Trương Hiền Lượng
Nhìn ngoài, tất cả những gì viết trong Tư bản đều không liên quan đến thực trạng của tôi. Marx nói trắng ra rằng, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa biểu hiện ở chỗ “Tích luỹ hàng hoá nhiều đến mức kinh khủng”. nhưng ở cái nơi bên rìa của sa mạc này thì lại là sự thiếu thốn hàng hoá đến kinh khủng, muốn mua một cái quần nhung cũng không có. Trong sách, hình thức của tiền tệ đã phát triển thành tiền tệ thế giới, “hoàn nguyên thành hình thức kim loại quý như lúc ban đầu”, còn ở đây thì đậu đũa và củ cải, củ cải và đồng hồ Longgin là vật trao đổi ngang giá, giá trị của đồng tiền rất không tin cậy…Nhưng chính vì vậy mà tôi không thể giáo điều. Càng đọc, tôi càng thấy sách của Marx dạy tôi một phương pháp tư tưởng, một phương pháp thế giới quan. Tôi có thể gọi các khái niệm “hàng hoá”, “tiền tệ”, “tư bản”, thành đại số tớ, y, z…và cùng với sự phân tích và vận dụng các khái niệm của Marx, trong đầu tôi lập tức hình thành các phương trình tư duy, các kết cấu của tư tưởng. Các phương trình và kết cấu ấy có thể dùng để phân tích bất cứ sự vật bên ngoài nào. Nắm được phương pháp thế giới quan ấy không khó, phải có lòng tin, phải tin tưởng chắc chắn rằng, phương pháp thế giới quan ấy phù hợp với quy luật phát triển của sự vật.
Đồng thời, tất cả những khái niệm trong Tư Bản đối với tôi không có gì lạ. Tôi xuất thân từ một gia đình tư sản, lớn lên dưới sự dạy dỗ của người quản lý sở giao dịch và tư sản nhà máy. Những cái đó đã giúp tôi được lý luận của Marx. Thậm chí chỉ bằng cảm tính, tôi đã hiểu một số khái niệm, thí dụ sự khác nhau giữa giá trị sử dụng và giá trị trao đổi, sự biến động giá trị tương đối của vàng bạc, sự lưu thông tiền tệ và biến hoá hình thái của hàng hoá, tiền tệ với tư cách là thủ đoạn lưu thông, tàng trữ, đối phó, các loại cơ cấu tiền tệ thế giới…Những điều đó hồi nhỏ tôi đã nghe nói đến. Còn nhớ khi lên mười tuổi, tôi đã nghe nói đến bộ Tư bản. Một giáo sư cao tuổi của trường đại học Tứ Xuyên đã giới thiệu bộ sách này với cha tôi ở phòng khách. Ông giáo sư nói rằng muốn xây dựng nhà máy, muốn trở thành tư sản, thì nhất thiết phải đọc Tư Bản. Qua đó có thể thấy, hễ là chân lý khách quan thì đắc dụng cho tất cả mọi người, cũng giống như Kennedy nghiên cứu chiến thuật đánh du kích của Mao Trạch Đông (Điều này tôi nghe đám công nhân nông nghiệp nói khi đi mua muối ở Trấn Nam Bảo. Giấy gói muối là một tờ trong bản tin tham khảo, đầu trang có dòng chữ Chú ý bảo quản hẳn hoi).
Vậy đó, sách của Marx không khô khan đối với tôi. Tôi đọc, những khái niệm hoàn nguyên thành những hình ảnh cụ thể, mỗi trang sách là một mảnh rõ nét và sinh động của thế giới hiện thực. Tối tối, tôi nghiến ngấu món ăn tinh thần ấy ở nhà Hoa. Cùng với việc “nâng tầm của mình lên”, tôi cũng vượt qua hiện trạng của mình ở cái nơi bên rìa sa mạc hoang vắng này. Khi tôi đọc đã mỏi mắt – vì xem sách dưới ánh đèn tù mù – tôi lại ngẩng lên nhìn cô, và dần dà cảm thấy cô trở nên xa lạ. Cô xinh đẹp, lương thiện, chân chất, nhưng rốt cuộc cô vẫn là một con người chưa hoàn toàn thoát tục. Cô ngồi trên giường, cũng nhìn tôi bằng con mắt kinh ngạc pha lẫn nét tinh nghịch, và tươi cười. Nét cười hiện qua nếp nhăn thoáng gợn trên đuôi mắt và khoé miệng, gần như sắp bật ra thành tiếng. chắc là khi đó ánh mắt và thái độ của tôi buồn cười lắm nên cô mới như thế. Nhưng tôi biết cô không nhận thấy tâm trạng của tôi đối với cô lúc này ra sao, cái tâm trạng mà bản thân tôi cũng sợ. Đã đành cô chưa thoát tục, đành rằng tôi đã khôi phục lại ký ức xưa, trở thành « một phần tử trí thức », nhưng tôi đang chịu ơn cô, vậy thì mối quan hệ giữa tôi và cô hiện nay là mối quan hệ gì ?
Con người ta rút ra những kinh nghiệm và hiểu biết từ trong ký ức , rồi so sánh, đối chiếu với hoàn cảnh, trước mắt, qua đó mà nhận thức sự vật. Cô tuy không phải là con người luân lạc phong trần như Phương Thinh, Macơlit, Axmaihanda – những hình tươg nghệ thuật mà tôi rất quen thuộc, nhưng cái tên « Quán ăn Mỹ « khiến tôi canh cánh bên lòng, cứ nghĩ đến chuyện « nho nhã phong lưu », chốn lầu xanh mà Đỗ Mục, Liễu Vĩnh lúc thi hỏng đã dấn thân vào. Khi cô bưng bát cơm độn nóng hổi đặt bên sách của tôi trên bệ, khi cô khẽ hát cho bé Xá nghe bài ca phong tình bằng một giọng dân dã nhưng cực hay, tự nhiên tôi lại nhớ câu thơ của loại văn sĩ phóng đãng « duy dương tự cổ đa giai lệ », nào là Tay áo xông hương đêm đọc sách, nào là Nàng Hồng khẽ hát ta thổi tiêu…
Tôi bắt đầu « nâng tầm lên » nhưng tình cảm của tôi đối với Hoa cũng bắt đầu thay đổi. Lúc này, như Goethe đã nói trong Fauster : « Ôi, hai linh hồn cùng ngụ trong tôi ». Tôi đọc sách của Marx, tư tưởng quan điểm của tôi hướng về người lao động, mặt khác sự từng trải và hiểu biết khiến tôi cảm thấy giữa tôi với người lao động có khoảng cách, trong địa hạt tinh thần tôi ưu việt hơn họ, tôi cao hơn họ một tầm.
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài