HỒ HÙNG

Nhà hát Kịch Việt Nam (NHKVN) vừa công diễn vở hài kịch “Lão hà tiện” của tác giả Moliere, do NSND Tuấn Hải đạo diễn. Đây là vở diễn trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 65 năm thành lập Nhà hát (1952 – 2017).

Được sáng tác bởi bậc thầy của nền hài kịch Pháp thế kỷ XVII, suốt hơn ba trăm năm qua, kịch bản này đã được đưa lên sân khấu của vô số nhà hát từ các vùng miền của Châu Âu tới hệ thống rạp Broadway khổng lồ của Mỹ.

Ở Việt Nam, từng nằm trong sách giáo khoa phổ thông nên cái tên “Lão hà tiện” không quá xa lạ với nhiều khán giả. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên vở kịch kinh điển này được dàn dựng xứng tầm trên khấu của nhà hát mệnh danh “Anh Cả Đỏ”.

Câu chuyện diễn ra tại lâu đài của gã trưởng giả Harpagon góa vợ, sống cùng con trai Cleante và cô con gái Elise đã đến tuổi trưởng thành. Hám tiền và tằn tiện, gã ky cóp được một vạn êquy và giấu giếm không cho ai biết. Nhưng tính keo bẩn và đa nghi khiến gã luôn ngờ vực và đề phòng đối với mọi người chung quanh, kể cả với các con mình.

Gã tính toán thiệt hơn đến mức gả con trai cho một bà góa vì bà ta giàu có, và đòi gả con gái cho một lão già vì ông này không đòi của hồi môn. Một người như gã, tưởng như cả cuộc đời chỉ cần ôm lấy tráp tiền là đủ. Nhưng không, gã cũng có tình yêu. Từ lâu gã đã muốn cưới cô gái xinh đẹp Mariane làm vợ.

Trớ trêu thay, Mariane và Cleante đã đem lòng yêu nhau, nên hai bố con bỗng trở thành tình địch. Để giành lại người yêu, Cleante đã ăn cắp tráp tiền của cha để mang ra làm vật trao đổi. Và thế là kẻ nô lệ của đồng tiền buông ngay cô gái để ôm lại tráp tiền suýt mất.

Câu chuyện kết thúc có hậu, các cặp đôi cưới được đúng người mình yêu thương. Còn người cha cũng sẵn lòng chúc phúc cho họ, sau khi tranh thủ xin được ông thông gia một bộ lễ phục để dự tiệc cưới.

Đạo diễn Tuấn Hải tỏ ra rất có duyên với hài kịch. Anh từng dàn dựng nhiều vở rất thành công trước đó như “Khi đàn ông có bầu”, “Những người thích đùa”, “Bệnh sĩ”… Tuy nhiên “Gã hà tiện” quả là một thử thách khó khăn bởi chính tầm vóc của vở kịch cũng như cái tên tác giả đã là áp lực không nhỏ với bất kỳ đạo diễn nào.

Bằng cách nghiên cứu và xử lý kịch bản rất cẩn thận, trau chuốt ngôn từ, vận dụng sáng tạo các tình tiết, kiểm soát khéo léo tiết tấu, Tuấn Hải đã tạo nên một vở diễn hài hước, vui nhộn mà vẫn trung thành với chất hài kinh điển của Pháp. Theo anh, vở hài kịch của Moliere dù đã qua mấy thế kỷ nhưng vẫn tràn đầy sức sống. Ngoài vai trò giải trí, vở kịch còn dùng tiếng cười làm công cụ để chống lại thói hợm hĩnh, rởm đời, lố bịch – những tính xấu mà thời nào cũng tồn tại. Vì vậy, đạo diễn Tuấn Hải hoàn toàn tự tin khi tiếp nhận và dàn dựng vở diễn theo cách của riêng mình.

Khâu lựa chọn diễn viên góp phần quan trọng vào thành công của vở diễn. Mai Nguyên tỏ ra xuất sắc trong vai gã Harpagon keo bẩn. Gã luôn sợ người khác nghe trộm câu chuyện của mình, nhưng chính gã lại luôn chui lủi, rình rập để nghe người khác. Gã luôn muốn lợi dụng người khác càng nhiều càng tốt, nhưng lại chẳng muốn bỏ ra cho ai dù chỉ một xu. Khán giả không nhịn được những trận cười sảng khoái khi Harpagon tiếc đến bất tỉnh khi bất đắc dĩ phải trao chiếc nhẫn cho người mình yêu, hay khi gã tính toán chuyện tổ chức bữa tiệc sao cho khách ăn nhanh ngán nhất…

Một vai diễn ấn tượng nữa có thể kể đến là vai bà mối do Phương Nga thể hiện. Một Phương Nga đầy bản lĩnh trên sân khấu, với diễn xuất đầy tiết chế khi cần thiết để rồi bùng nổ khi tới thời điểm. Dù không phải vai chính nhưng những phút xuất hiện của chị đã để lại ấn tượng đẹp về một nghệ sĩ có chiều sâu trong diễn xuất.

Về thiết kế sân khấu, một lần nữa khán giả lại được thưởng thức tài nghệ của NSND Doãn Châu. Với ba hình khối được thiết kế rất chỉn chu, tỉ mỉ, chỉ cần những động tác chuyển cảnh nhẹ nhàng đã cho ta sự biến đổi diệu kỳ của không gian: Lúc là cảnh căn phòng của Harpagon với đầy những ngóc ngách dành cho ông chủ thích rình mò chui lủi; lúc là ngoại cảnh lâu đài với những cửa sổ, ban công; lúc lại chuyển thành căn hầm tối giăng đầy tơ nhện. Thiết kế tả thực kết hợp những chi tiết mang tính ước lệ như những lỗ khóa, chìa khóa khắp lâu đài, thể hiện cho nỗi lo mất tiền luôn thường trực trong thâm tâm gia chủ.

Một phần không thể không nhắc đến là âm nhạc của vở diễn, được sáng tác bởi nhạc sĩ Phú Quang dựa theo các giai điệu nhạc Pháp đương thời. Khán giả được nghe những đoạn nhạc, những bài hát vui nhộn, và thưởng thức những màn múa mãn nhãn của các chàng trai cô gái nhí nhảnh trong trang phục thế kỷ XVII.

Có thể nói, đội ngũ sáng tác “đắt giá” cùng dàn diễn viên rất đồng đều đã tạo nên một vở kịch chất lượng cao, đáp ứng được mong mỏi của những khán giả khắt khe nhất. Tuy nhiên, việc diễn viên vẫn phải dùng micro có lẽ là một điểm trừ của vở diễn. Ở một số vở trước, nhà hát đã mạnh dạn bỏ micro và được khán giả ghi nhận. Phải chăng với vở này, nhà hát vẫn chưa tự tin trong việc diễn xuất không micro? Đó là câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ.

Dù sao, giữa ma trận những thể loại kịch gây cười dễ dãi, những trò hài nhảm nhí nhan nhản trên truyền hình, thì một vở kịch hài đầy chất kinh điển đã thể hiện tâm huyết, lao động nghệ thuật nghiêm túc và có đầu tư đúng hướng, đúng tầm của tập thể Nhà hát Kịch Việt Nam trên con đường tìm lại chính mình sau những thăng trầm biến chuyển.

– Tác giả Moliere (1622 – 1673) được coi là người khai sinh ra nền hài kịch Pháp thế kỷ XVII. Ông cũng là niềm tự hào của lịch sử sân khấu thế giới. Ngoài “Lão hà tiện”, ông còn có các kịch bản nổi tiếng khác như “Trường học làm vợ”, Người bệnh tưởng”, “Don Juan”.
– Cũng trong khuôn khổ những hoạt động kỷ niệm 65 năm ngày thành lập (từ 8 đến 22-12), Nhà hát kịch Việt Nam còn công diễn các vở kinh điển khác như “Hồng lâu mộng”, “Kiều”, “Romeo-Juliet”“Bão tố Trường Sơn”.

Các cảnh trong vở diễn:

Nguồn: Nhandan.com,.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version