Buổi chiếu ra mắt phim The Jazz Singer vào ngày 6/10/1927 tại rạp hàng đầu của Warner Bros. ở thành phố New York. Cách chiếu bộ phim cực kỳ phức tạp: Mỗi bản nhạc của Jolson được đặt trong một cuộn riêng lẻ cùng với một đĩa âm thanh được kèm theo.

Dù bộ phim chỉ dài 89 phút… nhưng có tới 15 cuộn phim và 15 đĩa để chiếu, và người điều khiển máy chiếu phải lắp phim và sắp xếp thứ tự các đĩa Vitaphone một cách rất nhanh chóng. Chỉ cần một sự vấp váp, ngập ngừng, hoặc lỗi do con người gây ra sẽ khiến hãng phim bị bẽ mặt với công chúng, dẫn đến tổn thất về tài chính.

Khi câu thoại đầu tiên của phim vang lên, sự phấn khích của khán giả bắt đầu. Từng tràng pháo tay tán thưởng vang lên sau mỗi bài hát của Al Jolson. Kể từ lần trình chiếu đầu tiên các bộ phim với âm thanh Vitaphone, cách đó hơn 1 năm, chưa có một sự hoan hô nào vang dậy như thế trong rạp chiếu phim.

Sau buổi chiếu, khán giả biến thành một đám đông cuồng nhiệt và hô “Jolson, Jolson, Jolson!”… Cả Hollywood sững sờ trước cánh cửa tương lai mà bộ phim mở cho ngành điện ảnh. Robert E. Sherwood của tạp chí Life đã mô tả cảnh đối thoại ngắn ngủi giữa Jolson và Bresserer là “đầy ý nghĩa to lớn… Tôi đột nhiên nhận ra rằng sự kết thúc của kỷ nguyên phim câm đang ở ngay trước mắt”.


Khán giả ùn ùn đến với “The Jazz Singer”

Năm 1927, The Jazz Singer là 1 trong 3 bộ phim có doanh thu lớn nhất, chỉ đứng sau WingsThe King Of Kings, đạt doanh thu 3,9 triệu USD tiền vé nội địa, trong khi Wings, có kinh phí nhiều gấp 5 lần, chỉ đạt 4,3 triệu USD. Và nên nhớ vào thời điểm đó, ở nước Mỹ chưa có nhiều rạp trang bị hệ thống âm thanh để chiếu được The Jazz Singer.

Ngày 27/9/1928, The Jazz Singer trở thành bộ phim “tiếng nói” đầu tiên được chiếu tại châu Âu khi nó được chiếu ra mắt tại rạp Piccadilly ở London. Bộ phim “đã tạo ra một cảm xúc dâng trào”, theo sử gia điện ảnh Anh Quốc Rachael Low. “The Jazz Singer là một bước ngoặt trong việc đưa âm thanh, tiếng nói lên màn ảnh”.

Thành công của The Jazz Singer báo hiệu sự kết thúc gần như ngay lập tức của kỷ nguyên phim câm. Theo lời sử gia Richard Koszarski: “Phim câm đã không biến mất trong một đêm, và các bộ phim tiếng cũng không tràn vào rạp ngay lập tức… Nhưng đến 1929, phim có tiếng nói xuất hiện gần như 100% ở Hollywood, tình trạng tương tự cũng diễn ra ở phần lớn Tây Âu… và phim câm gần như chính thức bị khai tử”.

Bá Vũ
Thể thao & Văn hóa

Exit mobile version