Sáng 1-10, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đã diễn ra lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu (1957 – 2017) và Ngày Sân khấu Việt Nam (12-8 âm lịch). Đến dự, có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị. |
Cùng dự, có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các hội nghệ thuật và hơn 500 nghệ sĩ, diễn viên, tác giả, đạo diễn, nhà nghiên cứu sân khấu trong cả nước. Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư gửi lẵng hoa chúc mừng.
Trải qua 60 năm phát triển với tám kỳ đại hội, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã trở thành mái nhà chung của các nghệ sĩ sân khấu. Đến nay, Hội đã có 2.500 hội viên hoạt động ở các chi hội trong cả nước, đã và đang cùng nhau chung tay giữ gìn, kế thừa và phát huy các loại hình sân khấu dân tộc, sáng tạo những tác phẩm, vở diễn có giá trị cao về tư tưởng và chất lượng nghệ thuật, tiên tiến và đậm đà bản sắc, góp phần nâng cao uy tín sân khấu Việt Nam trên trường quốc tế. Hội đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều huân chương cao quý, nhiều hội viên được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, và được phong tặng NSND, NSƯT. Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương đóng góp to lớn, quý báu của những người làm nghệ thuật sân khấu nước nhà và của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam qua các thời kỳ, gắn bó và đồng hành cùng dân tộc và cách mạng trong hơn 60 năm qua. Phó Thủ tướng nhấn mạnh những khó khăn, thử thách mà sân khấu Việt Nam cần vượt qua trong giai đoạn hiện nay, trong đó cần tìm ra các giải pháp khắc phục những yếu kém, thiếu hụt về nguồn lực ở tất cả các khâu từ đào tạo, tuyển dụng, sáng tác, phê bình, biểu diễn, quản lý… đến điều kiện sinh sống, làm việc của văn nghệ sĩ cũng như tình trạng xuống cấp, chưa được quan tâm đầu tư về cơ sở rạp hát và trang thiết bị biểu diễn. Để làm được điều này cần có sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và sự tham gia, ủng hộ của toàn xã hội. Bên cạnh đó, cần có những cơ chế, chính sách và ưu tiên nguồn lực cho phát triển văn hóa, nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng. Trong đó, hết sức chú trọng công tác đào tạo nhân lực, triển khai chương trình phát triển sân khấu các dân tộc ít người, sân khấu không chuyên; đẩy mạnh tự chủ trong các đơn vị nghệ thuật sân khấu… Tại lễ kỷ niệm, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã tôn vinh các nghệ sĩ lão thành tròn tuổi từ 70 đến 90 tuổi được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật và danh hiệu NSND, NSƯT. Hội cũng trao tặng Giải thưởng nghệ thuật năm 2016 bao gồm: một giải A, bốn giải B, ba giải khuyến khích cho kịch bản sân khấu xuất sắc; hai giải B cho sách nghiên cứu, lý luận, phê bình xuất sắc; bảy giải A, mười giải B, ba giải khuyến khích cho các vở diễn sân khấu xuất sắc cùng hai giải diễn viên xuất sắc cho mỗi thể loại: kịch nói, cải lương, chèo, tuồng, dân ca kịch. Cùng ngày, tại rạp Đại Nam (Hà Nội), diễn ra lễ dâng hương Giỗ Tổ nghề sân khấu (12-8 âm lịch). Nguồn: Báo Nhân Dân Lê Thị Hồng Nhung đăng bài |