Nguyễn Thúy Quỳnh

Nhìn lại hai năm qua kể từ khi dịch Covid bắt đầu bùng phát tại Vũ Hán, thật khó mà quen với sự thay đổi của đời sống hiện thời – một sự thay đổi vượt qua mọi trí tưởng tượng của nhân loại. Không ai trong chúng ta nghĩ đến một ngày sẽ phải tự cố thủ trong bốn bức tường để bảo vệ sự sinh tồn của mình và người thân. Không ai nghĩ các hoạt động du lịch, giải trí, sáng tạo và quảng bá văn học, biểu diễn nghệ thuật… vốn là một phần thiết yếu để nuôi dưỡng phần hồn của con người, lại có ngày trở thành không thiết yếu, thậm chí thành xa xỉ.

Đại hội Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Ảnh: quangngaitv.vn

Chỉ vài tháng sau khi chứng kiến đại dịch hoành hành ở châu Âu và nước Mĩ, các nhà khoa học đã lên tiếng dự báo về một thế giới hậu Covid-19, khuyến cáo các quốc gia, các chính phủ cần thay đổi tư duy, thay đổi chiến lược để bảo vệ và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó bao gồm cả chiến lược bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa đồng thời với các giá trị sống của con người.

Tinh thần ấy chuyển dịch từ quy mô toàn cầu đến từng quốc gia, đến các nhóm xã hội vĩ mô và vi mô. Bằng những cách riêng của mình, sau những ngỡ ngàng, thảng thốt ban đầu, người ta dần tìm cách thích ứng, vì sự tồn tại của cộng đồng mà mình gắn bó, vì trách nhiệm xã hội của giới văn nghệ sĩ, vì nhu cầu được giao tiếp với người khác bằng ngôn ngữ nghệ thuật, hoặc có khi đơn giản chỉ là vì thực hiện nhiệm vụ được giao. Nhìn lại kết quả, như câu cách ngôn “khi một cánh cửa đóng lại, ắt sẽ có cánh cửa khác mở ra”, ở đó có khá nhiều điều thú vị.

Chỉ quan sát riêng đời sống văn chương, chưa nói đến các lĩnh vực nghệ thuật khác, ta dễ dàng nhận thấy, khi dịch bệnh vẫn đang hoành hành ở mọi nơi trên thế giới và ở những “điểm nóng” về dịch bệnh trong nước (như thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong đợt dịch thứ tư), thì những người làm văn chương đã xích lại gần nhau hơn. Thông qua báo chí điện tử và mạng xã hội, họ cùng nhau bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc về thời đoạn khó khăn này qua trang viết. Họ gửi gắm vào tác phẩm những nỗi niềm tâm tư, sự cô đơn, cả nỗi đau đớn vô biên vì mất mát người thân cùng niềm hi vọng được trở lại cuộc sống bình yên. Những cuộc liên hoan thơ, tọa đàm trao đổi về văn chương diễn ra trong nước và xuyên biên giới lãnh thổ, bất chấp múi giờ; những câu thơ được cất lên từ lòng người chân thành động viên và sẻ chia, nỗ lực dìu nhau đi qua dịch bệnh và chết chóc. Bằng những cuộc giao lưu vượt qua mọi khoảng cách địa lí như vậy, nhiều nhà thơ Việt đã kết nối với các nhà thơ và các cộng đồng văn chương, báo chí ở nhiều quốc gia. Thơ của họ góp mặt ở Liên hoan thơ châu Âu – “Europa in versi 2021”, hợp tuyển thơ châu Á tôn vinh phụ nữ – “The epitome of power”, Tuần lễ sách tại Budapest, Diễn đàn châu Á – “Asia Forum”… cùng nhiều tạp chí văn chương ở nhiều quốc gia. Từ các hoạt động đó mà dù ở tâm dịch Tiền Giang, nhà thơ Nguyễn Thanh Hải vẫn có hàng chục bài thơ được các báo, tạp chí văn chương quốc tế in ấn và đăng tải. Cùng với anh, có các nhà thơ Nguyễn Thanh Kim, Trần Thu Hà, Hoàng Việt Hằng, Đoàn Mạnh Phương và nhiều nhà thơ khác nữa. Có được những hoạt động này phải kể đến vai trò kết nối, chuyển ngữ của nhà văn – nhà thơ – dịch giả Kiều Bích Hậu cùng các cộng sự của chị, những “sứ giả văn chương” miệt mài tìm kiếm và giới thiệu văn học Việt Nam ra ngoài biên giới, đến với các cộng đồng văn chương quốc tế và đem bầu bạn quốc tế gần lại với Việt Nam.

Đó là hoạt động của các cá nhân. Còn ở góc độ tổ chức hội thì sao?

Sau một năm bị động với dịch bệnh, dè dặt lựa theo từng đợt dịch mà thực hiện kế hoạch đã đề ra từ trước đó, bước sang “năm Covid thứ hai”, một số hội văn học nghệ thuật (VHNT) chuyên ngành Trung ương và hội địa phương đã chủ động thiết kế nội dung, chương trình công tác theo hướng thích nghi với hoàn cảnh mới. Các hoạt động chuyên môn dần dần chuyển từ tập trung trực tiếp theo các phương thức truyền thống (hội họp trực tiếp) sang trực tuyến. Ít ai nghĩ rằng sẽ có một ngày, các cuộc hội thảo, tập huấn, rồi đến cả trại sáng tác cũng được tổ chức online. Nhiều văn nghệ sĩ chỉ quen viết vẽ trên giấy và hội họp trực tiếp, nay mày mò làm quen với máy tính, điện thoại thông minh, các ứng dụng công nghệ phục vụ cho việc kết nối từ xa, làm quen với những cuộc họp mà những người họp ngồi kín màn hình trước mặt, làm quen với việc đưa tác phẩm lên mạng xã hội để dự thi, xét tuyển tham gia triển lãm. Những cuộc liên hoan, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật… vốn không thể thiếu được khán giả trực tiếp thưởng thức và cổ vũ, nay chuyển sang việc ghi hình phát sóng trên truyền hình, báo chí điện tử, hoặc phát trực tiếp trên các mạng xã hội facebook, youtube… kèm theo việc quảng bá để thu hút người xem qua mạng. Có thể nói Hội Kiến trúc sư Việt Nam là hội đi đầu trong ứng dụng các nền tảng số vào tổ chức các hoạt động chuyên môn. Được tổ chức từ khu vực trung tâm, các hội thảo, tập huấn nghiệp vụ, diễn đàn nghề nghiệp, đào tạo phát triển nghề nghiệp… luôn được kết nối đến các điểm cầu trực tuyến tại các địa phương thuộc mọi vùng miền trên cả nước. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đối phó với tình hình đại dịch Covid-19, Hội Kiến trúc sư còn đề xuất cuộc thi “Kiến trúc ứng biến với đại dịch và thiên tai” và đã được Bộ Xây dựng chấp thuận. Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cũng thích nghi khá nhanh với trạng thái bình thường mới. Nhiều cuộc thi, triển lãm được tổ chức theo hình thức chấm và trưng bày kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Với sự kết nối của hội, các nghệ sĩ nhiếp ảnh còn nhanh chóng tham gia những hoạt động nhiếp ảnh quốc tế và xuất sắc đem về nhiều giải thưởng từ những cuộc thi như Raffles Photo Awards (RPA) 2020, ASSAM CIRCUIT 2020, Grand Photo salon Bosnia 2021, SKOPJE 2021, Photo Circle 2021, Shadow lần thứ 4 năm 2021…

Ở quy mô địa phương, hội VHNT của các tỉnh như Đắk Lắk, Gia Lai, Thái Nguyên, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh cùng một số đơn vị sự nghiệp khác cũng nỗ lực chuyển sang các hình thức hoạt động online.

Hội VHNT Đắk Lắk tổ chức nhiều cuộc giao lưu VHNT trực tuyến. Hội VHNT Gia Lai tổ chức các chương trình nghệ thuật theo chủ đề, ghi hình rồi phát trên fanpage của hội. Đáng chú ý là những cuộc thi sáng tác VHNT được mở ra trên mạng xã hội, trên các trang web với những mục đích hết sức nhân văn đã nhanh chóng kết nối mọi người gần nhau vượt qua mọi không gian địa lí, như cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, cuộc thi viết “Về nhà” của Nhà xuất bản Hội Nhà văn chi nhánh phía Nam, cuộc thi thơ online “Tổ quốc và Mẹ” (Hội VHNT Thái Nguyên phối hợp với Diễn đàn văn chương Quán Chiêu Văn tổ chức) hưởng ứng Ngày Thơ Việt Nam 2021…

Nhưng không phải lúc nào “một cánh cửa đóng lại” cũng sẽ có “cánh cửa khác mở ra” nếu không có người muốn mở. Thật tiếc là số hội chuyển đổi thành công hay chí ít cũng là chủ động chuyển đổi từ phương thức truyền thống sang các phương thức mới chỉ đang đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết các hội từ Trung ương đến địa phương dường như vẫn loay hoay chưa tìm được hướng để thích nghi với hoàn cảnh mới.

Đến thời điểm này, khi dịch Covid-19 ở nước ta đã và đang được kiểm soát, nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác đã hoạt động trở lại, nhịp sống xã hội từng bước ổn định thì vẫn tồn tại một thực tế không vui là các hoạt động VHNT từ phía các tổ chức hội nghề nghiệp vẫn chìm trong không khí tĩnh lặng. Nhiều hội thực sự “án binh bất động”. Một nếp ứng xử chung là chờ dịch dã qua đi, để trở lại những hình thức hoạt động quen thuộc như mở trại sáng tác, tổ chức liên hoan, hội diễn, đi thực tế, hội nghị, hội thảo… Hầu hết dường như chưa quan tâm lắm đến chuyển đổi số. Cũng dễ giải thích cho thực trạng này, nhất là với những tổ chức hội có người đứng đầu chưa có thói quen và nhu cầu đổi mới, tiếp cận những phương tiện và điều kiện mới của thời công nghệ số. Họ vẫn quen nếp nghĩ cũ, phương thức cũ. Và vì thế, cho dù những người trẻ trong hội rất muốn hội mình vận động hòa nhập cùng thời cuộc, lại vướng tư duy cũ của lãnh đạo nên đành ngậm ngùi nhìn các hội bạn hào hứng đi về phía trước. Nơi đáng tiếc nhất chính là mái nhà chung của các hội VHNT cả nước: Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam. Sau Đại hội lần thứ X (tháng 1/2021), cho dù đã có sự chuyển giao thế hệ toàn diện hứa hẹn nhiều khởi sắc, nhưng ở tầm vĩ mô, hành động thích ứng với tình hình dịch bệnh, xa hơn một chút là hội nhập với công cuộc chuyển đổi số, từ phía Liên hiệp dường như chưa có gì đáng kể. Nếu người viết bài không nhầm thì ngay cả một trang web, Liên hiệp cũng chưa có.

Nhìn sang một ngành rất liên quan với chúng ta là ngành văn hóa thể thao du lịch để thấy sự khác biệt và khoảng cách rất xa. Việc thích ứng linh hoạt với điều kiện bình thường mới bằng cách thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số đã và đang cho thấy những nỗ lực lớn của ngành này, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Từ tầm nhìn đến lựa chọn bốn khâu đột phá là “Thể chế – Thiết chế – Nguồn nhân lực – Chuyển đổi số”, toàn bộ các lĩnh vực do ngành quản lí gồm du lịch, bảo tồn bảo tàng, thư viện, nghệ thuật biểu diễn, thể dục thể thao…, từ khối đơn vị sự nghiệp thuộc bộ đến địa phương đều chuyển đổi mạnh từ nhận thức đến hành động. Các đơn vị nghệ thuật đều thiết lập các kênh trực tuyến, đưa các sản phẩm nghệ thuật chất lượng giới thiệu rộng rãi tới công chúng, từ đó xây dựng thương hiệu từ nhà hát số, sân khấu online… Những việc làm đó đã và đang tạo ra tâm thế mới, đời sống mới cho đội ngũ văn nghệ sĩ. Vậy Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam (và các hội chuyên ngành Trung ương) sẽ lãnh đạo văn nghệ sĩ thế nào, định hướng cho họ những gì trong kỉ nguyên mới, khi giờ này vẫn đang đứng ngoài đời sống thực của họ?

Là một người chịu trách nhiệm ở hội VHNT địa phương, nghĩ về vấn đề vừa nêu, tôi thực sự thêm một lần nữa nhận thức sâu sắc về những việc mà hội của mình cần phải làm và chân thành chia sẻ tâm tư với các đồng nghiệp làm công tác quản lí hội VHNT trên mọi miền đất nước. Chúng ta không thể tiếp tục thụ động chờ dịch bệnh đi qua. Việc thay đổi tư duy và cách làm cũ trong hoạt động hội, tiếp cận tri thức mới, nhất là chuyển đổi số để chủ động thích nghi với hoàn cảnh mới là cần thiết, vì sự tồn tại của chính tổ chức hội của mình, vì nguyện vọng của hội viên, nhất là lớp hội viên trẻ. Đó là nhiệm vụ khó khăn nhưng không thể không làm.

Viết đến đây tôi chợt nhận ra rằng, nếu không nhìn thấy là mình đã tụt hậu thì chúng ta đã không chỉ tụt hậu một lần mà còn hai lần. Một lần là vì sự trì trệ, không chịu đổi mới trong khi nhu cầu về tinh thần của xã hội đã tiến xa hơn rất nhiều so với những gì chúng ta đang làm. Một lần là vì không thích ứng linh hoạt được với dịch bệnh Covid-19, nên bị tụt lại xa hơn nữa trên hành trình tiến về phía trước của toàn xã hội. Nếu như vậy thật thì… còn hơn cả ngậm ngùi!

Theo Văn nghệ Quân đội

Exit mobile version