Minh Trang
Sách văn học cho thiếu nhi luôn được quan tâm và là lĩnh vực tiềm năng trên thị trường sách. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều ý kiến đang cho rằng, văn học thiếu nhi, sách cho thiếu nhi phải biết cách làm mới mình, từ nội dung đến hình thức, để đa dạng hóa trong việc thu hút các độc giả trẻ.
Viết thế nào cho thuyết phục?
Văn học thiếu nhi là văn học dành cho trẻ em, viết cho trẻ em, nhiều khi do chính trẻ em cầm bút. Thậm chí hiện nay còn có trường hợp nhà văn, tác giả viết để mẹ đọc cho con ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Khi các em chập chững học nói, sẽ có những ngôn từ quen thuộc được cho là có thể phát ra từ những câu chuyện mà mẹ đọc cho em nghe khi còn là bào thai. Tiếp theo là độ tuổi lớn hơn, từ mầm non đến THCS, các em lại có những nhận thức mới làm thay đổi suy nghĩ và hành động. Vì vậy, nhiều ý kiến người trong nghề cho rằng, viết cho thiếu nhi phải có sự cân đối giữa thơ, văn cho các lứa tuổi tiểu học, mẫu giáo để vừa giữ được cái trong trẻo nhẹ nhàng, đồng thời có những trăn trở, suy nghĩ đúng với độ tuổi của các em.
Bên cạnh đó, để viết hấp dẫn, thu hút trẻ em, khả năng tưởng tượng của nhà văn viết cho thiếu nhi phải mạnh hơn những người bình thường khác. Một thí dụ mà nhà thơ Cao Xuân Sơn nêu lên, nếu các nhà văn chỉ viết những câu như “con mèo, con chó có lông, quả na có mắt, nồi đồng có quai” thì chỉ hấp dẫn được những bé mới biết đọc. Hay như câu thơ: “Cá mương nháo nhác hỏi nhau, ai câu mà thả mồi câu bằng mèo” thì lại khiến các em bật lên tiếng cười. Nhưng đằng sau tiếng cười là lời nhắc nhở các bạn nhỏ hay ra bờ sông phải coi chừng giống con mèo lộn xuống sông… Theo đó, những thông điệp nhà thơ gửi gắm thường ẩn sau những tình huống, hình ảnh, những cốt truyện phải có tính bất ngờ và tính hài hước.
Khi viết cho trẻ em, theo nhà văn Thùy Dương, bản thân mỗi nhà văn phải luôn có một cô bé hay cậu bé đi theo. Thực tế cho thấy, văn học viết rất nhiều về những mặt sáng, về những đứa trẻ yêu đời, vượt qua khó khăn. Thế nhưng cũng có những nhận xét cho rằng, trẻ em bây giờ bị bó vào cái khuôn với nhiều áp lực đè nặng và trong đó người lớn đã đặt quá nhiều gánh nặng lên vai các em. Đòi hỏi với nhà văn nhạy bén là phải nắm bắt được những vấn đề đó. Đã có nhiều người viết về những đứa trẻ không may như “Nhà không có bố” của nhà thơ Nguyễn Thị Mai, “Nghe cơn bão đi qua” của Chử Văn Long… Và như vậy, bổn phận của nhà văn chính là đồng hành cùng với trẻ em từ cả niềm vui lẫn nỗi buồn nhưng vẫn giữ lại được nét tươi sáng sự hồn nhiên, niềm lạc quan yêu đời của các em nhỏ.
Tìm nét mới lạ trong cây bút trẻ
Nhìn trên diện rộng của thị trường sách văn học cho thiếu nhi, dường như đang thiếu vắng những tác giả, tác phẩm lớn. Nhưng ở góc nhìn lạc quan, sách viết cho thiếu nhi lại có sự xuất hiện của lứa các cây bút trẻ với làn gió mới, hiện đại hơn cho mảng văn học này.
Các tác giả này được cho là có lợi thế khi tuổi thơ chưa xa lắm, họ sẽ thuận tay hơn trong việc xây dựng tình tiết, cốt truyện. Còn với thơ, cảm xúc của những người trẻ khác với những thế hệ trước. Như Đặng Chân Nhân hay Ngô Gia Thiên An… viết theo hướng tự do, phóng khoáng. Lời thơ của các tác giả này có những cách gây ấn tượng với độc giả không phải bằng vần điệu du dương, hay bằng những ngôn ngữ trau chuốt mà đôi khi họ chỉ gợi ra những cảm giác, cảm xúc, phần còn lại là do suy nghĩ người đọc. Chính sự mới lạ của các cây bút sẽ góp phần giúp văn học thiếu nhi tiếp cận gần gũi hơn với đời sống, tâm lý của các bạn trẻ.
Ngô Gia Thiên An, tác giả của tập thơ thiếu nhi “Những ngôi sao lấp lánh” chia sẻ: “Tôi không thấy sự đứt gãy thế hệ sáng tác cho thiếu nhi mà đang có sự tiếp nối, làm nên dòng chảy văn học thiếu nhi đổi mới và phong phú hơn. Tôi sẽ viết những điều tôi tin là thật, những điều mà tôi đã được học, những điều tôi đã kiểm chứng. Bởi vì viết những điều càng chân thực nhất sẽ khiến cho các em tin tưởng hơn. Mình tưởng các em rất ngây ngô nhưng khi đọc những dòng văn có cảm xúc thật sự thì các em sẽ biết được đó chính là những cảm xúc mà người viết muốn đưa vào”.
Sách phải gợi sự tương tác với bạn đọc
Nhìn vào một thí dụ là danh sách các tác phẩm được tuyển chọn trong hai tuyển tập: “65 bài thơ hay dành cho thiếu nhi” (nhà thơ Cao Xuân Sơn tuyển chọn) và “65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi” (nhà văn Trần Đức Tiến tuyển chọn), có thể thấy rõ sự tiếp nối, liền mạch của các thế hệ tác giả viết cho trẻ thơ. Để văn học thiếu nhi phát triển hơn nữa, cần có nhiều giải pháp hữu hiệu, bên cạnh tìm kiếm, đặt hàng những tác giả viết hay, nhiều ý tưởng mới, các đơn vị còn phải hướng tới tiêu chí làm sách đẹp để hấp dẫn độc giả. Bản thân người viết cho thiếu nhi cũng phải là người đi cùng với thiếu nhi ở mọi lúc, phải cập nhật tin tức, cập nhật xu hướng, để gợi mở những lối viết gần gũi với các bạn nhỏ hơn.
Mặt khác, trong thời đại văn hóa nghe nhìn như hiện nay thì thu hút bạn đọc phải có những cuốn sách bắt mắt, lôi cuốn. Vì vậy, văn học thiếu nhi cũng cần phải có sự tác động của nhiều hình thức, phương tiện truyền tải. Đặc biệt, trẻ em luôn là đối tượng dễ tiếp thu và các em có rất là nhiều điều kiện để tiếp cận nội dung theo các phương thức khác nhau, vì thế một cuốn sách thu hút không chỉ nằm ở trong sách nữa mà nó còn phải gợi sự tương tác. Theo nhà văn, nhà báo Nguyễn Như Mai: “Mỗi ấn phẩm cho thiếu nhi bây giờ, nhất là ở lứa tuổi nhi đồng, dứt khoát nó phải là một sản phẩm kết hợp giữa các nhà văn và họa sĩ. Nếu như chỉ có chữ không các em thiếu nhi chưa chắc đã muốn đọc, nhưng nếu các em cầm trên tay quyển sách với hình thức đẹp thì chắc chắn các em sẽ có nhiều hứng thú đọc hơn. Và điều ấy không chỉ giúp tăng chất lượng sách của nhà xuất bản mà còn kích thích văn hóa đọc của trẻ em”.
Theo báo Thời Nay