Cảnh trong vở Vòng phấn Cáp-ca của Nhà hát Tuổi trẻ.

11 vở diễn tiêu biểu nhất của năm nhà hát và đoàn nghệ thuật hàng đầu sẽ được trình diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội vào tháng 8 trong khuôn khổ chương trình “Những vở kịch còn mãi với thời gian”. Ðây là dịp để công chúng Thủ đô tiếp cận, thưởng thức các tác phẩm đỉnh cao, khơi dậy và bồi đắp tình yêu sân khấu kịch nói.

Chương trình biểu diễn 11 vở kịch nói tiêu biểu nêu trên nằm trong khuôn khổ dự án “Ðưa các chương trình nghệ thuật chất lượng cao vào Nhà hát Lớn Hà Nội” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được khởi động cách đây vừa tròn một năm. Nhằm đổi mới, tìm cách thu hút công chúng, giới thiệu được tổng thể, bài bản về hoạt động, sự phát triển của sân khấu Việt Nam đương đại, trong năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn giới thiệu các chương trình theo chuyên đề sân khấu truyền thống và sân khấu kịch nói. Trong đó, chuyên đề tháng 8 là “Những vở kịch còn mãi với thời gian”, với 11 vở kịch nói cùng các tên tuổi đạo diễn gạo cội của nền sân khấu Việt Nam. Ðó là hai vở diễn của Nhà hát kịch Việt Nam: Kiều (tác giả Nguyễn Hiếu, đạo diễn NSND Anh Tú), Lão hà tiện (tác giả Mô-li-e, đạo diễn NSND Tuấn Hải); ba vở diễn của Nhà hát Tuổi trẻ: Vòng phấn Cáp-ca (tác giả Béc-tôn Brếch, dịch giả Lê Quang, đạo diễn Ðô-mi-ních Găn-thơ), Ai là thủ phạm (tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn NSƯT Chí Trung), Công lý không gục ngã (tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang); ba vở diễn của Nhà hát kịch Hà Nội: Cát bụi (tác giả Triệu Huấn, đạo diễn NSND Xuân Huyền), Ðiện thoại di động (đạo diễn NSND Hoàng Dũng), Bỉ vỏ (tác giả Nguyễn Ðăng Thanh, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang); hai vở của Ðoàn kịch nói Công an nhân dân: Bão của hoàng hôn (tác giả Vũ Thị Thu Phong, đạo diễn NSND Lê Hùng), Quyết đấu giữa sương mù (tác giả nhà văn Chu Lai, đạo diễn NSND Lê Hùng); một vở của Nhà hát kịch nói Quân đội: Dưới cát là nước (đạo diễn NSND Lê Hùng).

Lấy tên gọi chương trình “Những vở kịch còn mãi với thời gian”, lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn và các đơn vị nghệ thuật tham gia mong muốn những vở diễn tiêu biểu nhất của họ trong thời gian qua được giới thiệu đến với công chúng Thủ đô trên sân khấu sang trọng của Nhà hát Lớn Hà Nội, nơi vẫn được coi là “Thánh đường của nghệ thuật”. Không những thế, các vở diễn sẽ còn tiếp tục được biểu diễn lâu dài, có được sức sống lâu bền trong lòng khán giả. Ðược biểu diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội thật sự là cơ hội để các đơn vị quảng bá những vở diễn hay của họ. Thực trạng đáng buồn của sân khấu cho thấy phần lớn những vở chính kịch, nhất là các vở kinh điển được dàn dựng công phu, tốn kém về kinh phí đòi hỏi trình độ dàn dựng, diễn xuất rất cao thì lại là những vở ít suất diễn và ít bán được vé so với các vở diễn, chương trình hài kịch “mì ăn liền”. Nếu không có sự hỗ trợ từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như của các doanh nghiệp thì những vở diễn này sẽ khó có thể duy trì và khó có “đất sống” trong bối cảnh hiện nay, nhất là khó có thể biểu diễn trên sân khấu của Nhà hát Lớn Hà Nội. Một phần nguyên nhân quan trọng là công tác quảng bá của các đơn vị chưa thật tốt, chưa tiếp cận và giới thiệu được vở diễn đến với công chúng nhiều hơn. Thiếu thông tin về vở diễn, về chương trình, lại không có được nhiều vở hay, có đủ sức nặng để chinh phục khán giả, khuấy động được sự quan tâm của công chúng, cứ thế công chúng dần thờ ơ với nghệ thuật sân khấu. Các nhà hát và nghệ sĩ cũng đau đáu nỗi niềm khi bỏ công sức đầu tư và dành nhiều tâm huyết cho các vở diễn, vai diễn của mình, song lại không nhận được sự động viên, ghi nhận của đông đảo người xem.

Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo và tạo điều kiện miễn phí cho các nhà hát, đơn vị tham gia biểu diễn trong chương trình “Những vở kịch còn mãi với thời gian” tại Nhà hát Lớn Hà Nội, là nguồn khích lệ lớn với các nghệ sĩ, giúp họ thấy được trọng trách lớn lao và cao cả của mình. Ở đây không chỉ là việc bán vé, có doanh thu mà điều quan trọng hơn là từng bước thu hút trở lại sự quan tâm của công chúng Thủ đô với kịch nói, đưa họ đến với các nhà hát, rạp kịch, tạo nhu cầu thưởng thức, khơi dậy, duy trì, bồi đắp tình yêu.

 

Nguồn Báo Nhân Dân ĐT

Dương Thanh Minh đăng bài

 

 

Exit mobile version