Ở cái gọi là nhà máy sản xuất giấc mơ Hollywood có một đạo diễn không thèm cho ai thấy mặt, dù là trong vòng 30 năm ông cho ra đời không dưới 70 phim. Rồi thì sau nhiều thập niên ông cũng phải ra mắt thiên hạ, nhưng cuộc xuất đầu lộ diễn ấy lẽ ra không nên có…
Tác phẩm của đạo diễn bí hiểm
… nhất Hollywood bắt đầu với cái chết của một người hùng về già nơi miền Tây hoang dã: trong phim Death Of A Gunfighter quay năm 1969, cảnh sát trưởng thành phố Cottonwood Springs là một người thủ cựu nhưng vẫn quyết tâm giữ gìn cuộc sống trật tự, trong khi người dân ngày càng thù ghét và rốt cục hành quyết ông. Một cuốn phim cowboy đặc trưng với đủ các gia vị như súng đạn, rượu whiskey, nhà thổ… như cả trăm phim khác. Nếu có gì đáng chú ý thì đó là cái tên của nhà đạo diễn chưa ai từng nghe, một Allen Smithee hoàn toàn lạ lẫm.
Với tác phẩm đầu tay ấy, Smithee nhận được nhiều tiếng vỗ tay. Tờ New York Times số 10/5/1969 khen “ánh nhìn sắc sảo”, tạp chí chuyên ngành Variety nhấn mạnh tuyến hành động “căng như dây đàn”, ngay cả nhà phê bình đáng gờm nhất Hoa Kỳ, Roger Ebert, cũng không có cớ nào để bới lông tìm vết: “bức chân dung đáng yêu của một đô thị miền Tây trong thời chuyển mình”.
Kỳ thực chẳng có gì đáng ngạc nhiên, khi một con cáo già trong nghề như Ebert cũng không biết đến Smithee – nhà đạo diễn đó không hề tồn tại, mà chỉ được sinh ra bởi những vấn đề phát sinh trong khi quay phim Frank Patch, đạo diễn Robert Totten và nhân vật chính Richard Widmark xung đột kịch liệt với nhau đến nỗi Totten bị sa thải tại phim trường. Người nhảy vào thay là đạo diễn cựu trào Don Siegel, và chỉ cần sau 9 ngày là ông hoàn tất bộ phim.
Tuy nhiên, do dấu ấn của người tiền nhiệm quá sâu sắc và cũng không hợp với tạng của ông nên Siegel đề nghị không ghi tên mình vào, còn Totten thì tuyên bố không thèm dây dưa tới tác phẩm nọ.
Quy định của Công đoàn các đạo diễn Mỹ
… Director’s Guild Of America bắt buộc phải nêu danh đạo diễn, và thế là người ta chọn một cái tên tầm tầm rất phổ biến ở Mỹ là Allen Smith, cẩn thận dán thêm 2 chữ e để tránh trùng tên một đồng nghiệp nào đó. Allen Smithee chào đời như vậy.
Ở thời điểm ấy cũng chẳng ai hoài công nghĩ thêm, liệu nhà đạo diễn “ma” ấy sẽ sống thêm mấy bữa. Sau này Don Siegel có kể trong cuốn tự thuật A Siegel Film rằng ông còn kể chuyện tiếu lâm khi Frank Patch ra rạp: “Do bộ phim đông khách, tôi xúi các sinh viên lớp đạo diễn nên lấy nghệ danh Smithee, bảo đảm sẽ nổi tiếng!”.
Do cách phát âm khá giống nhau, Allen Smithee dần biến thành Alan Smithee và tỏ ra có sức sáng tạo vô biên, cho dù ít được để ý. Vì ông chỉ làm những phim ngắn hay phim thử nghiệm. Ví dụ như tập 2 của The Birds, vốn là tác phẩm kinh dị để đời của Hitchcock, kể về dân làng dùng thuốc nổ để xua bầy quạ sát thủ.
Hay khi Sam Raimi làm bộ phim The Nutt House vô cùng dở và muốn ẩn danh, ông bèn chọn Alan Smithee làm bia đỡ đạn. 1984, phim khoa học giả tưởng Dun của David Lynch bị gắn thêm 50 phút tư liệu rác rưởi để đưa lên màn ảnh nhỏ, Lynch tự ái không nhận và tiện tay viết tên Alan Smithee vào cuối phim. 6 năm sau Smithee lại có dịp đứng thế cho đạo diễn tài ba Dennis Hopper, khi phim Catchfire của ông bị nhà sản xuất tự ý cắt xén và đổi chỗ nhiều cảnh.
Và 1992 Smithee đạo diễn “hộ” Martin Brest cuốn phim Scent Of A Woman vì phim bị cắt xén quá nhiều, khiến cha đẻ của nó không chịu nhận mặt con.
Đó mới chỉ là các trường hợp bị công khai hóa, nhiều phim cho đến nay không hề tiết lộ người nào nấp sau tên Smithee, như Twilight Zone (1993). Tại trường quay đã xảy ra một tai nạn đáng tiếc khi ba diễn viên tử nạn vì máy bay trực thăng rơi.
Lúc phim lên màn bạc, người ta đưa tên Alan Smithee là đạo diễn trợ lý và phao tin chính gã chịu trách nhiệm cho vụ máy bay rơi! Giới chuyên môn xì xào đầy ẩn ý, chẳng lẽ những tên tuổi hoành tráng như Steven Spielberg, Joe Dante, John Landis hay George Miller lại cử trợ lý ra chỉ huy những cảnh diễn quan trọng nhường ấy? Bản thân Smithee, dĩ nhiên, không tham gia tranh luận.
Ngành công nghiệp phim ảnh của Mỹ
… như ta biết, vốn nằm trong tay các nhà sản xuất hùng mạnh. Và không ai bảo ai, họ ngại Smithee như một quân chủ bài giấu trong tay áo đối phương. Smithee là người thạo mọi ngõ ngách trong cuộc, là người chống lại sự áp bức diễn viên và đạo diễn, là lối thoát cuối cùng khi mọi nỗ lực cứu một cuốn phim thất bại.
Smithee ngày càng được trưng dụng, dần dần ông được nhiều người biết đến, tuy chẳng bao giờ thấy mặt. Có nhiều bài báo và cả sách viết về ông, thậm chí năm 1997 Đại học Philadelphia tổ chức một hội thảo về các tác phẩm của Alan Smithee! Trớ trêu thay, chính sự nổi tiếng đã đưa đến hồi kết của nhân vật này.
Năm 1998 đạo diễn Arthur Hiller làm phim Burn Hollywood Burn và đặt đầu đề chính thức là An Alan Smithee Film: Burn Hollywood Burn. Tác giả kịch bản kiêm nhà sản xuất Joe Eszterhas muốn tạo một tác phẩm châm biếm độc địa để vạch ra mặt trái của công nghệ làm phim. Nghệ sĩ hài Eric Idle thủ vai đạo diễn mang tên Alan Smithee, người được nhận một ngân sách khổng lồ để làm một phim hành động với Sylvester Stallone, Thành Long và Whoopie Goldberg.
Khi nhận ra mình chỉ là con rối trong tay các nhà sản xuất, Smithee muốn rời khỏi dự án – nhưng dĩ nhiên không thể, vì ông chính là Alan Smithee. Phim đã quay xong thì Arthur Hiller khiếu nại tại Công đoàn các đạo diễn Mỹ rằng Joe Eszterhas can thiệp quá nhiều vào công đoạn cắt cảnh.
Hiller được phép cho phim ra rạp với nghệ danh Alan Smithee. Burn Hollywood Burn thất bại thảm hại, so sánh cho thấy tỷ lệ giữa tiền đầu tư và tiền bán vé còn tệ hơn Plan 9 From Outer Space vốn được coi là phim dở nhất lịch sử nghệ thuật thứ 7. Tuy vậy phim này gây nhiều sóng gió vì đã khai thác triệt để hiện tượng Alan Smithee.
Đang từ một phương tiện
… chỉ được người trong cuộc biết và triệt để áp dụng để lẳng lặng đào thoát khỏi một phim tồi, đột nhiên Smithee nổi tiếng. Giờ đây ông không đánh lạc hướng chủ ý khỏi các đạo diễn, mà còn làm họ bị soi mói hơn. Như mong đợi, tháng 1/2000 Director’s Guild thông báo “Smithee xin nghỉ ốm và có lẽ không còn sống lâu”.
Một đồng nghiệp tưng tửng bình luận: “Nhìn cả đống phim tầm tầm mà Smithee đã làm, khó hiểu vì sao sự nghiệp của Smithee lại kéo dài đến thế!”.
Theo Lê Quang – Thể thao & Văn hóa cuối tuần