Họa sĩ Nhật Bản Saeko Ando: Chảy nước mắt vì sơn Ta
MAI THÀNH DŨNG
Chia sẻ với Thời Nay của họa sĩ Saeko Ando (ảnh), một người Nhật đã 22 năm gắn bó với Việt Nam và với tranh sơn mài Việt. Saeko bộc bạch, chị yêu sơn mài Việt như yêu nước Việt và coi sơn Ta như máu của mình.
Phóng viên (PV): Theo chị, có những khác biệt nào giữa sơn Ta và sơn của Nhật?
Họa sĩ Saeko Ando: Nhựa từ cây Urushi ở Nhật rất bóng, rắn, mau khô nên nạm vào kiếm, ấm, chén… rất hợp, còn vẽ tranh thì không được. Sơn Ta cho ra nhựa rất trong, lâu khô, kết dính, dễ mài. Không thể sánh với sơn Nhật khi dùng làm hàng mỹ nghệ, nhưng sơn Ta vẽ tranh thì không chất liệu nào sánh bằng. Tôi nghĩ từ hàng mỹ nghệ đi đến tranh sơn mài là sáng tạo của họa sĩ Việt, nhưng đấy cũng là quy luật phát triển nội tại của chính chất liệu sơn Ta. Sơn Nhật tạo hoa văn, sơn Ta tạo ra cả thế giới nghệ thuật.
PV:Hiện, sơn công nghiệp rất được thịnh hành trong vẽ tranh sơn mài. Theo chị, đâu là khác biệt giữa sơn Ta và sơn công nghiệp?
Họa sĩ Saeko Ando: Tranh từ sơn công nghiệp qua thời gian sắc mầu dễ bị lão hóa; tranh từ sơn Ta qua thời gian càng bền. Tôi kể bạn nghe, tôi có bán cho một chủ café ở Hà Nội một bức tranh sơn mài vẽ con khỉ bằng sơn Ta. Mỗi ngày, quá trình oxy hóa từ không khí đầy hơi người cũng làm tranh biến đổi chất mầu. Tám năm sau trở lại, tôi thấy con khỉ trong tranh có một sắc mầu khác ban đầu, huyền ảo khó diễn tả bằng lời, tựa bức tượng gỗ trong những ngôi chùa ở Nhật, qua ngàn năm sắc gỗ trở nên cổ xưa hơn, tôi gọi đó là mầu thời gian.
Sơn công nghiệp có tiện lợi mau khô, màu sắc sặc sỡ… nên rất dễ để vẽ. Sơn Ta như một cô gái đỏng đảnh khó tính vậy. Từ việc phải dự báo thời tiết chọn thời điểm vẽ để sơn mau khô, đến việc trộn sơn, xếp lớp sơn, mài… là cả một quá trình tuy khó, nhưng sống động mà nghệ sĩ sống trọn vẹn cảm xúc vui buồn thấp thỏm âu lo vỡ òa cùng sơn Ta.
Một số tác phẩm tranh sơn mài của Saeko Ando.
PV: Trải nghiệm nghệ thuật của chị với sơn Ta như thế nào?
Họa sĩ Saeko Ando: Sơn Ta đã dành một “khoảng trống nghệ thuật” để tôi sáng tạo, thì chính tôi cũng phải dành cho sơn một khoảng lặng để sơn nói lời của sơn, để sơn hiểu mình, mình hiểu sơn, để sơn và mình thành đôi tri kỷ. Và thế, sơn Ta với mọi đặc tính của nó ảnh hưởng đến ý niệm nghệ thuật của tôi, từ mầu sắc, kết cấu, đề tài. Mỗi bức tranh của tôi là lời thủ thỉ của tôi và sơn. Câu chuyện nghệ thuật của tôi cũng là câu chuyện của sơn Ta.
Vẽ xong một bức tranh, nếu còn sơn thừa tôi sẽ đem trang trí lên những vật dụng; hay kết hợp những mầu thừa lại với nhau, đôi khi cho ra những cảm hứng và kỹ thuật không ngờ được. Đó là tinh thần Mottainai của người Nhật, mà cũng vì tôi quý mầu sơn Ta quá, không muốn phí phạm chút nào, coi sơn là máu của mình.
PV: Chị yêu Việt Nam cũng bởi yêu mầu sơn Ta, yêu sơn mài Việt?
Họa sĩ Saeko Ando: Tôi nghiện nước mắm, thích ăn bún ốc, thịt chó… Tôi nói tiếng Việt như người Việt. Tôi định cư ở Việt Nam. Tôi đã đi nhiều nơi nhưng Việt Nam là chốn trở về, nơi tâm hồn tôi cảm thấy được tự nhiên nhất, và sơn mài Việt cho tôi một thăng hoa cao nhất.
Với tranh sơn mài, từ khâu làm vóc, phác thảo ý tưởng, phủ sơn, mài hoàn thiện…, tôi đều rành rọt. Hơn 20 năm tại Việt Nam là hơn 20 năm tôi miệt mài cùng sơn mài. Học từ họa sĩ, học từ nghệ nhân sơn mài. Học kỹ đến độ quay phim, chụp ảnh, ghi hết các bước, ghi lại cả cảm giác của mình trong mỗi công đoạn… Tôi yêu nước Việt như yêu tranh sơn mài vẽ bằng sơn Ta vậy.
Đến bây giờ tôi vẫn mua sơn từ một người nông dân ở Phú Thọ. Tôi yêu mầu sơn Ta bằng tất cả những gì mình có, yêu từ cái tên giản dị của nó. Nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam mới có gần 100 năm nay thôi, nghĩa là nó đang phát triển và hoàn toàn có thể trở thành một giá trị Việt mà người Việt tự hào với thế giới. Để làm được điều này, trách nhiệm nằm ở các họa sĩ Việt.
Trong một triển lãm tranh ở Trung Quốc, tôi vô tình xem được một bức tranh sơn mài của một họa sĩ Trung Quốc, bèn hỏi họa sĩ ấy học kỹ thuật mài từ đâu, họa sĩ nói học từ người Việt. Tôi rưng rưng nước mắt.