Từ năm 2008, tại Paris hàng năm đều tổ chức hội thảo hội họa vì hòa bình. Cây cọ cũng là vũ khí văn hóa để bảo vệ hòa bình và tự do. Từ sau thảm sát tuần báo hí họa Charlie, hội thảo càng thu hút sự quan tâm của nhiều họa sĩ trên thế giới.


Hội “tranh vẽ vì Hòa bình” do họa sĩ Plantu cùng Kofi Annan (Tổng thư ký thứ 7 tại Liên hiệp quốc) sáng lập năm 2006. Nhờ tiếng nói của Kofi Annan, và tên tuổi của Plantu, hội lần đầu tiên đã thành công tập hợp các họa sĩ thành hội “tranh vẽ vì hòa bình” và bầu Plantu làm chủ tịch.


Plantu tên thật là Jean Plantureux, sinh năm 1951 tại Paris, ông là họa sĩ hí họa nổi tiếng cho báo “Thế giới” (le monde). Ông giành được nhiều giải thưởng về minh họa báo như giải “Tư liệu quý” tại Lễ hội Scoop ở Angers khi ông thu thập được nhiều chữ ký giá trị trong một bức tranh.

 

Logo của hội “Vẽ vì hòa bình” dựa trên hình chim bồ câu ngậm cành nguyệt quế của Piscaso. Cành nguyệt quế tượng trưng cho sự xanh tươi và vĩnh cửu, luôn được kết thành vòng để tặng cho người chiến thắng trong các cuộc thi thể thao Olympique từ thời Hy lạp La mã. Trong logo, đó là một con chim bồ câu với đôi cánh cầm bút chì vẽ vì hòa bình. Hai bức tranh chim hòa bình của Piscaso luôn được đưa ra như ý tưởng chính của hội.


Chim hòa bình của Piscaso

 

Chim hòa bình giúp giã từ vũ khí (Piscaso). Hàng năm hội này triển lãm những bức  tranh vẽ khát vọng hòa bình.

Bức tranh thể hiện những người lính quẳng vũ khí để đón những quả trứng vàng từ chim bồ câu. Giã từ vũ khí, gieo mầm hòa bình.

Chim bồ câu đang cố bay lên trên tang tóc. Hận thù, chiến tranh hãy xóa bỏ,  những người lính bắt tay nhau vì hòa bình.

Đừng bắt hòa bình phải khoác mũ áo chỉnh tề nặng quá không bay xa được. Hãy để chim tự do cất cánh.

Hãy phóng sinh, thả tự do cho chim như để tự do biểu cảm, tự do tung cánh, nhưng là tự do vì hòa bình của nhân loại.

Hòa bình trên trái đất mà mọi người luôn nhắc đến chỉ là cái bóng ảo đâu phải là sự thật?

 

Xóa bỏ hiềm khích tôn giáo, những bàn tay xiết chặt như cánh chim hòa bình.

Plantu đã hí họa trên báo “Thế giới”, khi những giải pháp hòa bình ở Trung cận đông của một số người chỉ là ảo tưởng. Ông đã giễu bằng câu tôn giáo đoàn kết và minh họa hình ảnh hai người lính Do Thái và Đạo Hồi khoác vai nhau cười, chim hòa bình nằm chỏng vó và cành nguyệt quế văng ra.

Hội “Tranh vẽ vì hòa bình” còn tổ chức cho các trường tham gia vẽ vì tự do và hòa bình. Nhiều trường trung học khắp nơi tham gia.

 

 

Mofrey đã vẽ con chim hòa bình trên khẩu súng đầy ý nghĩa được đánh giá cao. Đừng hiểu nhầm tâm hồn người lính. Họ không phải người khát vọng bạo lực, chiến tranh, chém giết. Người lính cũng chỉ là người dân bình thường. Họ cũng khát vọng hòa bình, khát vọng sống bình yên trong tình yêu bên cạnh người thân, gia đình. Họ buộc phải cầm súng vì không còn cách nào khác để bảo vệ hòa bình như lời một bài hát của nhà thơ, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền ở Việt Nam. Bài hát này đã được cán bộ, chiến sĩ quân đội và nhiều người dân yêu thích: “Dù rằng đời ta thích hoa hồng/ kẻ thù buộc ta ôm cây súng”. Tranh vẽ hài hước khi chim hòa bình ị trên nòng súng. “Hòa bình sợ vãi ra” hay chim hòa bình coi thường vũ khí, khinh rẻ chiến tranh…

Để tưởng niệm một năm thảm sát tuần báo hí họa Charlie, tại quảng trường Cộng Hòa Pháp (Paris) gần nơi nhà hát Bataclan bị thảm sát, những người yêu chuộng hòa bình vừa trồng một cây sồi tại đó và nhiều văn nghệ sĩ sẽ đến tham gia biểu diễn vì tự do và hòa bình.

Hòa bình, tự do là khát vọng của nhân loại. Cây cọ, ngôn ngữ, âm nhạc, thơ ca, văn chương… là những  vũ khí nghệ thuật hữu hiệu không khói súng và máu. Họa sĩ cũng như văn nghệ sĩ toàn thế giới kết đoàn dấn thân đấu tranh để bảo vệ lý tưởng tự do hòa bình.

(Viết nhân dịp kỷ niệm một năm thảm sát tuần báo hí họa Charlie)

 

Theo TS.Trần Thu Dung (từ Paris) – Hội Nhà văn Việt Nam

Exit mobile version