Những hình ảnh dưới đây sẽ khiến người xem cảm thấy xót xa cho tuổi thơ của những em bé tị nạn. Sự nhọc nhằn vất vả cùng ám ảnh sợ hãi hiện diện ngay cả trong giấc ngủ của những đứa trẻ đáng lẽ đang ở “tuổi ăn, tuổi lớn”.

Khi bức ảnh về em bé Syria – Aylan Kurdi – bị chết đuối trên đường cùng cha mẹ vượt biển đi tị nạn gây chấn động dư luận thế giới, nhiều người đã tự nhủ rằng cậu bé Aylan chỉ đang ngủ thôi, bởi hình ảnh em nằm sấp trên bãi biển, chân tay xuôi dọc thân mình, mắt nhắm nghiền… khiến người ta muốn tin em chỉ đang trong một giấc ngủ rất say, nhưng là một giấc ngủ miên viễn.

Sau khi bức ảnh xuất hiện trên phương tiện truyền thông nhiều nước và làm rúng động nhân tâm, đã có nhiều người thực hiện những bức tranh họa lại hình ảnh Aylan đang say ngủ, nhưng lần này, em được ngủ dưới những mái nhà ấm áp, cùng lời kêu gọi khẩn thiết: Hãy cho Aylan và những em bé như Aylan một mái nhà, một giấc ngủ yên bình, không còn sợ hãi.

Vậy thực tế, giấc ngủ của những em bé tị nạn Syria như thế nào? Những bức ảnh dưới đây sẽ khiến người xem cảm thấy nhói đau thêm một lần nữa…

Cậu bé Sham 1 tuổi đang nằm ngủ trong vòng tay mẹ ở biên giới giữa Áo và Serbia.

Dù đã 20 tháng tuổi, nhưng cậu bé Amir vẫn chưa thể nói bất cứ một từ nào, giờ đây, khi đã tới được Lebanon, cậu bé cười nhiều hơn, nhưng mẹ của cậu tin rằng con trai mình đã bị những tiếng bom nổ, tiếng la hét hoảng sợ gây chấn động và làm ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường.

Cô bé Iman 2 tuổi nằm trong bệnh viện ở Jordan sau khi bị viêm phổi trên đường đi tị nạn. Trước đây, Iman từng là một đứa trẻ khỏe mạnh, vui vẻ, nghịch ngợm, nhưng giờ đây, mẹ của Iman cho biết, con gái chị ngủ li bì suốt ngày.

Cô bé Fara 2 tuổi đang nằm trong một căn lều tạm bợ ở Azraq (Jordan).

Giấc ngủ của Juliana 2 tuổi.

Abdullah 5 tuổi đang ngủ trên một tấm đệm lem luốc ở phía ngoài nhà ga tại thủ đô Belgrade (Serbia). Abdullah là một cậu bé nhiều bệnh tật, ở quê nhà Daraa (Syria), cậu đã phải chứng kiến những cảnh bạo lực và cả cái chết của chị gái. Tới giờ, khi mẹ cậu không còn tiền để mua thuốc cho con, Abdullah thường gặp ác mộng khi ngủ vì nhớ lại những gì đã qua.

Cậu bé Moyad 5 tuổi và mẹ đang đi ngang qua một khu chợ thì bất ngờ một chiếc xe ô tô đậu bên đường phát nổ. Mẹ của Moyad đã bị thiệt mạng. Cậu bé bị trúng những mảnh bom ở đầu, lưng, và xương chậu. Dù bị thương nhưng Moyad vẫn cùng người thân đi tị nạn ở Amman (Jordan), giờ đây cậu bé đang được điều trị những vết thương cũ.

Cô bé Tamam 5 tuổi vẫn thường nhớ lại những cuộc không kích xảy ra ở quê nhà – thành phố Homs (Syria). Những điều này gây ám ảnh giấc ngủ của Tamam. Dù đã được tị nạn ở Azraq (Jordan) 2 năm nhưng Tamam vẫn không thể quên đi nỗi sợ đã từng cùng em chìm vào giấc ngủ khi còn ở Syria.

Cô bé Walaa 5 tuổi cũng rất sợ giấc ngủ bởi chính khi em đang ngủ, những cuộc tấn công thường xảy ra ở quê nhà – thành phố Aleppo (Syria).

Cô bé Lamar 5 tuổi đang ngủ trong một khu rừng ở gần Horgos (Serbia). Cô bé và gia đình đã may mắn khi cả nhà đang ở ngoài đường thì một quả bom rơi trúng ngôi nhà của họ. Mất nhà, họ quyết định lên đường đi tị nạn.

Cậu bé Ahmed 6 tuổi ngủ trên bãi cỏ ở Horgos (Serbia). Trong suốt chặng đường dài mà Ahmed đã phải thực hiện để tới được Châu Âu, cậu bé buộc phải tự mang chiếc ba lô đựng đồ dùng cá nhân của mình. Giờ đây, Ahmed sống với gia đình người bác sau khi cha cậu qua đời ở quê nhà Deir ez-Zor, miền bắc Syria.

Gulistan 6 tuổi tâm sự rằng cô bé rất nhớ những chiếc gối của mình ở nơi quê nhà Kobane. Giờ đây sống ở Suruc (Thổ Nhĩ Kỳ), cô bé rất sợ ngủ vì thường bị giật mình và gặp ác mộng giữa đêm.

Cậu bé Ahmad 7 tuổi cũng phải ngủ vất vưởng trên đường phố ở khu vực biên giới giữa Hungary và Áo. Ở quê nhà – tỉnh Idlib (Syria), ngôi nhà của gia đình Ahmad đã bị trúng bom, người em trai của Ahmad đã bị thiệt mạng. Bản thân Ahmad cũng bị một mảnh bom găm vào đầu. Cuộc sống quá khắc nghiệt khiến gia đình Ahmad buộc phải rời bỏ quê hương và giờ đây họ rơi vào cảnh “màn trời, chiếu đất”.

Cô bé Shehd 7 tuổi rất thích vẽ. Trong các bức tranh của em thường xuất hiện hình ảnh những chiến binh và vũ khí chiến đấu, bởi họ hiện diện ở khắp nơi. Giờ đây, gia đình em đã tới được Hungary nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn, họ phải lo ăn từng bữa.

Cô bé Maram 8 tuổi hiện đang tị nạn ở Amman (Jordan). Khi còn ở Syria, một ngày, khi Maram vừa quay trở về nhà từ trường học thì một quả tên lửa rơi trúng ngôi nhà của cô bé, sức nén khiến cô bé bị bật ra xa và gây xuất huyết não. Maram từng bị hôn mê 11 ngày. Giờ đây, khi đã tỉnh táo trở lại, cô bé phải chịu những chấn thương vĩnh viễn ở hàm và rất khó nói chuyện.

Cô bé Shiraz 9 tuổi bị bại liệt. Giờ đây, Shiraz đang sống trong trại tị nạn ở Suruc (Thổ Nhĩ Kỳ), cha mẹ của cô không thể nào chi trả để mua thuốc cho con được nữa.

Cô bé Fatima 9 tuổi đã tới được Thụy Điển, tuy vậy, Fatima hiện giờ vẫn bị ám ảnh bởi những ký ức kinh hoàng. Sau khi rời khỏi tỉnh Idlib (Syria), Fatima đã cùng mẹ và các anh chị em sống 2 năm trong một trại tị nạn ở Lebanon, sau đó, họ lên một con thuyền vượt biển. Trong chuyến hành trình này, Fatima đã chứng kiến một người mẹ sinh non, đứa trẻ bị chết yểu và người ta đã buộc lòng phải bỏ đứa trẻ xuống biển.

Ba chị em Esra 11, Esma 8, và Sidra 6 tuổi đang nằm ngủ với mẹ. Những đứa trẻ này may mắn hơn nhiều đứa trẻ Syria tị nạn khác vì các em có một mái nhà để trú ngụ, có chăn đệm và gối. Giờ đây, các em đang sống ở Majdal Anjar (Lebanon) nhưng cả gia đình vẫn chưa thôi bàng hoàng mỗi khi nhớ về người cha đã bị mất tích của các em.

Trong suốt nhiều tháng qua, hai chị em Ralia 7 tuổi và Rahaf 13 tuổi đã phải ngủ trên những tấm bìa các tông và coi đường phố của Beirut (Liban) là nhà. Hai đứa trẻ và cha của các em đã rời thủ đô Damascus (Syria) sau khi một quả lựu đạn khiến mẹ và anh trai của hai em thiệt mạng.

Cậu bé Mohammed 13 tuổi hy vọng một ngày nào đó sẽ trở thành một kiến trúc sư. Hiện tại, cậu bé đang tị nạn ở Nizip (Thổ Nhĩ Kỳ). Mohammed đã may mắn hơn nhiều em bé khác xuất hiện trong bài này, khi em có một mái nhà để ở.

Cậu thiếu niên Abdul Karim 17 tuổi ngủ trên đường phố Athens (Hy Lạp). Abdul đã dùng những đồng tiền cuối cùng để có được một chỗ trên chuyến tàu tới Athens. Khi đặt chân được tới “miền đất hứa”, cũng là khi trong túi không còn một xu, Abdul đôi khi chỉ có thể mượn điện thoại để gọi về cho mẹ ở Syria. Cậu không dám kể cho mẹ nghe thực tế cuộc sống của mình hiện tại. Abdul tâm sự hiện giờ cậu chỉ có 2 mơ ước, được ngủ trên giường và được ở gần người thân.
Theo Bích Ngọc – Dân trí
Exit mobile version