Buồn Nôn là một lý thuyết hiện sinh hay Buồn Nôn là một tiểu thuyết hư cấu của Sartre? Cái hay của tác giả là biến truyện thành lý thuyết một cách sâu xa, với một hình thức trình diễn mới lạ, một trạng thái tâm linh đa dạng. Truyện cũng chẳng phải là tự truyện và chẳng phải là hồi ký…mà là tiểu-thuyết-nhật-ký, nghe lạ nhưng đọc kỷ những lý lẽ trong truyện ít nhiều cho ta thấy được tính nhân bản của nó, mà trong chúng ta dường như đã có một cái nhìn hiện sinh của một bản thể tự tại, mà đôi lúc xẩy ra trong đời làm người, vốn mang thân phận xót xa và đau khổ.

Sartre đã đưa nhân vật Antoine Roquentin vào tác phẩm Buồn Nôn (La Nausée/ The Nausea) như một “người hùng”; một nhân vật được xem là mẫu người đàn ông lý tưởng, đứng trước mọi tình huống của cuộc đời đang sống. Nếu không được nhìn nhận như một cách sống mới thì đó chỉ là hình thức mẫu mực chẳng có gì khác hơn. Tuy nhiên những tác phẩm của Sartre vẫn được đời nhắc nhở đến cho tới ngày nay; dù rằng tác phẩm Buồn Nôn được xây dựng vừa hư cấu vừa hiện thực chứa đựng đường lối hiện sinh.  Ở đây không nói đến nhân vật Roquentin như một con người hiện sinh Existentialist man” hoặc xem Buồn Nôn là một tiểu thuyết hiện sinh Existentialist novel” Nhưng điều chúng ta muốn nói là khám phá cái nguồn hiện sinh đó phát khởi từ đâu: Roquentin được dàn dựng như một hiện thể (being is) của hiện hữu (existence) một con người sống thực với một tâm-sinh-lý phi thường.

Những trang cuối của tập truyện, nói đúng ra là tập nhật ký, Sartre cố tình bỏ quên chúng ta mà qui về một chiều sâu khác của nội tâm hơn là mô tả. Sartre tự xem như chính mình trong đó và đó cũng là điều đem lại cho chúng ta một cái nhìn ý thức hợp lý và thích đáng. Tác giả coi tác phẩm của mình như một trang thiết bị” cần thiết cho văn hóa, một xác định cụ thể đối với thái độ của chúng ta. Tuy không được trọn vẹn để nói lên được tính chất của một nền văn chương đương đại (contemporary literature) hay một tâm sinh lý khác mà không tránh khỏi sự đụng chạm về quan hệ những nhân vật trong truyện.

Roquentin chạm mặt với cây hạt dẻ, đó là một chạm trán mơ hồ tuy nhiên vẫn cho ta thấy được hình ảnh sắc bén của sự vật một cách cụ thể nhưng không để lại cái nhìn đích thực, mặc dù Roquentin đang ở trạng thái buồn chán. Vậy thì Roquentin đến với nỗi đau đầy tuyệt vọng chăng? Chúng ta hãy xem Roquentin có chịu đựng nỗi với một tâm thức như thế không, một tâm lý nội tại được diễn tả cách riêng… Chính vì thế mà đem lại sự tranh luận của tác phẩm Buồn Nôn qua bao thập niên: Đó là sự biệt lập giữa hiện hữu và hiện thực. Thí dụ: Nói về sự vật; chai thủy tinh Venetian (Ý) là một cái chai có khác gì đâu nhưng nó là hình tượng của sự vật, tất nhiên cho ta nhận được hiện thực của sự vật; tròn, nặng, trong bóng, sắc màu không hơn không kém của một hiện vật… Cho nên hiện hữu của sự vật là một cái gì rất đơn thuần, tuy nhiên nhận ra được một thực thể, là giới hạn của hiện hữu và tri nhận, đó là thể tính siêu việt của hiện sinh, biến cách thức hiện hữu “mode-of-being” để trở thành đối tượng của hiện sinh. Một thí dụ khác; về giới hạn cách biệt của Roquentin: nhân một ngày đi chơi trên biển, hắn nhặt trong tay viên đá cuội, mân mê trên tay, đột nhiên hắn khám phá ra được những gì đang hiện hữu, đó là hiện hữu sự vật làm cho hắn thoát khỏi cái cảm giác buồn nôn kỳ quái mà hắn phải  đương đầu,  đối diện với hiện hữu. Điều ấy không mong muốn đến với Antoine Roquentin; thực thể của  viên đá cuội đã biến mất trong thực tại và hắn nhận ra một tâm thức trong suốt “see through” trong những điều xẩy ra.

Những tiến trình trong đời sống hằng ngày từ từ sẽ khám phá, tất cả những tính chất đó sẽ “bốc hơi” (evaporation) không còn lại gì, chỉ còn lại sự đương đầu, đối diện với hiện thực là cây hạt dẻ, viên đá cuội; đó là sự hiện diện có thực (reality) và chính cái thực đó làm giảm đi cái nguyên lý của hiện hữu: giữa sự buồn chán và nỗi sợ hãi. Chỉ còn lại một điều trong tôi (Antoine) nỗi đau khổ là hiện hữu và chẳng phải vướng tội, mọi sự được vượt qua, tương quan với hiện thể “Je sais seulement que la souffrance existe, qu’il n’y a pas de coupables, que tout s’enchaine, que tout passé et s’équilibre”.

Chính vì quan điểm ấy; tác giả đã lập đi lập lại nhiều lần: Đó là sự ghê tởm của hiện hữu. Jaspers viết: Cái điều vô lý đã tìm thấy trong cái tối nghĩa nơi mà chúng ta đang sống, trong thực tế của thực nghiệm hiện hữu vừa như có đó và vừa như không có đó” Tại sao gọi là không-có-đó? Tại sao điều đó lại dành cho tất cả? Cái gì nhiều hơn? Không có gì hơn và không có gì kém hơn. Không thể biết được và cũng chẳng thiết yếu để tránh (éviter) được. Tout ou rien, nous passions au tout ou personne. Tất cả là không, chúng ta vượt qua được chẳng bỏ một ai. Ấy thì có trở nên ngu xuẩn hay là không hợp lý (non-rational). Sartre cho rằng chỉ có trí tuệ trả lời điều ấy. Sartre không buộc chúng ta phải trả lời hay đòi hỏi chúng ta một lý do nào hay một ý nghĩa nào khác. Điều được xác định cụ thể là tìm thấy được phần nào gốc rễ của cái gọi là vô nghĩa của hiện hữu (meaningless existence). Kết quả chỉ đem lại: Ngõ cụt và Buồn Nôn.

Trong nỗi đau đớn của Roquentin là giảm được cái điều không có, ngay cả ý thức buồn nôn cũng không có. Nó đã điền vào cái khoảng trống đó bằng một cái nhìn đầy hổn loạn. Có lẽ Sartre nhận ra được những kinh nghiệm mà Jaspers gọi là ‘chuẩn bị cho một sức bung phá mãnh liệt’ (The preparing power of chaos) Dẫu sao sự đau khổ là một nhu cầu cần thiết cho sự khai mở và tái lập qua điều kiện của mình để chứng minh tâm lý học và triết thuyết hiện sinh; cái đó là chủ thuyết nhân bản L’existentialisme est un humanisme; điều ấy cũng được phát triển khoa tâm lý học, một tư tưởng của chủ nghĩa tự do, và trở nên đề tài chính của học thuyết Jean-Paul Sartre. Con người đi từ sự chán ghét, ghê tởm, một sự trống vắng của hiện sinh, tạo nên cái thể chất chính, qua sự chọn lựa mà Sartre cho đó là một cái gì phóng khoáng. Vì lẽ đó mà ông đã hiện hữu và không bao giờ nhìn sự thể như một điều tuyệt đối. Sartre luôn luôn hướng tới và dẫu có xẩy ra cái chết đột ngột chăng nữa, triết thuyết của ông sẽ không bao giờ  chấm dứt được, cái mà được gọi là triết thuyết hiện sinh của Sartre. Triết gia Ái Nhĩ Lan Arland Ussher viết: ‘Cái khó khăn đáng kể nhất là hoàn tất những tác phẩm của họ, đó là sự thiết yếu -cho một triết thuyết, là được gần gũi với mọi sinh động của cuộc đời- có thể điều đó không  bao  giờ  dứt được’.

Have a notable difficulty in finishing their books of necessity, for their philosophy-staying close to the movement of life- can have no finality”.

Vậy thì điều gì đưa tới Buồn Nôn; điều đó tùy vào từng cá tính của người đọc. Một câu hỏi khác có phần khó hơn là giữa L’Etre et le Néan/ Being and Nothingness/ Hiện hữu và Hư vô mà Sartre cho đó là nỗi khổ và sự khinh tởm nó diễn ra như một thằng hề đủ để cho ta thấy một thứ mập mờ hết sức trừu tượng. Chúng ta biết rằng Jean-Paul Sartre một nhà tư tưởng triết học và cũng là nhà văn tuyệt mỹ về thể loại hư cấu hiện thực,  một lối xây  dựng đối thoại độc đáo, một chức năng đầy đủ mới dàn dựng một sân khấu đầy sắc thái. Ông là một con người bình dị, nhưng ông cũng không mấy hài lòng những điều ông đã làm như những nhà triết học khác. Sartre cho biết: ‘viết như giàn trải, như chuyện kể (folftale) như thần thoại, cổ tích với một văn phong của một candide” thơ ngây, thật thà!’.

Truyện Buồn Nôn không phải là một truyện đầy đủ như mọi truyện, mà nó ghép lại qua từng mảnh làm thành một. Mỗi bài có cái hay riêng, lan tỏa khắp nơi mà hầu như là những bài bình luận. Buồn Nôn đã cho chúng ta thấy được sự sáng tạo, kỷ thuật hành văn và nhất là sức trong sáng trong triết thuyết của Jean-Paul Sartre. Truyện đã đưa dẫn chúng ta đến gần với con người trong cùng hoàn cảnh, nơi mà chúng ta đang chiếm cứ. Allen Tate nói: Đó là chức năng tối thượng của nghệ thuật’/ Supreme function of art.

The statue seemed to me unpleasant and stupid and I felt terribly, deeply bored. I couldn’t understand why I was in Indochina. What was I doing there? Why was I talking to this people?Why was I dressed so oddly? My passion dead…(The Nausea)

Đó là Buồn Nôn! Nỗi khát vọng chết trong tôi…

Điều ấy không phải là sự cớ để chúng ta phải đi tìm một năng lực toàn vẹn mà hãy xem như một điều hết sức tự nhiên, rõ ràng trong mọi dữ kiện tác phẩm tiểu thuyết của Sartre mà hãy coi đây là một thông điệp hoàn chỉnh với những yếu tố chính đáng dưới một cái nhìn tổng quan cho một tác phẩm được dựng lên trong thế giới ngày nay bởi Jean-Paul Sartre.

Những bài viết trong tập truyện được xoáy quanh một chủ đề buồn nôn, nỗi chán ngấy đó là thảm kịch mà Roquentin trực diện với cuộc đời đang sống, tất cả mọi tình huống được ghi lại như chứng tích dưới dạng thức nhật ký, đó là tiêu biểu đáng kể mà Sartre đã sống qua vai trò của Antoine Roquentin một cảm giác nhầy nhụa, oé mửa…

Nếu có ai hỏi tôi (Sartre) hiện hữu là gì? Tôi xin thưa rằng: ‘tất cả chẳng có gì hết, tất cả đều trống rỗng, mà tất cả điều đó chỉ một tấm lòng, một niềm tin chân chính’- “in all good faith”.  Ấy là điều chẳng tạo nên được cảnh giới bên ngoài nếu không đem đến một hữu thể tuyệt đối, dần dần tất cả đều sáng tỏ. Sự hiện hữu được phát hiện. Chính vì vậy nó mất đi sự bất động để tìm thấy được sự mơ hồ một cách trừu tượng. Những điều đó đem lại sự tồi tệ. Chính đó là ngọn nguồn gắn liền với hiện hữu. Do đó những vật thể xung quanh mất dần và trở thành đa dạng, với tất cả cá tính đó chỉ tạo nên một thứ ảo giác, một thứ hào nhoáng giả tạo, buồn nôn. Cái giả tạo đó là những mảnh vụn hỗn độn, nhầy nhụa, trần truồng thật kinh khủng, một thứ dâm thư bẩn thỉu.Tất cả những đối tượng khách thể (objects) có thể đặt vào đó được không? Không; những thứ đó khuấy động ta! Mọi thứ dần dần xa lìa hẳn với hiện hữu trong một trạng thái dịu êm; giống như người đàn bà rơi vào hoàn cảnh đau khổ, một tâm linh bất ổn một cách tơi tả mà vẫn nói: ‘đời đã cho ta một nụ cười thoả mái’ trong một tiếng nói đầy ẩm đục và che dấu một điều gì vừa kín đáo vừa đê hèn. Những sự thể như thế đã biến mất,  để lại một hiện hữu bi đát.

Ngoài những lý lẽ của thuyết hiện sinh, được nẩy nở qua từng thế hệ, thiết tưởng điều ấy dừng lại nơi đây, cái dừng hợp lý và đúng lúc. Il faut savoir s’arrêter à temps! để người ta không rơi vào tuyệt vọng, bởi những dòng chảy của thuyết hiện sinh đã làm cho nhiều người suy tưởng mà làm lạc hướng chủ nghĩa hiện sinh, trong lúc những phân đoạn đó Sartre cố tình xây dựng lại có hệ thống trong từng cá tính của con người  đang đối diện  với Hư Vô (Néant/Nothingness) và  những  cái  gọi không-thực-chất. Sartre nhìn triết thuyết hiện sinh như triết thuyết nhân bản. Lý thuyết  nầy phải được sáng tỏ một cách cụ thể nghĩa là đương đầu và chấp nhận nỗi đau, buồnchán, tuyệt vọng như một chấp nhận hiện hữu.

Tóm lại triết thuyết hiện sinh được thăng hoa và đưa nền văn học Âu châu vào một kỷ nguyên mới. Ấy là điều sâu sắc mà chúng ta đang sống trong một xã hội rối loạn tâm thần, cần phải loại tận gốc rễ những hoàn cảnh nghịch lý đó; đừng để nó trở thành một thứ bi quan chủ nghĩa, một ảo giác mơ hồ, tràn ngập, chiếm cứ trong lúc chúng ta đang xây dựng một chủ thuyết hiện sinh.

Thử nhìn lại; nếu chủ nghĩa hiện sinh được thành hình và nở hoa ở thời kỳ của Graham Greene, André Malraux và Arthur Koestler thì những nhận thức của hiện hữu có phần thay đổi… Khởi thủy những nguồn sáng tạo hiện sinh như Dickens, Balzac và Pushkin là những người tiên phong và chủ xướng kể cả Kierkegaard và Nietzsche cả hai đều sống trong cùng một hoàn cảnh đã đưa ra những tư tưởng “mới” của hiện sinh nhưng thời đó những kẻ đứng bên lề đã phán xét, phê bình cho là đi xa với hiện thực; đó là thời bi thảm của lịch sử văn học. Dostoevski viết: ‘Đau khổ là nguồn phát sinh từ ý thức’. Nhưng đau khổ là hiện diện trực tiếp trong mọi hoàn cảnh, không gian và thời gian, tư tưởng đó đem lại ý thức đau khổ. Chính vì thế mà Sartre đã viết lên được phần nào chủ thuyết của mình, dù là giản đơn. Sartre nói: ‘Bên cạnh cuộc đời như bắt đầu nỗi tuyệt vọng không cùng’ Life begins on the other side of despair. Jean-Paul Sartre  tin vào ngày mai hơn là hôm nay, ông cho rằng sự nghịch lý chính là niềm tin La mauvaise foi est foi (trong L’Etre et Néant).

Tiểu thuyết La Nausée được miêu tả một cách chi tiết, bên cạnh đó có cả L’Etre et Néant, L’Imaginaire, Vérité et Existence, Les Chemins De La Liberté I, II, III và Les Mains Sales đều nói lên tư tưởng hiện sinh của ông mà ông là chủ soái một tư tưởng, một lý thuyết quan trọng hơn hết. Khi triết thuyết nầy xuất hiện; ấy là điều như chúng ta tìm thấy được bản chất của nó từ những suy tư về sự vật dưới một cái nhìn khác biệt. Biến mơ hồ trừu tượng đến một thực thể rõ ràng, cụ thể không thể xóa mờ. Tự nó đã hiện hữu giữa thế giới hôm nay cũng như tất cả những điều mà ta nhận ra được. Nhân vật Roquentin vẫn còn đó, có nghĩa là vẫn còn tranh luận donner comme argument que; một cách khá đặc biệt cho một tiểu thuyết hư cấu của Sartre. Đấy chính là sự khám phá những siêu nhiên trong vũ trụ mà chúng ta đang sống và nắm giữ ?

Roquentin trong Buồn Nôn là một thân phận trầm thống, một tệ nạn xã hội cũng như chính bản thân của tác giả. Chúng ta không thể quả quyết  mọi người sẽ hợp thông điều đó hoặc phải suy tưởng những điều như Sartre suy tưởng. Đúng như thế! bởi chúng ta không thể dựa vào những nguồn cơn đó để miêu tả một cái gì mơ hồ như một thứ siêu hình metaphysical mà chúng ta đã tìm thấy qua những từ ngữ, từng nhân vật trong tiểu thuyết của Jean-Paul Sartre. Nhưng ở đây thực tế là làm sao cho ngôn từ được sáng tỏ và hiệu ứng những gì đã chứa đựng cho dù rất ít chi tiết, hay bất luận nơi nào, khi mà chúng ta nhận ra được Hiện hữu và Hư vô thì lúc đó chúng ta nhận thức được những gì Roquentin đã thực hiện. Cái gì mà Antoine nhận thức được là có một đôi phần của bản thân mình trong cuộc sống giữa người và vật. Buồn Nôn là khởi thủy từ sự cảm nhận đích thực giữa nội quan và ngoại quan mà không để lại một dấu hiệu hay kinh nghiệm nào khác hơn. Đôi khi chúng ta phải tránh xa nỗi chán chường bởi những đắm chìm trong vật thể, trong ao ước mà điều đó nằm trong dự tưởng. Nhưng nếu buồn nôn không còn lắng đọng trong tâm tưởng thì chính là lúc chúng ta nhận thức cùng một lúc với thời gian hiện hữu;  bởi buồn nôn ở đây  là do nhận thức từ chúng ta mà ra hoặc đúng hơn do từ bản thể của ta mà ra, không có điều đó chắc chắn chúng ta không thể chìm đắm dưới bất cứ điều gì khác hơn.

Buồn Nôn là phó sản của sinh lý, một cogito” của Decartes, đó là ý thức chìm lắng của bản thể; đưa tới một ý thức buồn nôn. Hữu thức không còn là sự chìm đắm của bản thể, điều đó đã xâm nhập một cách tình cờ, có thể không còn khả năng sáng suốt đối với hữu thể. Bản thể là một liên lạc trực tiếp với thế giới ngoại quan và cũng chìm đắm trong vũ trụ nội quan, giữa hai vị trí đó làm trung gian để vượt qua mọi sự chìm đắm của bản thể. Sartre viết: ‘ Điều đặc biệt mà chúng ta phải ghi nhận rằng mỗi khi không còn đau đớn hay không đạt được yêu cầu mong muốn hoặc khước từ sự thỏa mãn thì đó là hiện hữu’. Do đó nhận thức không ngưng nghỉ và tạo thành một sự sợ hãi bất tận, mà đó là phần tự có. Sartre nói tiếp:  ‘Đây là những gì tôi đã miêu tả dưới bất cứ hoàn cảnh nào của tên gọi là buồn nôn”. This is what we have described elsewhere under the name of nausea. Một tâm thân u tối kéo theo với sự buồn đau điều đó không thể tránh được, mãi mãi bị ám ảnh, phát hiện được qua bản thể và ý thức.

Điều quan trọng được ghi nhận của Sartre; BUỒN NÔN không có nghĩa là thay hình đổi dạng để miêu tả về một thái độ của thế giới quan và không hẳn thái độ đề cao, điều cần thiết được nhắc nhở chúng ta về những cảm giác đó là những phương thức nắm bắt được, đó là những yếu tố cần thiết đã lắng chìm vào sự vật mà mình đang tiếp cận.

* * *

Jean-Paul Sartre (*) một triết gia, phê bình gia, tiểu thuyết gia và một kịch tác gia nắm một vị trí cao cả, ít ai có trong thế giới văn chương Pháp. Hầu hết những văn nhân, độc giả cũng như những nhà phê bình văn học đều nhận định về những tác phẩm của Sartre, đặc biệt La Nausée (Xb đầu tiên 1938) đã thu hút một số lượng khổng lồ về triết thuyết hiện sinh của Sartre như một tư tưởng mới và có một ý nghĩa quan trọng. Ngày nay La Nausée/Buồn Nôn không còn một ai chất vấn hay đặt vấn đề hoặc bình phẩm cho một tiểu thuyết có tính chất siêu lý như thế ở thế kỷ XX; một điều nên nhớ tiểu thuyết hư cấu Buồn Nôn là một tiểu thuyết mang tính hiện thực vừa đương đại vừa hiện thực cho một chủ nghĩa hiện sinh mà Sartre chủ xướng  một cách trung thực và đầy sáng tạo giữa đời này.

Buồn Nôn là một câu chuyện hư cấu nhưng có thực và sống thực qua nhân vật Antoine Roquentin. Tác giả đã làm kinh ngạc người đọc về triết thuyết hiện sinh. Một tiểu thuyết đầy ấn tượng dưới một thể thức nhật ký mà ông đã diễn tả được cái sâu sắc nội tâm của con người, cái ray rứt, cái tàn nhẫn trong sự cảm nhận giữa thế giới với con người dường như xẩy ra quanh đời ông. Tư tưởng của Sartre đạt tới cực điểm và lan tỏa, vượt qua được sức mạnh của cảm giác, tức nỗi đau khổ không cùng của con người đứng trước hiện hữu; tất cả được thể hiện rộng rãi từ dưới thể tính bầy nhầy, nhão quẹt (vicous) trộn lẫn với loãng chất (puddle) của cái thời đầy rẫy bóng tối vây quanh và lan trải như vết dầu loang; những hiện tượng đó là cơ hội dành cho Sartre phát triển chủ nghĩa hiện sinh, mà nhân tố hiện sinh chính là nhân bản, là yếu tố tâm lý và sinh lý giữa hiện thể và hiện vật xẩy ra cùng một lúc.

Buồn Nôn không còn là hư cấu, nó trở nên một luận cứ triết học của học thuyết hiện sinh mà Jean-Paul Sartre là kẻ đưa đường. Tác phẩm  Buồn Nôn  của  ông  đã để lại hậu thế những giá trị tuyệt đối, vượt thời gian qua những án văn chương bất hủ, một phạm trù triết học đầy nhân tính trong thuyết hiện sinh của ông. Jean-Paul Sartre là nhân vật thời thượng qua mọi thời đại của nền văn học sử hiện đại ./.

VÕ CÔNG LIÊM  (stampede day 7/ 2010)

(*) Jean-Paul Sartre.Sanh:1905 tại Paris (Pháp) Mất:1980. Có hơn 100 ngàn người đến dự tang lễ.

-1929 đổ thủ khoa thạc sĩ triết học tại đại học Sorbone (Pháp)

-1964 đoạt giải văn chương Nobel.

-1975/1979 hô hào cứu người vượt biển (boat people) Việtnam tìm tự do.

Ông để lại nhiều tác phẩm gía trị về văn học; gồm có: Bút ký, Khảo cứu,Tiểu luận triết học, Kịch và Phê bình.

SÁCH ĐỌC:

-La Nausée.Editions Gallimard. 1972. Bản Pháp ngữ.

-The Nausea.A New Directions Paperbook. 1964. Bản Anh ngữ của Lloyd Alexander.

-JPS Essays in Existentialism. Citadel Press. 1980 USA.

Exit mobile version