Hà Tùng Long

Câu chuyện liên quan đến việc cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam lại tiếp tục làm nhói lòng nhiều nghệ sỹ gạo cội khi dấy lên những vấn đề đáng lo ngại. Nhiều nghệ sỹ đã rất bất bình vì những việc làm của Ban lãnh đạo mới đang góp phần khiến Hãng phim “chết mòn”.

Nghệ sỹ kêu cứu vì hoang mang

Trước đây, Hãng phim truyện Việt Nam đã hoàn tất quá trình cổ phần hóa và tiến hành đại hội cổ đông lần thứ nhất vào 20/5/2017. Ông Nguyễn Danh Thắng là Giám đốc Công ty Vận tải thủy (đơn vị nắm tới 65% cổ phần) được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT.

Tuy nhiên, vấn đề định giá thương hiệu Hãng phim bằng 0 và các vấn đề liên quan tới công ăn việc làm, lương cho các công nhân viên chức đang làm việc tại đây vẫn khiến các nghệ sỹ không thể ngồi yên


Cổng chính của Hãng phim truyện Việt Nam hiện nay đã bị đóng lại, cán bộ nhân viên đi làm phải vào bằng cổng phụ, khách đến giao dịch không biết phải đi cổng nào. Ảnh: TL.

Mới đây, nhiều nghệ sỹ gạo cội từng gắn bó với Hãng phim đã gửi đơn kêu cứu lên Hội Điện ảnh Việt Nam. Trong đơn nêu rõ, nhà cổ đông chiến lược là Tổng Công ty Vận tải thủy đã đưa ra rất nhiều cam kết, trong đó có điều khoản đảm bảo việc làm, tôn trọng nghề nghiệp và đảm bảo mức lương 4.800.000 đồng trong năm 2017 theo quy định của nhà nước với 85 thành viên còn lại của Hãng. Nhưng sau hơn 2 tháng cổ phần, tháng thứ nhất (tháng 7/2017), lương của cán bộ giữ nguyên như thời gian trước cổ phần và mức lương thấp nhất vẫn là 540.000 đồng. Tháng thứ 2 (tháng 8/2017) chỉ một số cán bộ công nhân viên trong Hãng phim nhận được tạm ứng lương với mức thấp nhất 1.000 000 đồng, một số cán bộ hoàn toàn không có lương…

Bên cạnh đó, đơn kêu cứu cũng đề cập đến chuyện ban lãnh đạo mới đã tự ý thực hiện hàng loạt sự xáo trộn về cơ sở vật chất trong Hãng phim.

Cụ thể, sát nhập phòng biên kịch, đạo diễn, quay phim, thiết kế mỹ thuật vào một phòng gọi tên là “Phòng nghệ thuật”; dãy nhà trước đây của 4 phòng đã tiến hành cho thuê để kinh doanh chứ không phục vụ mục đích làm phim; kho đạo cụ, phục trang vốn là tài sản gắn liền với hoạt động của Hãng cũng bị chuyển đến các kho của Công ty Vận tải thủy cách 40 km với mục đích lấy các phòng cho thuê kinh doanh. Cũng với mục đích trên, một phòng dựng và phòng thu thanh đã bị tháo dỡ, di chuyển.

Đáng nói là toàn bộ kịch bản quý giá của các biên kịch gạo cội từ khi Hãng được thành lập với bộ phim đầu tiên “Chung một dòng sông” đến các bộ phim nhựa được sản xuất những năm gần đây gây tiếng vang trong các Liên hoan phim Quốc tế và trong nước đều bị đem đi gửi ở Viện phim Việt Nam khiến chiếc tủ đựng kịch bản của phòng biên kịch trống trơn không còn một bản thảo kịch bản nào. “Đây là một điều xúc phạm đến truyền thống của bao thế hệ các nhà biên kịch, các nhà làm phim, các nghệ sĩ của hãng gần 60 năm qua. Khiến các nghệ sĩ trẻ trong hãng vô cùng hoang mang, mất niềm tin, các nghệ sĩ lớn tuổi thì đau xót, uất hận”, đơn nhấn mạnh.

Cổ phần hóa chỉ là cái cớ?

Biên kịch, đạo diễn Nguyễn Xuân Thành chia sẻ, thực ra từ trước khi cổ phần, đa số các anh chị em trong Hãng phim đã tự bươn chải để sống. Vì thế, khi cổ phần hóa, với mong muốn sẽ vực dậy được nghiệp làm phim, anh em nghệ sĩ vô cùng phấn khởi. Tuy nhiên, sau 2 tháng hoạt động, nhiều cam kết của đơn vị cổ đông chiến lược đã không thực hiện nghiêm túc, khiến cán bộ công nhân viên và nghệ sỹ hoang mang, thất vọng.

Chia sẻ trong buổi gặp gỡ báo chí hôm 16/9, nhiều nghệ sỹ khẳng định, họ đã im lặng một thời gian để nghe ngóng tình hình, theo dõi hoạt động của ban lãnh đạo mới sau khi đã cổ phần hoá. Tuy nhiên, sau 2 tháng “nín thở chờ đợi”, các nghệ sỹ khẳng định, cổ đông chiến lược không hề có ý định làm điện ảnh, mà chỉ quan tâm tới giá trị đất đai của Hãng phim. Rất nhiều nghệ sĩ cho rằng, việc “xóa sổ” Hãng phim bằng cách thức cổ phần hóa sai sẽ để lại hệ lụy rất lớn về mặt văn hóa.

Nghệ sỹ Quốc Tuấn cho rằng, 8 năm trước, khi NSƯT Vương Đức làm Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng đã luôn rơi vào tình trạng đói kém, không có công ăn việc làm, phải sống nhớ nguồn vốn nhà nước rót làm phim. Vì thế, tất cả các cán bộ công nhân viên, nghệ sỹ hiện đang làm việc tại Hãng đều mong muốn cổ phần hóa vì họ ý thức nếu không cổ phần, Hãng phim sẽ “chết”. Tuy nhiên, khi diễn ra việc cổ phần hóa thì đa số mọi người đều nhận thấy có một sự gấp gáp, lén lút và không minh bạch.

“Thông thường, kế hoạch sản xuất của Hãng là mỗi năm làm ít nhất 1 phim nhựa và 1 phim truyền hình, năm thứ 2 cũng thế và năm thứ 3 sẽ nhích lên một chút. Lương thì năm thứ 1 và năm 2 mức bình quân là 4.800.000 đồng, năm thứ 3 lên trên 5 triệu đồng. Nhưng sau khi đại hội cổ đông xong thì anh em không có lương. Bản thân tôi nhận được một tháng 540.000 đồng theo dạng chờ việc. Đối với tôi đó là một sự xỉ nhục, thậm chí nhiều người còn không có lương.

Ngoài ra, còn có rất nhiều sự xáo trộn. Nhiều kịch bản, đạo cụ, huân huy chương tự nhiên “không cánh mà bay”. Anh em chúng tôi thấy đơn vị cổ đông chiến lược đã không làm như những gì cam kết. Điều này tạo ra một sự ức chế khủng khiếp.

Nhiều nghệ sỹ gạo cội cảm thấy đau lòng khi “anh cả” làng điện ảnh, nơi họ đã từng góp sức tạo ra những tác phẩm điện ảnh kinh điển đang dấy lên nhiều vấn đề đáng lo ngại.

Chúng tôi nhận thấy rằng, cả quá trình cổ phần hóa Hãng phim vừa qua là một sự dối trá. Đơn vị cổ đông chiến lược không hề tâm huyết với sự phát triển điện ảnh như họ nói lúc đầu và không hề có tiềm lực tài chính để đầu tư cho việc phát triển điện ảnh của Hãng”, nghệ sĩ Quốc Tuấn nói.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho biết: “Chúng tôi đã đề xuất lập một Hội đồng thẩm định kịch bản nhằm tư vấn cho lãnh đạo công ty cổ phần. Ban đầu họ đồng ý, nhưng khi chúng tôi đưa dự án thì họ gạt đi, chứng tỏ họ không hề muốn sản xuất phim”.

Mong muốn được chia sẻ khó khăn

Ông Nguyễn Danh Thắng – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam cho biết, kể từ khi đi vào hoạt động, HĐQT đã chủ trương cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, bởi cơ sở vật chất hiện tại đã mục nát. Trước khi chuyển kho đạo cụ sang bên kho hàng của Công ty Vận tải thủy ở Gia Lâm, Ban giám đốc thực hiện giám sát cùng với người trực tiếp quản lý phòng đạo cụ, rà soát, kiểm tra những đạo cụ nào bị mục nát thì bỏ đi, đạo cụ nào vẫn sử dụng được thì liệt kê danh sách giữ lại chuyển sang kho bên Gia Lâm, tạm thời lưu giữ để chờ cải tạo nâng cấp sửa chữa kho bên này.

Về phòng kịch bản, do Hãng phim không thể bảo quản được nên ông Thắng đã liên hệ với bên Viện Phim Việt Nam để gửi kịch bản sang đó. Việc này có biên bản bàn giao, thống kê chi tiết toàn bộ số lượng kịch bản.

Riêng chuyện tiền lương, ông Thắng chia sẻ rằng, do công ty vừa phải trả nợ thuế 21 tỉ trước đây nên hiện đang gặp nhiều khó khăn về tài chính. Vì thế, ông kêu gọi toàn thể nghệ sĩ và cán bộ công nhân viên cùng chia sẻ khó khăn trước mắt.

“Tạm thời, tôi đã chỉ đạo lập danh sách tạm ứng lương tháng 8 cho anh chị em hiện đang làm việc tại Hãng. Hoàn toàn không có lời nói hay chỉ đạo là không trả lương tháng 8 cho anh chị em do không có việc làm”, ông Thắng nói.

Ông Nguyễn Danh Thắng cũng thừa nhận, những dư luận trong câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam có nguyên nhân từ công tác điều hành của HĐQT và Ban Giám đốc.

“Tư duy doanh nghiệp có thể là nguyên nhân khiến góc độ tiếp cận và cách ứng xử của chúng tôi chưa được tròn trịa, khiến cho một số văn nghệ sĩ hiểu nhầm và bức xúc, trong đó có việc đóng một trong hai cổng ra vào hãng phim hay thông báo giờ làm việc đối với khách hàng đến giao dịch. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và kịp thời có điều chỉnh phù hợp”, ông Thắng nói.

Ông Nguyễn Danh Thắng cũng cho biết, đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam sẽ tiếp xúc và đối thoại với anh chị em nghệ sĩ về những bức xúc tại Hãng phim vào chiều 19/9.

Nguồn: Dantri.com.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version