Triển lãm các tác phẩm hội họa lấy cảm hứng từ âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có tên gọi Khói trời mênh mông sẽ khai mạc ngày 28/2 tại Hà Nội, nhân kỉ niệm 77 năm ngày sinh và 15 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (28/2/1939 – 1/4/2001). Khói trời mênh mông chắc chắn là triển lãm hội họa đầu tiên dành riêng tặng Trịnh Công Sơn.

Bất kể ai yêu nhạc Trịnh Công Sơn có thể thấy lời bài hát của Trịnh Công Sơn chính là thi ca, có thể đứng độc lập. Bên cạnh sáng tạo âm nhạc là sáng tạo ngôn ngữ. Người ta có thể nhìn ra bên cạnh một nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một thi sỹ Trịnh Công Sơn. Đó là sự thực, một sự thực bị khuất lấp phần nào bởi chính âm nhạc của ông.

Khói trời mênh mông giới thiệu đến công chúng khoảng 40 tác phẩm được sáng tác từ nhiều chất liệu khác nhau (sơn dầu, bột màu kết hợp với chì, acrylic), thể hiện tình cảm của từng tác giả với nhạc sĩ họ Trịnh. Những bản nhạc của ông được đông đảo người Việt Nam hâm mộ như Diễm xưa, Biển nhớ, Hạ trắng, Như cánh vạc bay, Biết đâu nguồn cội, Đóa hoa vô thường, Bốn mùa thay lá, Ru ta ngậm ngùi… đều chứa đầy chất thơ và tạo cảm hứng sáng tác hội họa cho nhiều họa sĩ.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Tham gia triển lãm Khói trời mênh mông lần này có gần 20 họa sỹ, họ cũng là những khán giả hâm mộ Trịnh Công Sơn và âm nhạc của ông.

Theo họa sĩ Lê Thiết Cương: Ngôn ngữ trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn nhiều ẩn dụ, so sánh. Trời mây sông núi thiên nhiên phong cảnh trong lời ca của Trịnh Công Sơn có nhiều tâm tính, tâm trạng… Do đó, ca từ trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn dễ gợi ý, gợi hình mầu bố cục, dễ chuyển dịch ra hội họa.

Họa sĩ Hoàng Thị Phương Liên, người được gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi còn là sinh viên thực tập tại Trường Mỹ thuật Huế, đã đặt sự tương phản nền tranh nâu vàng với những dải màu hồng, cam, đỏ để tạo hình những cô gái “Như cánh vạc bay”. Họa sĩ Doãn Hoàng Lâm chọn hình ảnh “Con sông là quán trọ và trăng tên lãng du” trong ca khúc Biết đâu nguồn cội và “người về soi bóng mình” trong bài Ru ta ngậm ngùi để thể hiện tác phẩm của mình. Trong khi đó, họa sĩ Lâm Đức Mạnh với tạo hình sắc xanh đã vẽ ra một giấc mơ “Ướt mi” đầy day dứt, trăn trở…

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo, nhiếp ảnh gia Dương Minh Long và họa sĩ trẻ Nguyễn Đình Hoàng Việt tham gia triển lãm với tư cách khách mời. Điều đặc biệt là cuốn sách ảnh Khói trời mênh mông với 18 tác phẩm chọn lọc đặc sắc cũng sẽ ra mắt khán giả trong lễ khai mạc.

Triển lãm Khói trời mênh mông diễn ra tại Trung tâm thương mại Hàng Da, Hà Nội đến ngày 25/3. Sau đó, Triển lãm tiếp tục diễn ra tại Hội An (Quảng Nam) từ ngày 1-10/4.

Theo Thanh Giang – TTXVN

Exit mobile version