Vĩ Nhất
CẦU VỒNG RỰC RỠ
Chưa bao giờ, họ khát khao được về lại với quê hương đến thế. Và cũng chưa bao giờ, chuyến hành trình hồi hương của họ lại “đáng nhớ” đến vậy.
Mặt trời cuối cùng cũng đồng ý vơi bớt cái nắng chói chang. Sau buổi nghỉ trưa đầy ngắn ngủi, hàng trăm người, có trai, có gái, có già, có trẻ, hay thậm chí là những đứa bé chỉ vừa lọt lòng không bao lâu, tất cả đều gấp rút, phóng đi trên những chiếc xe máy cũ kĩ, tồi tàn. Họ chạy nối đuôi nhau thành những hàng xe dài, chạy theo sự dẫn dắt đi đầu là những cảnh sát giao thông bất khuất, kiên trung.
Họ, đều là những người đang sinh sống trên đất Sài Gòn nhưng vì dịch dã, họ đành phải hồi hương… Họ đang phóng đi vun vút trên những con đường đầy vắng vẻ và hàng trăm con tim lúc này đều chỉ khao khát hướng về Tây Nguyên, nơi họ cất tiếng khóc đầu tiên.
Chạy ròng rã cũng đã hai giờ đồng hồ, ai cũng thấm mệt. Bỗng nhiên, từ phía sau, họ nghe có tiếng còi xe kêu inh ỏi. Chỉ huy đoàn cho các xe chạy chậm lại, ngoái đầu nhìn. Từ phía sau, hơn chục chiếc đang lao lên trước, chạy thành một hàng riêng. Họ nhanh chóng chạy đến bên những người cảnh sát đi đầu.
Ra họ là đoàn thiện nguyện!
Sau khi phân phát quà bánh, nhu yếu phẩm cho bà con, họ xin phép trưởng đoàn được đồng hành chung một tuyến đường. Họ đang đến với Đà Nẵng cũng như các tỉnh thành khác để làm một cuộc thiện nguyện lớn cho đồng bào, hỗ trợ đồng bào chống dịch.
Họ là một đoàn thú vị. Nhất là anh Trọng Hoàng. Vừa nhìn đã biết, anh là một người thích sôi nổi và ưa “cười”. Nhưng sự sôi nổi trong lúc này thì có hợp tình hợp lý không nhỉ?
*
Ánh mặt trời chói chang vừa nãy, giờ lại khuất dần sau những ngọn núi cao phía chân trời. Những đám mây đen đột ngột kéo đến. Cả một vùng trời bỗng hóa âm u. Sấm chớp cũng bắt đầu nổi lên. Trời trở gió…
Điều mà mọi người lo sợ đến ngay trong nháy mắt. Một cơn mưa tầm tã thình lình trút xuống khiến nhiều người chẳng kịp trở tay. Trong phút chốc, cả đoàn xe loạn cả lên. Nơi họ đang đứng là vùng “thiên nhiên” nguyên chất, xung quanh chỉ là những rừng cây chằng chịt nối dài. Họ dáo dác nhìn quanh, chẳng thấy nhà cửa đâu và dường như là chẳng có ai đang sinh sống tại đây.
Mọi chuyện đối với cả đoàn xe lúc này không thể nào tệ hơn được. Các cảnh sát nhanh chóng hỗ trợ mọi người. Nhiều gia đình ba bốn thành viên nhưng lại chỉ có vỏn vẹn một đến hai chiếc áo mưa. Rốt cục, họ phải đứng sát vào nhau rồi cùng đưa chiếc áo chùm lên đầu, quá dễ dàng để mưa gió liên tục bay vào mặt, vào người. Thậm chí, một số bà con về quê một mình còn không có đủ các nhu yếu phẩm… Đoàn thiện nguyện thì có bao nhiêu mang hết ra giúp đỡ cho đoàn xe. Những đứa trẻ sơ sinh nằm trong chăn cùng với mấy cô cậu nhóc tì tầm hai ba tuổi được đưa lên xe cảnh sát ngồi lánh mưa… Rồi cả đoàn nhanh chóng ổn định lại trước trận mưa tầm tã và dữ dội, đồng loạt cho nổ máy và tiếp tục hành trình.
Mưa gió đã làm cho những chiếc xe chạy chậm lại. Rất nhiều. Nhưng, gian nan vẫn chưa chịu dừng lại tại đó.
Khi đoàn xe đã ra khỏi nơi của những rừng cây chằng chịt thì lúc này, trước mắt họ là những bãi đất trống rộng mênh mông. Không nhà cửa, không một bóng người. Tất cả, chỉ có họ.
Mưa càng lúc càng dữ dội. Mặt đất đã bắt đầu ngập trong biển nước. Nước cứ dâng lên, liên tục và nhanh chóng. Chẳng bao lâu đã dâng cao đến đầu gối. Sương mù cũng dần trộn lẫn vào không khí. Cả con đường mịt mù. Thời tiết lúc này thật sự là một thảm họa.
– Nếu tiếp tục đi sẽ rất nguy hiểm, chúng ta phải chờ thôi! – Chỉ huy đoàn nghiêm nghị lên tiếng.
Không mái hiên, không có thứ gì để lánh mưa, mọi thứ đều đang chống lại những con người tội nghiệp kia. Họ chỉ có thể ngồi yên trên xe, hứng mưa, ngước nhìn lên trời mà cầu xin cho mưa bão sớm qua…
Đột nhiên, từ phía xa xa, sau lớp sương mù, lóe lên một ánh đèn pha, đang từ từ tiến lại gần.
*
Một chiếc xe du lịch lớn hiện ra rồi bất ngờ dừng lại khi vẫn còn cách khá xa đoàn người phía trước.
Những cảnh sát lội nước chạy lại. Họ đứng nói gì đó với bác tài, có thể gọi là khá lâu. Từ từ, những người khác cũng tò mò mà kéo đến.
Chiếc xe ấy bị chớp máy. Bác tài khẳng định xe đã bị hỏng nặng, nếu sửa thì phải ngốn rất nhiều thời gian nhưng với tình hình bây giờ thì chắc chắn là không thể. Trong xe chở rất nhiều hành khách. Và tất cả đều là các y bác sĩ. Ai cũng trùm kín cả người, khẩu trang, kính giọt bắn…
Chuyến xe ấy, đang mang trọng trách đưa các “chiến binh” áo trắng đến với đơn vị Dã Chiến Đăk Lăk với thời gian sớm nhất có thể. Quãng đường còn lại chưa đến một trăm cây số thì xe đã nằng nặc đòi “đình công”.
Ai nấy đều thi nhau tìm ra giải pháp thì bên trong xe, đột nhiên có tiếng gọi to:
– Bác tài ơi! Không ổn rồi!
– Gì vậy cậu?
– Bên phía bệnh viện vừa gọi, họ bảo vừa nhận thêm hai trăm bệnh nhân nữa. Nhiều quá bên họ quản lý không xuể. Vả lại, trong đó còn có những ca bệnh đang nguy cấp nữa…
Bác tài vò đầu bứt tóc trước sự cấp thiết của vị bác sĩ. Ông quay sang nói với cảnh sát:
– Các anh cho họ đi xe của các anh được không?
Người cảnh sát tỏ ra áy náy:
– Tôi e là không được thưa ông. Trời đang mưa rất to. Nếu đi ngay lúc này thì sớm muộn gì xe cũng sẽ chớp máy thôi…
– Thế thì sửa ngay đi! Dù sao cũng hết cách rồi!
Một giọng nói lớn, khàn khàn đột nhiên vang lên từ phía sau cuộc trò chuyện. Người vừa nói là một bác già, tầm sáu chục, nhưng tướng tá trông vẫn còn rất sung sức chẳng khác gì những cậu thanh niên mới chập chững ở tuổi ba mươi.
– Sửa ngay trong tình trạng như này? – Bác tài ngạc nhiên hỏi lại.
– Chứ sao!
– Bây giờ mà chui xuống gầm xe thì tôi với anh cần ít nhất là một cái “kính lặn” đó.
Bác già đột nhiên bật cười thành tiếng, rồi bảo:
-Sặc “nước trời” một chút nhưng đổi lại là cứu được mấy mạng người, rạng ngời con cháu tổ tiên quá chú nhỉ?
*
Bác tài lôi từ trong xe ra thùng đồ nghề. Rồi cả hai khẩn trương chạy đến gầm xe.
Người đã đề xuất được sặc nước trời để làm rạng danh tổ tiên là ông Trọng Nhân, ba của Trọng Hoàng. Ông là một tay sửa xe lão luyện. Ngày xưa, ông thi vào khoa kĩ sư ô tô, nhưng năm lần bảy lượt đều “tạch”. Rốt cục, ông quyết định không thi nữa, tự mở một tiệm sửa xe rồi cố gắng tự học, tự nghiên cứu như Thomas Edison hay Henry Ford luôn.
Giờ phút này, dù có khoác thêm bao nhiêu lớp áo mưa cũng chẳng đủ. Họ phải chấp nhận rằng giờ đây họ sẽ là những tay “bơi lội” xuất sắc, nếu cần thiết.
Ông Trọng Nhân soi đèn pin vào trong. Máy móc đã ngập úng nước. Lại thêm tuổi đời “dày dặn”, chiếc xe càng nguy kịch…
Ông quay sang bảo bác tài:
– Hỏng nặng quá!
– Vậy giờ sao?- Bác tài hỏi lại.
– Phải “cấy ghép” thôi!
– Cấy ghép?
– Động cơ chính bị hỏng nặng nhất. Giờ chỉ còn cách tìm một cái khác để thay thế thôi. Nhưng tôi báo trước là những động cơ phụ của chú cũng chẳng kém phần “trời đất ơi” đâu.
– Nhưng lấy gì mà thay thế giờ?
Ông tỏ vẻ khiển trách:
– Lẽ ra chú không nên chọn một chiếc xe cũ thế này làm bạn đồng hành!
Nói rồi, ông quay sang thưa với những cảnh sát:
– Không biết tôi có thể dùng chiếc xe ở kia của các anh để “cứu rỗi” cho “anh bạn” to tướng này không?
Một trong số họ ngạc nhiên chỉ tay về chiếc xe cảnh sát:
– Chiếc ấy ạ?
– Vâng! Nếu các chú cho phép, tôi sẽ dùng động cơ của nó để thay thế nhưng việc này sẽ khiến xe của các chú trở thành một bãi phế liệu.
– Được luôn ạ? – Người cảnh sát trố mắt hỏi.
– Các chú ngạc nhiên là phải. Tôi không biết từ đời cụ cố đến giờ đã có ai làm việc này chưa nhưng vẫn rất đáng thử.
– Nhưng nếu anh thất bại thì chúng ta sẽ càng thảm hơn -Bác tài huơ tay.
– Ít nhất thì tôi đã thử làm điều này một lần rồi, chú ạ! – Nhà “kĩ sư” nói.
– Và kết quả?
– Chú biết không, tôi đã học được rất nhiều điều…
Bác lái xe thở dài ngao ngán. Nhà “kĩ sư” cười nói, đặt tay lên ngực:
– Xin các đồng chí hãy tin ở tôi!
Chẳng còn cách nào khác, tất cả đành thống nhất sẽ thực hiện ý tưởng điên rồ ấy.
*
Chiếc xe hiến “nội tạng” nằm cách xa “bệnh nhân” một quãng rất xa. Người đề nghị cho hai xe đặt cạnh nhau nhưng ông Trọng Nhân lập tức ngăn cản. Ông không muốn vật cấy ghép của mình bị “nhiễm khuẩn” gì thêm nữa. Và ông khẩn thiết cầu xin mọi người hãy giữ nguyên hiện trường này mà hành động.
Anh Trọng Hoàng – con trai ông – cũng nhanh chóng được cha điều đến phân việc. Ông Nhân bỗng chốc trở thành nhà “cầm quyền”. Ông gấp rút vẽ kế hoạch cho những cộng sự của mình, với một tâm thế hết sức nghiêm túc.
Rất nhiều người trong đoàn xe đã biết đến kế hoạch của ông Nhân. Khi chuẩn bị tháo mui xe, để hạn chế tối đa việc máy móc bị ướt, họ dùng ô che giúp ông. Nhưng gió mưa vẫn thoải mái mà tạt vào. Thấy thế, nhiều người đang khoác chiếc áo mưa trên người, liền cởi ra, bất chấp phơi mình dưới bão, cố gắng che chắn như thể chúng chính là những đứa con của họ.
Ông Nhân tháo ra tất cả những gì có thể sử dụng được. Và giờ là lúc phải mang những thứ ấy đến nơi chúng cần đến.
Động cơ ô tô chẳng phải là những vật nhẹ nhàng. Có những bộ phận phải cần đến ba bốn người khỏe mạnh hợp lực mới nhấc đi được một quãng. Nhưng khổ thay là hầu hết những thứ như thế đều cần thiết lúc này.
Làm sao để đưa những thứ này thẳng một mạch đến đó mà chẳng bị ướt?
Đường quá trơn trượt. Chúng thì quá nặng. Quá dễ dàng để gặp sơ suất… Ông Nhân đang tính toán tìm nước cờ tốt nhất có thể thì cả đoàn xe, từ đàn ông thanh niên đến phụ nữ đều đồng loạt đến xin được giúp sức. Các y bác sĩ đang sốt ruột cũng chẳng chịu ngồi yên trong xe, nhanh chóng chạy ra hỗ trợ bà con…
Để tránh ướt, mọi người dùng áo mưa bọc lại đống máy móc thật cẩn thận. Số lượng người hy sinh phơi mình dưới mưa bão bỗng chốc tăng lên, nhìn mà rưng rưng nơi khóe mắt.
Những vật nhẹ thì chẳng nói làm gì. Nhưng hầu hết đều là sự nặng nề. Mọi người cẩn thận chất từng bộ phận lên một chiếc xe máy riêng. Xe không nổ máy hay phóng đi. Người giữ tay lái chỉ có thể dùng chân lội nước, đẩy xe về phía trước, cố giữ thăng bằng nhất có thể. Một vài người lội bước theo sau, bám sát đuôi xe, giữ nhiệm vụ giữ chặt “kiện hàng” ngồi yên vị.
Đến kiện hàng cuối cùng, khi chiếc xe máy chỉ còn cách điểm đến một đoạn rất ngắn thì người giữ tay lái bất ngờ bị trượt chân. Xe lập tức nghiêng ngả, kéo theo sau là sự hốt hoảng của những người hỗ trợ phía sau. Trong tích tắc, họ chẳng thể ngăn nổi việc kiện hàng lệch “quỹ đạo”. Anh Trọng Hoàng cũng nằm trong số đó. Chẳng cần suy nghĩ, anh lập tức bay vào, dùng cả tấm lưng của mình để giữ lại. Kiện hàng ấy chẳng khác nào hàng khối tạ, nó ghì cả tay và và đầu gối anh phải chống sát xuống đất, lưng như bị xé toạc ra làm hai. Bà con hô hoán chạy lại, nước sình nước lầy bắn tung tóe. Những cảnh sát, những người khỏe nhất nhanh chóng gồng mình nhấc khối tạ ấy lên, những người khác tức tốc chạy đến giúp các nạn nhân ngoài ý muốn, các y bác sĩ cũng lập tức có mặt để giúp đỡ cho người hùng Trọng Hoàng…
Chưa bao giờ, thật sự chưa bao giờ, những con người đang có mặt lúc này, khi nhìn lại, họ sẽ chẳng thể ngờ rằng họ đã làm việc, mà quên mất rằng, mưa vẫn đang trút xuống đầy hung tợn…
*
Ông Trọng Nhân cùng những cộng sự vừa tìm được trong đoàn nhanh chóng bắt tay thực hiện ca “phẫu thuật”. Mọi áp lực lúc này đều đổ dồn vào bác già tuổi sáu mươi. Chẳng ai dám tự ý làm gì khi chưa được sự cho phép của ông. Thỉnh thoảng, họ lại có cảm giác mình là một “kĩ sư” hơn là một thợ sửa xe kiếm đồng tích bạc.
Cuộc sửa chữa cấy ghép kéo dài ròng rã suốt hơn một giờ đồng hồ. Hầu như mọi thứ bên trong chiếc xe lớn đều được tháo ra và thay mới. Ai nấy đều đứng bu quanh, hồi hộp chờ đợi. Những lời cầu nguyện lúc này của mọi người hoàn toàn không còn dành cho mưa bão nữa.
– Trời Phật phù hộ, đây là món cuối cùng rồi…- Ông Nhân nhắm mắt, thì thầm.
Nhưng con trai ông, với tính cách đầy sôi nổi, không biết có phải vì muốn củng cố tinh thần cho cha, bèn quay sang mọi người nói to:
– Sao chúng ta không cùng hát thật to để cổ vũ cho họ nhỉ?
Mọi người nhìn chằm chằm anh. Anh nở một nụ cười thật tươi,rồi hào hứng cất lên những câu hát đầu tiên:
Anh ấy, vẫn thầm lặng đấy, mạnh mẽ đôi bàn tay. Đôi mắt luôn hy vọng, khát khao sôi sục, cùng quyết chiến đại dịch…”
Dù nhiều gian nan vẫn thấy anh cười, sức mạnh cho bao người…”
Một tiếng hát khác bỗng len lỏi cất lên trong đám đông. Nhiều người đã bắt đầu đung đưa theo giai điệu bắt tai này, giai điệu của ca khúc “Việt Nam Sẽ Chiến Thắng”. Mỗi lúc một nhiều người cất tiếng hát hơn và lúc này, dù tiếng mưa rơi có hung tợn đến đâu cũng chẳng thể đọ nổi khí thế hào hùng và sôi động của những câu hát:
Việt Nam ta hướng về khát vọng chiến thắng
Ước mơ giữ trong ánh mắt
Dâng đầy tình yêu mãi trong tim này
Việt Nam ta hướng về khát vọng chiến thắng
Tiến lên dẫu mưa dẫu nắng
Đi về cùng nhau nắm tay vai kề…
Những tiếng hát được cất lên, khí thế bừng bừng, chợt tắt hẳn sau thông báo trọng đại của nhóm “kỹ sư”:
– Xong…xong rồi! Sửa xong rồi!
Mọi ánh mắt ngay lập tức đổ dồn về họ. Có hy vọng, có khâm phục… Nhưng kỹ sư trưởng vẫn chưa cho phép bất kì ai được vui mừng lúc này, ông hối hả giục bác tài:
– Chú mau thử máy đi!
Bác tài chuẩn bị đạp phanh. Nhìn chiếc xe thành công tiến về trước sau những cú lăn bánh vững chãi, cả đoàn người vui mừng không thể tả xiết. Đàn ông thì ăn mừng như thể đội nhà vừa đại thắng trên sân khách. Những chị em phụ nữ thì mừng quýnh ôm chầm lấy nhau, rồi bất giác múa những động tác thật buồn cười. Đám loi choi loắt choắt cũng lợi dụng cơ hội này mà dọc nước, chạy nhảy cho nước bắn lên tung tóe… “Việt Nam Sẽ Chiến Thắng” một lần nữa được cất lên, với tất cả mọi người, với tất cả khí thế và một niềm tin đang sôi sục.
Việc này, đối với những con người ấy, có lẽ còn quan trọng hơn cả lúc được về nhà…
*
Đáng lẽ câu chuyện chỉ kể đến đấy thôi! Nhưng vì phần còn lại cứ khiến cho tác giả phải xúc động không ngừng nên hy vọng độc giả sẽ chấp thuận cho truyện được viết thêm một ít nữa nhé!
Sau khi xe được sửa xong, nước cũng bắt đầu rút dần, mưa cũng bắt đầu nhẹ lại. các y bác sĩ tức tốc cho chuyến hành trình cứu nguy được tiếp tục. Trước khi bác tài đạp phanh, ông bị ông Nhân níu lại dặn dò:
– Chú lên đến trển nhớ “liệng” cái xe này đi đó nghen! Lần sau có đi đâu cũng phải kiếm xe cẩn thận.
– Dạ! Cảm ơn anh! – Bác tài cười biết ơn.
– Để chúng tôi tiễn mọi người một đoạn nhá! – Ông Nhân cười nói to.
Không đợi người đáp được trả lời, ông cùng tất cả những người còn lại giắt xe chờ cho họ lăn bánh đi trước. Xe lăn bánh nhẹ nhàng về trước, trước khi phóng đi trên con đường đầy nước.
Các y bác sĩ ngồi trong xe, bất ngờ nhốn nháo khi nghe tiếng hát đồng thanh và vang vọng của bà con:
Trận tuyến này không đạn lửa bom rơi
Đại dịch kia đang đe dọa bao người
Chống lây nhiễm ta bước vào trận chiến
Lên tuyến đầu mặt giáp mặt với hiểm nguy
Những lời thề ta mãi mãi còn ghi
Ngăn thần chết, tất cả vì sự sống
Cho người bệnh sáng lên niềm hy vọng
Luôn tin vào màu áo trắng ngành y…
HÀNH KHÚC NGÀNH Y dõng dạt cất lên, át cả tiếng mưa gió.
Bác tài bắt đầu cảm thấy nghèn nghẹn ở cổ. Ông cố tình cho xe lăn bánh lấy đà thêm một lúc.
Những y bác sĩ cũng hồ hởi không kém. Họ mở toang hết cửa sổ, đưa tay ra vẫy chào những đồng bào thân thương.
Đoạn điệp khúc, cả đoàn xe càng khí thế tợn. Các y bác sĩ cảm động hát cùng. Bác tài vốn dĩ là một người khô cứng, nay lại đồng ý phô ra cái giọng hát thô kệch của mình. Thỉnh thoảng, ông bật cười thành tiếng nhưng mắt thì vẫn cứ ngân ngấn nước…
Ta quý biết bao tình đồng đội sẻ chia
Đã là lương y ta chẳng nề gian khó
Biết bao đêm khuya ta cứu từng hơi thở
Để bao nụ cười lại sẽ nở trên môi
Như tặng cho đời biết bao đóa hoa tươi
Như người mẹ hiền, ta, chiến sĩ ngành y…
Đang hòa mình trong hành khúc đầy sôi động, chợt có một cậu nhóc với gương mặt lém lỉnh, đang ngồi trên vai bố, hét lên thật to:
– Các cô chú bác sĩ ơi! Cố lên!
Những người khác liền hồ hởi hùa theo:
– Các bác sĩ cố lên nhé!
– Các y bác sĩ, hãy cố lên! Tổ Quốc trông cậy vào mọi người!
– Mọi người cố lên! Cố lên! Cố lên! Cố cố cố lên nhé!
…
Nghe được tiếng lòng của những người anh em chung một nguồn cội, các bác sĩ ai nấy đều rưng rưng nước mắt, cổ họng nghẹn ngào và những hàng lệ đã bắt đầu lăn trên má.
Đã đến lúc phải chia tay nhau. Chiếc xe căng máy phóng đi để hoàn tất chuyến hành trình cứu rỗi. Những cảnh sát giao thông nghiêm nghị đưa tay chào với tất cả sự kính trọng. Và tiếp theo là cả đoàn xe. Các y bác sĩ ngồi trên ghế trông thấy cũng lập tức đứng dậy, hướng mắt về chiếc cửa kính sau xe, nghiêm nghị đáp lại.
Đoàn quân y khuất dần sau làn sương mù phía xa xa. Mưa tạnh hẳn. Nước dưới chân đã rút được khá nhiều. Chỉ một lát sau, cầu vồng đã xuất hiện. Nhưng sao lần này nó xuất hiện sớm quá!
Cầu vồng rọi xuống những chùm tia sáng rực rỡ. Nó đến sớm, có lẽ không phải vì cơn mưa đã qua, mà có thể là vì có những điều đã kết nối đến nó, khiến nó muốn được xuất hiện sớm hơn và tuyệt vời hơn mọi lần…
Hồng Nhung đưa bài