GS. TSKH Tô Ngọc Thanh phát biểu tại buổi tọa đàm.
Trong buổi tọa đàm về lễ hội chọi trâu Đồ Sơn nhằm tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức lễ hội này, nhiều nhà nghiên cứu đã lên tiếng đề nghị tiếp tục tổ chức lễ hội chọi trâu, nhưng phải thay đổi cách quản lý và tổ chức, đưa lễ hội về với đúng ý nghĩa và bản chất như nó vốn có, để không xảy ra những chuyện tiêu cực
Trả lễ hội về cho người dân
Đưa lễ hội về đúng với cái gốc thực sự của nó, tuân thủ những gì truyền lại từ cha ông, đó là những ý kiến mà nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học đưa ra trong việc bàn giải pháp cho lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.
GS, TSKH Tô Ngọc Thanh cho biết, mỗi một lễ hội dân gian gắn bó chặt chẽ với đời sống tinh thần người dân bản địa và thường mang những ý nghĩa gắn bó với cuộc sống của họ. Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn nằm sâu trong tiềm thức của người dân, là quan niệm về biển của dân gian. Là Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, GS đề đạt ý kiến của Hội mong muốn tiếp tục tổ chức lễ hội, không những thế phải giữ từ đời này sang đời khác:. “Chọi trâu đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người dân Đồ Sơn. Khi sự cố tại lễ hội năm 2017 xảy ra, lễ hội bị đình lại, chúng tôi đã nhận được thư của rất nhiều người, từ bà bán rau cho đến cụ ông 80 tuổi thể hiện nỗi buồn khi nghe tin chọi trâu có thể bị cấm”. Tuy nhiên, theo GS, để tiếp tục lễ hội, thì cần phải làm rõ nhiều vấn đề. “Chúng tôi từng nghe rất nhiều người kêu là muốn chọi trâu phải mất đến 30 triệu đồng. Ngoài ra, tiền mua một ông trâu khoảng hơn 100 đến gần 200 triệu, và mỗi ông trâu chọi khi bán thịt có giá lên tới 5 triệu đồng/kg. Rõ ràng là lễ hội đang bị thương mại hóa. Trách nhiệm của chính quyền là làm thế nào để trong sạch lại lễ hội, đáp ứng mong mỏi của người dân”.
<>PGS. TS Trần Lâm Biền cũng chung ý kiến với GS Tô Ngọc Thanh khi khẳng định hoạt động chọi trâu trong lễ hội chọi trâu Đồ Sơn mang ý nghĩa tâm linh, gắn liền với thủy triều và nông nghiệp hơn là một hoạt động đơn thuần về thể chất. PGS. TS Trần Lâm Biền cho biết, lễ hội này đã có cách đây hàng thế kỷ rồi, và theo truyền thuyết dân gian thì lễ hội bắt đầu từ việc hai con trâu chạy từ dưới biển lên húc nhau – tượng trưng cho thủy triều. Bản thân con trâu chọi được chọn cũng phải có yếu tố tâm linh, có bộ sừng cong như luỡi liềm, trâu chọi trước khi huấn luyện phải được đưa vào đình cúng Thành hoàng làng, và được cung kính gọi là ông trâu. Vì thế, nếu giải mã và hiểu được yếu tố tâm linh của lễ hội, thì sẽ không có sự méo mó, và sẽ không có chuyện thịt trâu chọi để bán với giá hàng triệu đồng/kg.
“Trả lễ hội lại cho người dân, chứ đừng tách văn hóa ra khỏi môi trường của nó, như thế mới không méo mó. Chúng ta phải chấn chỉnh lại lễ hội, đưa nó vào đường ray truyền thống” – PGS. TS Trần Lâm Biền nhấn mạnh.
Giải pháp nào cho chọi trâu?
Bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, những lễ hội dân gian gắn liền với đời sống tinh thần của người dân. Lễ hội đóng vai trò trong đời sống văn hóa, người dân xứng đáng được hưởng giá trị của một lễ hội được công nhận là Di sản như lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Điều đáng nói ở đây là cách tổ chức như thế nào.
Bà Hoàng Thị Hoa nhấn mạnh: “Chỗ nào chưa được, chưa tốt thì phải tổ chức lại. Người dân Đồ Sơn cần có lễ hội này”.GS. TS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, đối với vấn đề này, phải ứng xử một cách văn hóa chứ không phải là đối xử một cách hành chính. “Chúng ta không có lý do hay nhân danh gì mà bảo dẹp được. Đây là lễ hội thuộc về người dân. Điều chúng ta cần làm là phải tạo ra một hành lang an toàn hơn cho lễ hội chọi trâu này” – GS khẳng định.
TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ việc tiếp tục tổ chức lễ hội. Ông đưa ra giải pháp đưa lễ hội chọi trâu trở thành sản phẩm du lịch, với sản phẩm cốt lõi, sản phẩm phụ trợ, khai thác những yếu tố khác chung quanh hình ảnh trâu chọi để biến thành sản phẩm du lịch.Về phía địa phương, ông Hoàng Xuân Minh, Chủ tịch quận Đồ Sơn (ảnh trên) đã đề cập đến một số giải pháp trước mắt để ổn định và giữ an toàn cho lễ hội nếu tiếp tục tổ chức. Đó là bổ sung các tiêu chí đối với chủ trâu: do cộng đồng bầu lên, dựa trên đánh giá của cộng đồng chứ không phải tự phát như trước đây; thành lập các tổ kiểm tra chặt chẽ việc lựa chọn, chăm sóc và huấn luyện trâu; quy định cụ thể trách nhiệm của ban tổ chức lễ hội từ quận, phường cho đến các chủ trâu; gia cố đường thoát trâu, quy định số người dắt trâu vào sân, vị trí của trọng tài, chủ trâu. Song song với đó là bổ sung các phần lễ, nhấn mạnh và coi trọng phần lễ vì đây mới là phần quan trọng nhất và là điểm khác biệt so với những lễ hội chọi trâu khac. Đồng thời cũng tổ chức lấy ý kiến người dân, các bậc cao niên và nghệ dân về việc tổ chức lễ hội sao cho sát với nguyên bản nhất. Số lượng trâu chọi cũng giảm xuống còn 16 con thay vì 32 như trước. Nhiều giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho lễ hội cũng được đề ra như lắp thêm hàng rào, xây dựng trại trâu kiên cố và đặc biệt có thể xử lý sự cố bằng cách dùng vũ khí để tiêu diệt trâu…Về phía cơ quan quản lý, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng ý với hướng tiếp tục tổ chức chọi trâu Đồ Sơn vào ngày 9-8 âm lịch, tuy nhiên cần giảm quy mô và lưu ý các giải pháp bảo đảm tổ chức lễ hội an toàn, đúng hồ sơ được công nhận di sản phi vật thể quốc gia
Nguồn: Báo Nhân Dân.