VŨ LÂM

Tranh “Mèo vờn nhau” của Nguyễn Sáng, đạt mức đấu giá 101 nghìn USD vào cuối tháng 8.
Mùa triển lãm nghệ thuật dịp nửa cuối năm ở Thủ đô, được người ta ví giống như… “mùa cưới”. Tức là bắt đầu vào giữa mùa thu, khoảng đầu tháng 9 hằng năm, khi thời tiết bắt đầu trở nên mát mẻ, là dịp các trung tâm triển lãm mở cửa liên tục. Các triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm, triển lãm nghệ thuật nước ngoài, giới thiệu các sáng tác mới nhất, ra mắt sách nghệ thuật rộn ràng.
Tin vui nhất cho thị trường mỹ thuật công khai giống như một “phát pháo đầu” vào ngày cuối cùng của tháng 8. Đó là trong phiên đấu giá thứ sáu của Nhà đấu giá Chọn Auction (17 Trần Quốc Toản) với 13 tác phẩm của các họa sĩ sáng tác trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội trước Đổi mới, thì tác phẩm “Mèo vờn nhau” (sơn mài, khổ 60 x 72 cm, 1979) của danh họa Nguyễn Sáng đã đạt được mức giá kỷ lục là 101 nghìn USD, do người mua trong nước trả giá.

Việc các tác phẩm của các danh họa trong nước được đấu giá minh bạch với mức giá cao, sẽ trả lại sự ổn định về giá trị mỹ thuật, nâng tầm đúng mức nghệ thuật Việt Nam bằng thị trường nội địa, và dần đem lại sự lành mạnh cần thiết cho nghệ thuật Việt. Tiếp nối là một dấu hiệu mới mẻ khác, đánh dấu việc những dự án nghệ thuật cộng đồng dần tiếp cận công chúng ở các trung tâm thương mại đắt giá. Đó là đầu tháng 9 vừa qua có chuỗi nghệ thuật được phối hợp giữa đơn vị tổ chức Real Art và Tràng Tiền Plaza (24 Hai Bà Trưng). Đó là triển lãm hội họa Mascara có chủ đề tôn vinh phụ nữ Việt qua cách nhìn của họa sĩ đương đại, có sự tham gia tác phẩm của các họa sĩ: Nguyễn Nghĩa Cương, Ngô Văn Sắc, Lương Đức Hùng, Bùi Thanh Tâm, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Văn Cường và Vũ Đình Tuấn. Tiếp sau triển lãm này là trình diễn thời trang dân dụng do họa sĩ hội họa Trần Thu thiết kế, và trình diễn múa đương đại do nghệ sĩ Nguyễn Duy Thành thể hiện.

Đang diễn ra từ ngày 5-9, tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, khai mạc một triển lãm trừu tượng – biểu hiện rất thú vị của hai họa sĩ trẻ Vũ Tuấn Dũng và Lê Minh Đức, gồm 73 tác phẩm Vũ Tuấn Dũng vẽ trên giấy Dó Lào và sơn dầu vẽ phố Hà Nội đầy ngẫu hứng tình cảm của Lê Minh Đức… Ngày 8-9, Không gian nghệ thuật Manzi (14 Phan Huy Ích) đã khai mạc triển lãm cá nhân “Bên kia những ngọn đồi” của nữ họa sĩ trẻ TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Bích Phượng với các sáng tác lụa tinh tế, được lấy cảm hứng từ nghệ thuật tranh của Nhật Bản. Chỉ sau vài ngày, tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ) lại diễn ra triển lãm nhóm Số 5 (từ ngày 11 đến 21-9), giới thiệu 23 tác phẩm mới nhất trên chất liệu đa dạng (sơn dầu, gốm, sơn mài, tổng hợp) của năm họa sĩ ít nhiều có tên tuổi trong đời sống mỹ thuật Hà Nội. Đó là các Họa sĩ Lê Anh Quân, Trần Công Dũng, Hoàng Hải Anh, Hoàng Đức Dũng và Trịnh Vũ Hiếu. Triển lãm được Văn phòng UNESCO Hà Nội tài trợ, lấy cảm hứng từ hơi thở của nghệ thuật truyền thống trong thực hành sáng tạo đương đại.
Thứ bảy ngày 16-9, tại Cà-phê thứ 7 (3A Ngô Quyền) diễn ra cuộc ra mắt sách nghiên cứu nghệ thuật “Họa sĩ Kháng chiến, 1950-1954” của nhà báo Đào Mai Trang dưới sự dẫn chương trình của nhạc sĩ Dương Thụ. Các họa sĩ được đào tạo ngay trong thời gian kháng chiến (22 người) là một bước chuyển tiếp quan trọng của thời Mỹ thuật Đông Dương chuyển sang để phục vụ cách mạng. Tuy nhiên, cho đến cuốn sách của Đào Mai Trang, chưa có một tổng kết nào đầy đủ về đóng góp của thế hệ họa sĩ trưởng thành trong máu lửa này…

Nguồn: Báo Thời Nay
Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version