Tôi vừa từ vườn tháp Chăm Pô Sha Inư về lại Phan Thiết, thì có người bạn gọi điện nói, nếu tiện nên rẽ vào thăm vườn tượng của Hồ Thái Thiết. Anh ta giải thích đến đó, tôi sẽ gặp một hơi thở Chăm mới và sẽ được nghe những âm thanh vang lên từ những mặt trống Pa ra nưng bằng đá.
Đó là những bức tượng cùa nhà điêu khắc Hồ Thái Thiết, chi Hội trưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam ở Bình Thuận. Anh cũng là người, bấy lâu nay đã dành nhiều tâm huyết đến với những hồn cốt văn hóa, và đời sống tâm linh của dân tộc Chăm, để học, để ngẫm ngợi suy tư và cùng hát lên những nhạc điệu kỳ bí qua những hình khối của đá và thể hiện bằng những hình tượng gây xúc động lòng người…
Họa sĩ Hồ Thái Thiết trong vườn tác phẩm Chăm của anh
Một phong thái Chăm thứ thiệt
Tôi bỗng nhận ra điều này ngay từ khi gặp nhà điêu khắc Hồ Thái Thiết, ở anh có nét gì đó giống như Chăm mà tôi đã từng gặp; một Inrasara lạnh lùng, dị biệt nhưng lại cuồng nhiệt đến nóng bức qua những câu thơ, hay một Đàng Năng Thọ trầm buồn và đầy khắc khoải qua những bức tượng đá Bầu Trúc. Rồi sau đó, khi lạc vào vườn tượng của anh, tôi lại hình dung anh còn là Chăm trong âm nhạc, với những nỗi buồn mang hình dáng Chế Linh và Từ Công Phụng, qua những bài ca đầy nỗi niềm của thân phận tha hương. Có lẽ anh là thế nên mới có một vũ điệu của bức tượng “Ngẫu hứng”, miêu tả hai nhạc công biểu diễn trống Ghi năng và Ba ra nưng, tạo nên sự huyền ảo và rạo rực qua dáng điệu nghệ sĩ. Ở đó là những âm thanh đầy mê hoặc lòng người, bay bổng trong cõi vô thường.
Anh từ tốn, khiêm nhường và khi ngắm lại những đứa con tinh thần của mình, bao giờ ánh mắt cũng sáng lên một niềm vui rất Chăm, đó là sự hân hoan được giấu kín. Anh giới thiệu và gọi tên từng tác phẩm; đây là “Nét Chăm”, còn đây là “Hoa của đất”, hoặc đó là “Thì thầm” và kia là “Tình ca làng Gốm”… Thấy tôi đứng lặng bên bức tượng “Đội nước”, anh mới giải thích vì sao anh có tác phẩm đầu tiên này. Đó là nét sinh hoạt quen thuộc nhất của người Chăm, sống ở gần quê anh, vùng huyện Tuy Phong. Vì là người dân miền biển, nên anh hết sức chia sẻ và thương cảm với sự thiếu thốn nước ngọt, trong những vùng sa mạc cát của đồng bào Chăm nghèo khổ. Hình ảnh những người phụ nữ và trẻ con đi lấy nước hàng ngày, hiện lên trong nắng gió đồi cát, luôn luôn day dứt tâm hồn anh. Bóng họ đổ dài trên cồn cát, trong cái nắng chang chang như đổ lửa, tạo nên những cảm xúc khó tả, thế là chỉ trong một ngày đầy nắng và gió, trong mảnh vườn này, anh đã tạo nên hình ảnh hai mẹ con đội nước với một niềm vui trào dâng trong lòng, vượt qua những khó nhọc và ưu tư của cuộc đời, để đến với những hy vọng và tình yêu đang chờ đợi ở phía trước.
Anh kể, từ bé đã làm quen với hình ảnh Chăm, nên cái hồn cốt của những câu ca và những vũ điệu trong ngày lễ đã ám ảnh mình một cách vô thức. Còn sau này, ngay từ khi mới tốt nghiệp trường Mỹ thuật Sài Gòn, vào thời điểm trước ngày giải phóng 30-4-1975, về quê làm ruộng thì anh đã có dịp sống và tìm đến với văn hóa Chăm một cách có ý thức và mang nhiều sự đồng cảm từ trong lòng. Anh có những người bạn Chăm từ đó và biết bao điều mới lạ nuôi dưỡng trong tâm hồn. Những câu thơ của Inrasara luôn luôn ám ảnh trong anh những hình tượng khó quên: “Quỳ gối trước mặt trời thức giấc buổi sớm mai/ tạ ơn chén cơm đói lòng, điếu thuốc hút dở/ tạ ơn dòng sông mơ hồ chảy qua tuổi nhỏ/ tên ngọn đồi, cánh rừng trong mơ chợt vang lên/ tạ ơn bước chân hoang, trái tim lầm lạc…”. Đó là trường ca “Lễ tẩy trần tháng Tư”, mang dấu ấn Chăm sâu sắc, giúp cho Hồ Thái Thiết tạo nên nét thâm trầm, hoang dã, nhưng lại rất rạo rực qua những hình tượng. Chúng đã được tạc nên qua thời gian được chiêm nghiệm với Chăm. Nói đến điêu khắc của Hồ Thái Thiết là nói đến Chăm, với những điệu thức của đá qua “Cầu nguyện”, qua “Lên tháp”, qua “Nối nghiệp” và “Tình ca làng Gốm”… Và trong số này, tác phẩm “Hoa của đất” đã đoạt Giải nhất trong triển lãm của Hội Mỹ thuật Bình Thuận, năm 2004. Và sau đó liên tục là những giải thưởng cho “Ngẫu hứng” 2007, và “Nét Chăm” năm 2008. Riêng tác phẩm “Đội nước”, điểm khởi đầu cho đề tài Chăm của anh đã đoạt liền hai giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam và giải Văn nghệ Dục Thanh của tỉnh Bình Thuận vào năm 1998. Nếu tính cho đến nay, kể cả giải A của Hội Mỹ thuật Việt Nam cho tác phẩm “Trầu cau” năm 2001, thì anh có tới 9 giải thưởng, trong đó là 8 giải dành cho Chăm.
Hồn vía Chăm qua những tượng đài chiến thắng
Có thể nói, những tiếng lòng của Chăm trong hình tượng mà Hồ Thái Thiết tạo dựng nên có những nét riêng, khác hẳn với những tác giả Chăm khác, đó là sự chuyển động và tạo nên những âm thanh được gợi mở cho sự tưởng tượng của người xem. Với những tác giả khác thì càng trầm tĩnh, triết lý hay trừu tượng bao nhiêu, thì tượng của Hồ Thái Thiết càng uyển chuyển với những giai điệu biểu hiện riêng. Với những tác giả khác thiên về chiêm nghiệm, suy tư đơn lẻ, thì Hồ Thái Thiết lại bày tỏ lôi cuốn hơn bởi những tín hiệu cho cụm hình tượng. Chính vì thế tượng Chăm của anh thường có ít nhất hai nhân vật trở lên.
Anh nói, có lẽ ngay từ khi còn bé anh đã lăn lộn trên cánh đồng muối với gia đình, để mưu sinh. Đó là một cuộc sống đòi hỏi sự cộng đồng của nhiều người, nhật là những ngày cào muối trong cái nắng cháy bỏng của biển cả. Rồi còn nữa, đó là những cuộc rượt đuổi với thời tiết, mưa nắng thất thường, nên với muối là sự náo nức của sự chung tay, góp sức để cùng sẻ chia miếng cơm manh áo, do đó con người không thể đơn độc mà luôn nương tựa vào nhau. Chính vì thế nên điêu khắc của anh thường có kết cấu của một cụm tượng.
Cùng với đó, trong đời sống Chăm mà anh đi sâu tìm hiểu và đã từng sống với người Chăm, cũng đã thể hiện sự cộng đồng này, bởi sự nghèo đói, đứng trước những thiên tai và hoàn cảnh khắc nghiệt. Cộng đồng người Chăm bao giờ cũng bảo vệ nhau để tồn tại và giữ lại những gì mà họ đã bị thời gian và lịch sử làm trôi dạt và bị mất mát hình ảnh một thời huy hoàng nhất. Do vậy chất Chăm ấy đã gây dấu ấn trong những tác phẩm của Hồ Thái Thiết, ngay cả trong những tượng đài lịch sử và chiến thắng, mà anh thiết kế cho tỉnh.
Có thể nói anh là người có số cụm tượng đài, phù điêu mang tính lịch sử nhiều nhất trong tỉnh Bình Thuận hiện nay. Đó là tượng đài “Chiến thắng dốc Hội Long”, đặt ở ngay quê hương cách mạng của anh ở xã Chí Công, huyện Tuy Phong, Bình Thuận, có bố cục với ba người chiến sĩ trong tư thế chiến đấu và quyết tử vì quê hương. Hay đặc biệt là cụm “Tượng đài kỷ niệm” đặt ở Phan Rí Cửa. Đây là cụm tượng cao 10,30 mét, gồm 4 nhân vật, nổi bật hình tượng gười thanh niên bồng xác mẹ, ghi lại dấu ấn tội ác của giặc Pháp khi đã mở một cuộc tàn sát đẫm máu, làm 300 người chết, trong một cuộc chiến đấu không cân sức của những người dân bảo vệ quê hương. Còn nữa, đó là tượng đài “Chiến thắng Ngã Hai” được dựng tại nghĩa trang của tỉnh, hay tượng đài “Giao liên” đặt ở ngay Bưu điện thành phố Phan Thiết… Ấy là chưa kể, anh còn có tác phẩm hiện đang được bày ở Đà Lạt, đó cũng là một tượng múa Chăm. Vừa qua, trong một cuộc Triển lãm tranh của tỉnh Bình Thuận, chuyên về dân tộc Chăm, tượng của anh cũng có dấu ấn riêng về cộng đồng người Chăm qua những sinh hoạt và lao động của làng nghề gốm truyền thống hàng trăm năm.
Vẫn là một phù điêu múa Chăm
Khi hỏi về những dự định sáng tác trong năm, Hồ Thái Thiết nói ngay hai từ: “Chăm thôi”. Rồi anh hồ hởi nói về hình ảnh đang bay bổng trong ký ức khó quên, về những vũ điệu Apsara, mà anh đã phác thảo ban đầu, nhưng đã dâng trào cảm xúc. Đó là nét huyền diệu qua những đường cong kỳ ảo của người con gái làng Chăm. Ấy là khi nét khắc họa của Hồ Thái Thiết đã thổn thức với tiếng kèn Sa ra nai cháy lên như ngọn lửa. Đó là ý tưởng về bức phù điêu múa Chăm.
Anh ngừng lại sau những giây phút thăng hoa với hình tượng vũ điệu của mình rồi nói thật thà rằng, mình tuổi Sửu mà, nên phải cày thôi. Đó là công việc nặng nhọc với những khối đá, và đó còn là máu và lửa khi vung những nhát búa đầu tiên để tạc nên những góc khuất đường đời. Tôi hình dung, đúng như anh nói, với hình ảnh một con trâu đang cày trên thửa ruộng, mà anh là một nghệ sĩ cả một đời cầy trên cánh đồng Chăm, không ngơi nghỉ. Và, khi ấy chung quanh anh, những giai điệu cuồng say nổi lên cùng những giọt mồ hồi rơi xuống, như những giọt thời gian đang tan theo năm tháng. Nhưng hiện lên, trong bụi mù và sương khói đó, là bóng dáng những vũ nữ uyển chuyển, xòe những ngón tay, nghiêng nghiêng thân hình theo tiếng kèn thổn thức Sa ra nai.
Vương Tâm
(Trích tập “Nước mắt thời gian”)