Có 1 cuốn sách mình muốn kể ngay về quá trình xuất bản.
Nhưng cũng không biết nên bắt đầu từ đâu. Khen tập truyện hay, dĩ nhiên rồi.
nhận được bản thảo THÁNH DỰC DŨNG NGHĨA TRUYỆN của Thành Châu, cảm giác đầu tiên là không mấy mặn mà. Tác giả trẻ thì chắc chắn rồi. Còn viết về truyện sử cho hay cho thuyết phục thì còn phải đọc văn, rồi ngẫm về thế sự đã lùi xa cách ta hàng bao thời gian rêu phong…
Có những tác giả trẻ khá nôn nóng viết truyện dã sử, huyền thoại sử… nhưng bị ảnh hưởng giọng văn sử cũ, bị áp lực nên truyện có vẻ cứng, không hấp dẫn; hoặc truyện bị pha tạp quá khứ hiện tại, truyện bị màn sương không am hiểu lịch sử che phủ.
Thành Châu có trang nhà: suvancac.com
Thành Châu – Sử Văn Các
Sách đã xuất bản: Hỏa Dực (NXB Hà Nội, 2020)
Nên câu văn sử chắc; cốt truyện khai thác ở những khía cạnh đủ hấp dẫn bạn đọc.
Thẩm nội dung rồi, chuyển cho công ty Sbooks mà mình cộng tác bấy lâu trong Sài Gòn. Nhưng dịch kéo dài, nhà in cho tới tận lúc này vẫn còn bị ngưng trệ công việc do công nhân in cứ bị f0, f1…
Nhiều cuốn sách bị dừng in. Có cuốn in xong bìa xong ruột rồi vẫn không có người đóng xén. Trong đó có cả 3 cuốn sách thiếu nhi của mình, đưa lên fb khoe bạn bè rồi, đến giờ mấy tháng trôi qua vẫn đóng băng.
Mình quyết định rút mấy cuốn chưa vào nhà in trong đó, mới nằm ở kho tệp của giám đốc, đưa ra Trung tâm Tôn vinh Văn hóa Đọc tiến hành xuất bản. Nhưng Trung tâm TVVHĐ không có chức năng phát hành, chỉ làm liên kết xuất bản. Vì vậy những tác giả cùng liên kết mua số lượng sách ít nhất là 300 cuốn thì Trung tâm mới tiến hành được.
Bây giờ thì THÁNH DỰC DŨNG NGHĨA TRUYỆN đã nằm trên bàn làm việc của mình, và cũng đang di chuyển về tp HCM cho Sbooks phát hành, về Bến Tre trao tay tác giả.
Hình như bài viết này còn thiếu nhiều lắm:
Về việc dàn trang đọc bông (qua online), sửa lên sửa xuống với biên tập với tác giả; vấp phải cái quy định tất cả các con số phải viết bằng chữ hết… (Ơ, vậy “5 vạn quân” đập vào mắt hơn hay “năm vạn quân”?)… Rồi thì đủ thứ, không đơn giản dùng từ này nọ cho thời ấy được v.v…
Về việc thiết kế bìa, khi chuyển họa sĩ, thì họa sĩ nhận lời khá nhiệt tình, nhưng kèm hình ảnh bạn ấy đang bị tai nạn phải khâu cả hai bên cánh tay vết khâu khá dài. Có nghĩa bìa tập truyện này được thiết kế trên giường bệnh, bằng đôi tay bị thương và bằng năng lượng nhiệt thành.
Về việc xin cấp phép của Nhà xuất bản Văn học, có lẽ khâu này là thuận lợi nhất, vì truyện Thành Châu viết rất khúc triết, câu văn hay, sạch và ít lỗi. Người phụ trách biên tập là Đặng Hà rất gắn bó với văn chương nên hiểu ý tưởng tác phẩm.
Về việc nhà in ngoài Hà Nội cũng gặp tình cảnh ngổn ngang do dịch bệnh kéo dài, thiếu người sản xuất, thiếu đủ thứ, lại cuối năm dồn việc. Không biết đã phải liên lạc bao nhiêu lần với bao nhiêu bộ phận in, từ khâu kí hợp đồng, khâu làm việc với phòng thiết kế, với bộ phận chạy máy, với kho vận…
Về việc chuyển sách ngược vào Nam, bưu điện cho biết chuyển nhanh cũng mất 10 ngày, có khi hơn; chuyển chậm có khi còn bị nằm ở kho, nếu chỗ nhận sách bị phong tỏa covid…
Về việc nhờ có kết nối của những tác giả trẻ khác, như Phạm Giai Quỳnh, đã kết nối Thành Châu biết đến mình.
Về việc truyền thông sách, là sẽ có công đóng góp giúp đỡ của những bạn bè anh chị em văn chương báo chí, để sách được bạn đọc biết đến.
Thôi kể đến đây mình cũng đủ chóng mặt khi nghĩ lại cả thời gian quay như chong chóng vừa rồi cho việc xuất bản sách.
Nhưng vì vui nên kể. Vui vì sách in ra đẹp. Vui vì kịp cho Thành Châu có cuốn sách mới. (Đầu năm 2022 này Thành Châu tha hồ vui đây).
Vui vì ít nhiều mình cũng vẫn làm đúng tôn chỉ TÔN VINH VĂN HÓA ĐỌC.
Còn đây là lời giới thiệu của mình (in trên bìa 4) về tập truyện ngắn lịch sử này:
“Thành Châu là ai?
Hẳn bạn đọc cũng như tôi, sẽ có ý nghĩ này khi cầm trên tay cuốn Thánh Dực Dũng Nghĩa truyện, nhìn lướt qua mấy tên truyện khá lôi cuốn: Thuồng Luồng – Kể về cuộc đời Lý Long Tường, vị hoàng tử nhà Lý lưu lạc sang Cao Ly; Thánh Dực Dũng Nghĩa – Kể về cuộc đời của danh tướng Trần Bình Trọng và đội quân Thánh Dực Dũng Nghĩa lừng danh; Hỏa Tước Nguyên Võ – Kể về cuộc đời của tướng quân Võ Tánh, một trong Gia Định Tam Hùng; Bạch Tượng và Nữ Tướng – Kể về cuộc đời của nữ tướng Bùi Thị Xuân và những năm tháng thăng trầm của nhà Tây Sơn.
Những chiến binh, những danh tướng, liệt nữ nước Việt, thời nào cũng có. Dường như họ vẫn đâu đây, bên ta. Như tác giả khẳng định: “Thân xác họ dẫu không còn, chiến bào tan thành cát bụi, nhưng lòng yêu nước và ý chí kiêu hùng của họ sẽ mãi bất tử với núi sông”.
Đọc Thành Châu, không hẳn chỉ để thưởng thức câu văn đẹp. Cũng không hẳn chỉ để tìm hiểu lịch sử đơn thuần. Tác giả dẫn dắt người đọc đi vào không gian khác bằng những kết nối tâm linh bí ẩn.”
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà