tại nhà mình để phục vụ miễn phí nhu cầu đọc sách của cộng đồng. Là giáo viên của Trường tiểu học xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, năm 2019, thầy giáo trẻ này lập nên thư viện với hơn 3.000 đầu sách, đủ thể loại như sách khoa học, lịch sử, sách dạy kỹ năng sống. Sách phục vụ cho tất cả người dân trong khu vực, nhất là các em học sinh ở trong thôn, xã và địa bàn lân cận. Lo lắng con em mình bị cuốn vào những chiếc điện thoại thông minh và những trò chơi điện tử trên mạng, thầy Nghĩa đã tự bỏ tiền túi ra để mở thư viện sách miễn phí này. Đến nay, thư viện của thầy giáo 8X đã trở thành một địa chỉ yêu thích của các em nhỏ. Vào giờ giải lao, các em còn có thể chơi cầu lông, bóng chuyền. Mô hình học tập này đã được đông đảo nhân dân và phụ huynh, học sinh nhiệt tình ủng hộ.

Cùng với thư viện của thầy giáo Ngô Văn Nghĩa, thư viện của ông Lê Sỹ Phác cũng được xây dựng từ tiền tiết kiệm của cá nhân tại thôn Yên Đinh, xã Phù Lương, huyện Quế Võ để phục vụ miễn phí nhân dân trong vùng. Mong muốn thế hệ trẻ ở làng quê có điều kiện tiếp xúc với thông tin, tri thức và học hành, nâng cao nhận thức, ông Phác đã bỏ ra hàng tỷ đồng mua đất, xây nhà làm thư viện và mua sách để các em nhỏ và mọi người đến đọc và mượn sách hằng ngày trong tuần. Đi vào hoạt động từ năm 2015, với hơn 5.000 đầu sách, thư viện gia đình ông Lê Sỹ Phác đã thu hút rất nhiều học sinh và người dân trong thôn, trong xã cũng như các địa phương lân cận. Phòng đọc rộng hơn 300 m2 được bố trí hài hòa và sạch sẽ cùng một sân vườn rộng lớn được lắp đặt nhiều máy tập thể dục để bạn đọc rèn luyện sức khỏe sau những giờ đọc sách.

Với mong muốn truyền cảm hứng, niềm đam mê sách và lan tỏa văn hóa đọc sách cuối năm 2020, bà Đào Thị Khanh ở xã Đông Tiến, huyện Yên Phong cũng khai trương thư viện gia đình với tên gọi Thư viện làng cò Đông Xuyên. Đây là thư viện mới nhất, được tổ chức quy mô lớn và chuyên nghiệp nhất trong hệ thống các thư viện gia đình ở Bắc Ninh. Dưới sự hỗ trợ của các cơ quan trong tỉnh và huyện, nhất là của Hội Khuyến học và Quỹ “Ước mơ lớn” của xã Đông Tiến, thư viện đã hình thành trên khuôn viên rộng hơn 700 m2 khá khang trang và hiện đại với gần 7.000 đầu sách. Thủ thư của thư viện cũng là bà Khanh, chủ nhân của cơ ngơi này, vừa tổ chức tiếp nhận sách và hướng dẫn mọi người đến đọc sách. Đây là thư viện gia đình duy nhất quản lý được sách và thẻ mượn bạn đọc trên máy tính như thư viện của Nhà nước. Thư viện mở cửa hằng ngày trong tuần, có không gian đọc sách linh hoạt tại sân vườn để mọi người thoải mái đến đọc sách miễn phí. Mục tiêu lâu dài của Thư viện làng cò Đông Xuyên là định kỳ hằng tuần, hằng tháng sẽ tổ chức các buổi nói chuyện, tọa đàm về sách, về phương pháp học tập và giao tiếp ứng xử cho giới trẻ. Đồng thời, nơi đây còn là địa chỉ để khuyến khích chị em phụ nữ tại địa phương cùng đọc sách và trao đổi kiến thức để dạy bảo con em tốt nhất.

Những thư viện gia đình tại Bắc Ninh vẫn đang hoạt động độc lập, nhưng có sự hỗ trợ, luân chuyển, bổ sung sách cho nhau để phục vụ bạn đọc tốt nhất và liên kết với các thư viện thôn, xã và huyện, tỉnh do các cấp chính quyền và đoàn thể xây dựng, tạo thành một chuỗi kết nối bạn đọc và đem sách đến cho đông đảo nhân dân. Qua đó, lan tỏa những tấm gương vì cộng đồng, khơi dậy và phát triển văn hóa đọc sách và phong trào tự học trong cộng đồng.

Theo Nhandan.com.vn

Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version