Lần đầu tiên, một vở kịch nổi tiếng của cố tác giả Lưu Quang Vũ đã được dàn dựng trên sân khấu múa rối. Vở diễn được đánh giá là một đột phá, với nhiều tìm tòi sáng tạo mang hơi thở đương đại.

Dựa theo kịch bản nổi tiếng của cố tác giả Lưu Quang Vũ, tác phẩm “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (Chuyển thể kịch bản: NSƯT Đăng Tiến, đạo diễn: NSƯT Lê Chí Kiên, thiết kế sân khấu: NSƯT Doãn Bằng, cố vấn nghệ thuật: NSND Hoàng Tuấn, chỉ đạo nghệ thuật: NSUT Chu Lượng…) đã được Nhà hát Múa rối Thăng Long thể hiện lại bằng hình thức nghệ thuật múa rối cạn. Vở diễn sẽ tham dự Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ III.

Ý tưởng dàn dựng một vở kết hợp giữa kịch và rối đã được đạo diễn Lê Chí Kiên nung nấu từ năm 2007. Anh cho biết: “Không có lý do gì để ta không thử một thứ sáng tạo mới. Giờ đòi hỏi của khán giả rất cao, mình không có cái gì mới thì họ không xem”.

“Hồn Trương Ba da hàng thịt” là một tác phẩm sân khấu rất nổi tiếng và từng được dàn dựng ở nhiều loại hình nghệ thuật như: tuồng, chèo, cải lương, kịch bởi nhiều đạo diễn nổi tiếng. Chính sức hút và giá trị nhân văn của vở cùng đã tạo nên một áp lực rất lớn cho đạo diễn Lê Chí Kiên. Do đó, anh cùng ê-kíp đã phải sáng tạo ra một ngôn ngữ nghệ thuật mới ở tất cả các khâu: sân khấu, tạo hình, cách truyền đạt… “Tôi ngồi với Doãn Bằng hai tháng mới ra được ý tưởng “Bàn cờ âm dương”. Một vở kịch luôn có một đời sống, một không gian của riêng nó, vở này cũng vậy” – đạo diễn Chí Kiên kể lại.

Cảnh trong vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Ảnh: Thu Hương.


Không gian chính của “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là một khu chợ. Đó là một không gian hỗn độn nên Chí Kiên đã mở đầu bằng âm thanh của tiếng guốc mộc loẹt quẹt và hòa quyện nó thành một bản nhạc. Đó là cách ê-kíp dựng vở gửi gắm những ý tưởng nghệ thuật, với muốn thể hiện một xã hội tốt đẹp, một xã hội có trên có dưới, có tôn ti trật tự. Khi tiếng guốc đều đều được gõ lên, tức là lúc đó các yếu tố xã hội đã hòa nhập vào nhau và có được một trật tự nhất định.

Cùng âm thanh độc đáo, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” phiên bản rối cạn còn đặc biệt ở chỗ sử dụng rất nhiều chất liệu nghệ thuật sân khấu truyền thống như: xẩm, chèo, chầu văn… Vì thế, vở diễn được đánh giá là vừa mang tính dân tộc lại vẫn có thể truyền tải tính đương đại.

Theo NSND Hoàng Tuấn, điều quan trọng nhất khi dựng vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” trên sân khấu rối là khâu kịch bản. Từ một kịch bản ban đầu gần 100 trang khi dựng thành kịch bản rối chỉ còn 30 trang. Nhà hát Múa rối Thăng Long đã phải lựa chọn những hình ảnh, lớp lang, những cảnh cô đọng nhất để không làm thay đổi ý tưởng, cũng như nội dung của kịch bản cũ. Tiếp theo là tìm cách thể hiện trên loại hình rối cạn.

Khi thực hiện vở rối “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, điều khó khăn nhất là địa điểm tập. Sân khấu được thiết kế công khu với 3 tầng: sân khấu sàn diễn, sân khấu của rối, sân khấu của thiên đình kết hợp hài hòa với nhau thành một khối thống nhất. Cùng đó là hệ thống ánh sáng cũng phải chia thành 3 tầng để có thể phục vụ độc lập từng tầng sân khấu.

Được dàn dựng với mục đích tham gia liên hoan sân khấu thử nghiệm, nên tính thử nghiệm của “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” biểu hiện rất rõ nét. Với các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long, đó còn là việc tự thử thách, tự làm mới chính vở kịch. Và kết quả, tại buổi tổng duyệt vở diễn đã nhận được sự đánh giá cao của hội đồng nghệ thuật.

Nguồn: QĐND (Hà My)

Exit mobile version