Khách du lịch trải nghiệm tua du lịch sông Chày – hang Tối thuộc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình).

Ngày 19-6-2017, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Du lịch (sửa đổi) năm 2017, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, động lực và môi trường thuận lợi phát triển du lịch. Với nhiều điểm mới, Luật Du lịch (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả tích cực, nâng cao chất lượng hoạt động du lịch tại Việt Nam, nâng cao tính cạnh tranh và tạo sự đột phá trong hoạt động du lịch.

Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Một trong những quan điểm xuyên suốt của Luật Du lịch 2017 là lấy khách du lịch làm trung tâm của mọi hoạt động du lịch. Nhiều nội dung liên quan như quy định về trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân các cấp, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm du lịch; tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lữ hành; lưu trú du lịch, hướng dẫn viên du lịch; kinh doanh các dịch vụ du lịch khác đều đã được điều chỉnh, bổ sung để bảo đảm an ninh, an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp của khách du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để khách du lịch tham quan, du lịch.

Thực tiễn những năm qua cho thấy, du lịch trong nước phát triển nhanh, do không có quy định cấp phép cho nên xảy ra hiện tượng nhiều tổ chức, cá nhân không thành lập doanh nghiệp hoặc có thành lập doanh nghiệp nhưng không bảo đảm điều kiện, không thông báo thời điểm bắt đầu kinh doanh cho cơ quan quản lý du lịch cấp tỉnh; trong quá trình hoạt động cắt giảm chương trình, dịch vụ, không bảo đảm chất lượng dịch vụ như cam kết với khách… dẫn đến tình trạng lộn xộn, cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách du lịch. Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi của khách du lịch trong nước (là người Việt Nam đi du lịch trong lãnh thổ Việt Nam), Luật Du lịch 2017 quy định doanh nghiệp chỉ được kinh doanh dịch vụ lữ hành trong nước khi có giấy phép.

Với mục tiêu khuyến khích tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm quyền lợi của khách du lịch trên cơ sở tôn trọng quy luật thị trường, giảm tác động của biện pháp hành chính trong hoạt động kinh doanh, Luật Du lịch 2017 quy định điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với cơ sở lưu trú nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ tối thiểu đối với mọi cơ sở lưu trú du lịch. Trong quá trình kinh doanh, cơ sở lưu trú có nhu cầu khẳng định chất lượng dịch vụ, tạo thương hiệu, uy tín đối với khách du lịch sẽ đăng ký xếp hạng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Xác định hướng dẫn viên du lịch có vai trò quan trọng trong việc chuyển tải thông tin văn hóa, lịch sử, kết nối các dịch vụ du lịch, chăm sóc khách du lịch góp phần nâng cao hình ảnh của quốc gia, địa phương, điểm đến, sự hài lòng của khách du lịch, Luật Du lịch 2017 điều chỉnh, bổ sung quy định về điều kiện hành nghề và điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch.

Thể chế hóa Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-01-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Luật Du lịch 2017 đã quy định các chính sách cụ thể và có tính khả thi hơn. Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch được hưởng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất khi Nhà nước ban hành, áp dụng các chính sách về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư; đồng thời Luật cũng quy định một số chính sách đặc thù đối với các hoạt động du lịch theo mức độ được ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách hoặc được nhà nước khuyến khích, hỗ trợ.

Luật Du lịch 2017 đã bổ sung quy định về quyền sáng tạo, phát triển, kinh doanh sản phẩm du lịch của các tổ chức, cá nhân; giao Chính phủ định hướng và có chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo phù hợp với từng vùng và trong phạm vi toàn quốc theo từng giai đoạn cụ thể (Điều 18); có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu, định hướng phát triển sản phẩm du lịch; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới có tác động tích cực tới môi trường, thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư và một số loại sản phẩm du lịch khác (Điều 5). Đáng chú ý, Luật Du lịch 2017 quy định về du lịch cộng đồng, một sản phẩm du lịch đặc thù trên cơ sở phát huy bản sắc văn hóa du lịch của địa phương và có sự tham gia, quản lý của cộng đồng dân cư. Phát triển du lịch cộng đồng góp phần phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương còn nhiều khó khăn, mang lại lợi ích trực tiếp cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Bên cạnh các dịch vụ cơ bản như lữ hành, vận chuyển, lưu trú, hướng dẫn, Luật Du lịch 2017 bổ sung quy định về các dịch vụ du lịch khác. Đa dạng hóa các dịch vụ du lịch, hình thành những trung tâm mua sắm tầm cỡ, các chuỗi nhà hàng ăn uống, chuỗi cửa hàng kinh doanh hàng hóa, đồ lưu niệm và các dịch vụ du lịch khác nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, tăng số ngày lưu trú và mức độ chi tiêu của khách du lịch.

Luật Du lịch 2017 đã điều chỉnh điều kiện công nhận và thời điểm công nhận khu du lịch quốc gia, khu du lịch cấp tỉnh và điểm du lịch để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi. Dự kiến, sau khi Luật có hiệu lực thi hành sẽ có nhiều khu du lịch, điểm du lịch được công nhận, góp phần quan trọng trong việc hình thành các sản phẩm du lịch có chất lượng cao và cho công tác quảng bá thương hiệu, thu hút khách du lịch…

Nâng cao tính cạnh tranh, tạo đột phá

Những điều chỉnh của Luật Du lịch năm 2017 được kỳ vọng sẽ nâng cao tính cạnh tranh và tạo sự đột phá trong hoạt động du lịch của Việt Nam.

Chất lượng dịch vụ du lịch được bảo đảm hơn thông qua việc cấp giấy phép kinh doanh lữ hành trong nước; chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh du lịch lữ hành bằng việc quy định về trình độ chuyên môn của người phụ trách kinh doanh lữ hành; quản lý tốt hơn dịch vụ hướng dẫn, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa yêu cầu về chất lượng và số lượng hướng dẫn viên du lịch.

Quyền và lợi ích hợp pháp của khách du lịch được chú trọng, do vậy sẽ mang lại sự hài lòng đối với khách du lịch, giảm tình trạng chất lượng dịch vụ không tương xứng với kỳ vọng của khách du lịch.

Song song với việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp du lịch thì việc nâng cao chất lượng dịch vụ lữ hành, lưu trú, hướng dẫn du lịch đã được đặc biệt lưu ý. Quy định xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch trên cơ sở đăng ký tự nguyện sẽ tạo điều kiện để các cơ sở lưu trú du lịch được chủ động trong việc quyết định chất lượng dịch vụ của cơ sở. Đây được xem là nhu cầu, quyền lợi của cơ sở lưu trú du lịch trong việc khẳng định thương hiệu và cạnh tranh lành mạnh bằng chính chất lượng dịch vụ.

Việc cấp giấy phép lữ hành quốc tế được đơn giản hóa hơn so với quy định hiện hành; thay vì doanh nghiệp gửi hồ sơ đến Sở để xem xét, thẩm định sau đó gửi lên Tổng cục Du lịch để cấp giấy phép thì doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ trực tiếp cho Tổng cục Du lịch và khuyến khích nộp hồ sơ điện tử.

Các cơ quan, doanh nghiệp được trao quyền chủ động về kinh phí trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Quỹ hỗ trợ phát triển được thành lập sẽ là nhân tố quan trọng trong việc giải quyết khó khăn về nguồn lực hiện nay của ngành du lịch, tạo nên nguồn lực tài chính cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tế triển khai các hoạt động về quảng bá xúc tiến, xây dựng sản phẩm và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch, xây dựng năng lực thể chế của ngành du lịch… Nhờ có Quỹ, các hoạt động du lịch sẽ được triển khai một cách chủ động, chuyên nghiệp, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của du lịch Việt Nam trong thời gian tới, phù hợp mục tiêu, kế hoạch của Chính phủ đặt ra đối với ngành du lịch.

Để Luật Du lịch 2017 phát huy hiệu quả, mang lại những tác động tích cực cho du lịch Việt Nam thì cần có sự tham gia chủ động, tích cực của tất cả các chủ thể hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng như của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng liên quan.

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về du lịch, khẩn trương xây dựng các văn bản quy định chi tiết để sớm đưa Luật Du lịch vào thực tiễn và đề xuất để chỉnh sửa các văn bản pháp luật có liên quan nhằm tạo điều kiện cho du lịch phát triển; phổ biến, giáo dục pháp luật về du lịch đến các doanh nghiệp du lịch, người lao động trong lĩnh vực du lịch, khách du lịch và cộng đồng xã hội; thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước về du lịch theo quy định của Luật.

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cần chủ động tìm hiểu, cập nhật Luật Du lịch và các văn bản quy định chi tiết; tự giác tuân thủ pháp luật nói chung và pháp luật về du lịch nói riêng; bảo đảm đáp ứng, duy trì đầy đủ các điều kiện kinh doanh và thực hiện nghiêm nghĩa vụ theo quy định của Luật.

Người lao động trong lĩnh vực du lịch cần chủ động học tập, rèn luyện, nâng cao kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ; tuân thủ pháp luật và luôn có ý thức giữ gìn hình ảnh quốc gia phục vụ khách du lịch. Và một nội dung không kém phần quan trọng là khách du lịch cần nâng cao ý thức trách nhiệm, văn hóa ứng xử, cũng như hiểu biết về quyền, nghĩa vụ của mình khi đi du lịch.

NGUYỄN THỊ THANH HƯƠNG
Theo: Phó Tổng cục trưởng Du lịch
Exit mobile version