HOÀNG HOA

NSƯT Trần Lực và các diễn viên trong đêm ra mắt vở “Cơn ghen của Lọ Lem”.

“Ước mơ có đoàn kịch riêng theo phong cách riêng của mình – sân khấu biểu hiện ước lệ là khát khao cháy bỏng từ thời sinh viên học đạo diễn sân khấu ở VITIZ (Trường đại học sân khấu điện ảnh Sophia – Bulgaria). Bố mẹ tôi rất mừng và luôn ủng hộ ước mơ của tôi. Khi bắt đầu dàn dựng vở kịch đầu tiên, mẹ tôi hạnh phúc lắm, thầm thì với bố: cuối cùng nó cũng nối nghiệp nhà mình rồi, sung sướng ông nhỉ…”.

NSƯT Trần Lực đã chia sẻ như thế với mọi người về đêm công diễn vở “Cơn ghen của Lọ Lem” của kịch tác gia Molier, đã lược đi và viết mới nhiều ở phần lời, được dàn dựng với những chất liệu hoàn toàn mới mẻ, đậm chất hiện đại, đặc biệt, đậm nét đời sống xã hội Việt Nam hiện tại. Đấy là một cách để Trần Lực kéo người xem đến sân khấu của mình và các học trò – những người cách đây không lâu cùng làm nên tiếng vang với phiên bản mới của hài kịch “Quẫn” (tác giả nhà viết kịch Lộng Chương) trước, trong và sau liên hoan sân khấu Hà Nội.

Nhiều nghệ sĩ và khán giả đến đông tại rạp Kim Mã (Hà Nội) tối 23-11 để xem cuộc mở màn ước mơ của Trần Lực về một sân khấu của riêng mình – đoàn kịch tư nhân LucTeam – mà anh gọi là sân khấu biểu hiện ước lệ. Diện mạo hề xiếc, phảng phất nét tuồng trong vẽ mặt nhân vật. Tạo hình nhân vật gợi nhớ đến một số diễn viên ngôi sao quốc tế hoặc nhân vật hoạt hình nổi tiếng… Động tác nhân vật với những pha nhảy múa của vũ công. Trong sự xuyên suốt của diễn biến nội dung kể về anh chàng ghen vợ và những cố gắng thiết lập trật tự gia đình, các thái độ, trạng thái của nhân vật thay đổi liên tục, đem lại nhiều liên tưởng thú vị ngoài câu chuyện trên sân khấu. Nhiều đoạn thoại biến thành lời ca hoặc lồng những từ ngữ gợi liên tưởng hài hước đến các hiện tượng, sự vụ văn hóa, xã hội nổi bật: Hãng phim truyện Việt Nam và câu chuyện cổ phần hóa, con Pi-ka-long, phim “Người phán xử”… Diễn viên quả thật vất vả với lối diễn xuất linh hoạt, hành động liên tục, phối hợp ăn ý, lại đòi hỏi phải biết nhảy múa, ca hát – những kỹ năng càng trở nên cần thiết trên sân khấu hôm nay khi khán giả cần được thỏa mãn yếu tố nghe, nhìn.

Nhưng các cử nhân vừa tốt nghiệp Trường ĐH Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội đã “ghi điểm” khi đem lại cho khán giả sự hào hứng, thú vị với tâm lý thoải mái khi dõi theo những tình tiết gom nhặt dữ liệu đời sống phong phú của vở diễn. Có lẽ, đây cũng chính là một gợi ý, gợi mở từ LucTeam cho việc làm sân khấu ở khu vực Hà Nội. Tất nhiên, giọng hát, động tác, vũ đạo… khi có thời gian khổ luyện hơn, thì hiệu quả nghệ thuật sẽ thêm ấn tượng và thuyết phục. Nhưng thành quả thứ hai – sau vở “Quẫn” – của thầy trò Trần Lực, đã là nỗ lực rất lớn trong quãng thời gian trò nước rút tốt nghiệp và rèn luyện nâng cao các kỹ năng về hình thể, nhảy múa, ca hát, thầy đôn đáo lo ra đời LucTeam, thuê mượn địa điểm tập vở, công diễn ra mắt.

Không riêng Trần Lực, nhiều bạn bè văn nghệ sĩ, truyền thông của anh cũng hào hứng khoe về vở diễn trước, trong và sau đêm diễn, đồng thời cũng có ý khoe một nhóm làm sân khấu mới, độc lập, trẻ, le lói sáng tạo và hứa hẹn sự năng động. Chờ những tác phẩm tiếp theo của thầy trò Trần Lực sẽ càng được các khán giả sành sỏi quảng bá “miễn phí” như thế! Bởi đó là những dấu hiện ban đầu của thành công! Nhất là trong bối cảnh hôm nay, thành công trên sân khấu thật khó tính toán bằng những đề án, dự án dài hơi và bề thế, mà qua từng tác phẩm cụ thể, bằng khả năng kéo khán giả đến nhà hát với vé mua hoặc vé đặt – để bảo đảm về kinh tế, và những cảm nhận chân thực khiến người xem vui, thoải mái, sảng khoái, cảm động và cảm phục suốt thời gian ngồi trong rạp mà không “bị” sốt ruột: bao giờ thì vở hết đây! Để trải nghiệm cảm giác thoải mái này, khán giả có thể đến với “đội của Lực”!

Nguồn: nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-vanhoavannghe

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version