XUÂN TRƯỜNG

Một góc hội hoa Xuân Quan.
Rất ít thấy bóng dáng công an hay bảo vệ đeo băng đỏ, nhưng trong suốt mấy ngày diễn ra lễ hội hoa ở Xuân Quan (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) không hề thấy diễn ra cảnh giẫm đạp lên hoa, bẻ hoa, ngắt cành, dù có ngày đến hàng vạn người đổ về xem. Rồi những bàn trà, tất nhiên miễn phí, có ở tất cả các nhà vườn, mời du khách dùng trà, thưởng hoa.
Ngày hội tri ân khách hàng

Trong những vùng hoa quanh Hà Nội, Xuân Quan sinh sau đẻ muộn nhất, tới năm 2000, cây hoa mới chỉ “lấp ló” trên vài mảnh vườn. Trồng rồi nhưng cũng không biết bán, phải “nhờ” người nơi khác bán hộ. Phải từ năm 2015, nghề trồng hoa mới thật sự khởi sắc, để phát triển theo cấp số nhân. Đến nay nhiều người đã đánh giá “Xuân Quan là vùng hoa lớn của miền bắc”, doanh thu mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng. Thậm chí hoa Xuân Quan đã chở ngược lại Đà Lạt.

Trong những bước đổi thay chóng mặt của nghề trồng hoa, cây cảnh ở Xuân Quan, nhiều người có thể kể ra như: Không giấu dốt, chịu khó học hỏi, tìm cái mới, “cầu cạnh” với các nhà khoa học… Còn có một… bước tiến nữa: Đoạn tuyệt với “cuộc chiến mặc cả”.

Người ta hay nói khách hàng là thượng đế, câu nói hay nhưng “thượng đế” nhiều khi cũng dễ tính, chỉ mong khỏi bị hớ khi mua hàng. Ở phía ngược lại – người bán hàng – Lê Minh Liêm, cũng là một “máu mặt” ở làng trồng hoa cây cảnh Xuân Quan rất thật: “Ngại phải mặc cả lắm, cái lưỡi mình cứ đơ ra, nói quá một tí thấy sượng sượng mặt… mệt!”, Liêm chốt: “Dân Xuân Quan mình vụng về đường buôn bán, thôi bảo nhau học thêm cái “dại”… bán sao nói vậy, cho nhanh, còn dành thời gian chăm cây”. Học cái “dại” trên thương trường, thiệt mình một tí nhưng lợi cho khách đủ đường, đây chính là cái căn cốt để Xuân Quan hút khách, tăng trưởng theo… tháng.

Lễ hội hoa năm nay, cũng là lần đầu, sức dân là chính, nhà nước hỗ trợ 700 triệu đồng, chiếm chừng 5% tổng chi phí, đúng như cái cần câu, còn của dân: Hoa của dân, công của dân… từ trang trí, bảo vệ, tiếp khách… cả những bàn trà đầy mộng mơ giữa vườn hoa. Ông Lê Văn Nghị ở thôn 9, xã Xuân Quan thống kê: “Mới ba ngày nhà mình pha hết ba cân chè Thái. Chè Thái xịn, người ta ở xa, đến đây có chén nước, phải mời cho tử tế”.

Thâm sâu hơn chút, ông Phan Ngọc Oanh – Chủ nhiệm CLB hoa lan xã Xuân Quan nói: “Dân Xuân Quan chúng tôi trước đây đều “làm theo tai”, nghe đồn thấy người ta làm thì theo, kiểu thấy người ta ăn khoai vác mai đi đào, nghèo khó mãi, giờ làm bằng mắt, bằng trí não, tự mở con đường riêng, như sự cùng tắc biến. Trong thâm tâm mỗi người dân biết ơn lắm lắm khách hàng. Khi địa phương có chủ trương mở hội hoa, người dân hưởng ứng nhiệt liệt, kể cả không được bán, chỉ bày xem, để “khoe một tí”, cũng như để “báo cáo”, để tri ân với khách hàng – những người chủ đích thực tạo dựng lên vùng hoa Xuân Quan”.

Du lịch làng hoa – tại sao không?

Chứng kiến dòng người đổ về hội hoa Xuân Quan (16 đến 22-12), không ít người đã đắt ngay ý kiến: Xây dựng làng hoa kết hợp du lịch. Ý kiến này không phải tát nước theo mưa, cũng không phải thấy bở thì đào mãi. Mấy năm gần đây, làng hoa Xuân Quan đã quen tiếp du khách: Chơi, ngắm hoa, mua hoa lẻ, chụp ảnh… Nhất là những dịp xuân về Tết đến, khách đến đúng là hội. Xuân Quan đã chuyển mình để tiếp cận với nghề trồng hoa, thành vùng hoa, thành trung tâm hoa cây cảnh của miền bắc. Tiền đề cho vùng vui chơi giải trí cuối tuần cho dân Hà Nội đã có sẵn, bởi mênh mông rừng hoa. Vẫn thiếu, nhất là các hoạt động dịch vụ – kiếm được ly cà-phê pha phin ở Xuân Quan không dễ đâu! Vườn hoa nhiều nhưng những “vườn hoa học đường” cho trẻ em, học sinh, sinh viên và cả người lớn học cách trồng chăm sóc hoa thì chưa có.

Nhưng những cái thiếu này, mở ra sẽ có người làm, cũng từ dân thôi. Ông Phạm Văn Tuân, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Quan đánh giá: “Xuân Quan mình có hai cái lợi: Thứ nhất cận đô, thứ nhì dân chịu khó năng động, còn lại thì khó nhiều. Đất rất chật, khí hậu cũng không có gì lợi thế cả, chọn cây hoa nhưng trầm tích về nghề thì coi như con số không, chung quanh người ta đã đi trước hàng chục, hàng trăm năm, khó nhiều bề. Chủ trương của địa phương phải lấy chữ “nhân hòa” làm trọng. Ở Xuân Quan chúng tôi ủng hộ, tạo điều kiện đến tối đa cho các mô hình, các mối liên kết từ nhóm, tổ, hợp tác… Mình đưa ra cơ chế, còn dựa vào sức dân. Hội hoa hôm nay khẳng định rễ cây hoa đã bén chặt trên đất Xuân Quan, cũng là một bước ngoặt. Nếu hôm qua chúng tôi dựa chính vào nội lực, thì ngày mai sẽ thêm trí tuệ, sức mạnh từ mọi nơi, cả trong và ngoài nước. Xuân Quan thành “vùng” hay “trung tâm” chưa thể khẳng định nhưng có thể tin”.

Những ngày cuối của lễ hội, các hộ dân đã đề nghị giữ nguyên không gian hội hoa đến hết Tết Nguyên đán. Mọi việc đang được bàn thảo nhưng theo “truyền thống” nguyện vọng này chắc chắn được đáp ứng và cái hội hoa là lạ, đan xen giữa hội làng với hội chợ sẽ kéo dài. Để người dân Thủ đô có cơ hội chiêm ngưỡng rừng hoa đẹp, có cơ hội mua hoa đẹp nhất với giá thấp nhất cho mỗi ngôi nhà của mình dịp xuân về.

Nguồn: Báo Thời Nay

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version