HAF MINH LINH
Trong gió xuân se lạnh, nắng hây vàng, nhìn từ xa, làng Hạ Thái cũng yên tĩnh, êm ả như muôn vàn ngôi làng truyền thống khác. Vào làng mới nhận thấy hết không khí rộn ràng, tất bật. Mọi người dân ai nấy đều say sưa với những công đoạn sản xuất, mua bán hàng mỹ nghệ sơn mài. Ít ai rõ rằng, làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín (Hà Nội) đã tồn tại khoảng 200 năm với không ít thăng trầm. |
Sau những thăng trầm
Vào thăm xưởng sản xuất của nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi, khách hàng như lạc vào phòng triển lãm nghệ thuật sơn mài độc đáo với hàng trăm sản phẩm có kiểu dáng đa dạng. Chỉ riêng bình cắm hoa cũng có đến vài chục mẫu với nhiều kiểu hoa văn, họa tiết cầu kỳ. Khác với các bình hoa thông thường, bình sơn mài thường được xem như một tác phẩm trưng bày, tập trung ở kiểu dáng, họa tiết bức tranh sử dụng để làm nên sản phẩm. Chị Hồi giới thiệu một chiếc bình trên đó lấm tấm đốm trắng. Nhìn qua, ít ai biết rằng, những đốm này làm bằng vỏ trứng vịt được thu từ lò ấp. Gắn trứng là công đoạn khó, không phải người thợ nào cũng làm được. Vì thế, giá của sản phẩm sơn mài không chỉ phụ thuộc vào kích thước to hay nhỏ mà còn ở sự cầu kỳ, tinh xảo, thường từ vài trăm nghìn đến hàng trăm triệu đồng. Các họa tiết phong cảnh làng quê, thiếu nữ mặc áo dài dân tộc… với đường nét vừa đơn giản, vừa tinh tế dễ dàng cuốn hút những khách hàng khó tính. Cầm một chiếc đĩa trưng bày có vẽ hình ba con cá vàng đang bơi lội giữa đám rong rêu trên tay, chị Hồi vui vẻ tiết lộ, chiếc đĩa đã được làm từ cách đây 20 năm, mới nhìn tưởng cũ nhưng lau đi vẫn bóng như mới. Đồ sơn mài, nếu không bị va đập, rơi vỡ thì tuổi thọ có khi lên tới hàng trăm năm. Chị Nguyễn Thị Hồi là một trong bốn nghệ nhân đầu tiên của làng nghề sơn mài Hạ Thái được công nhận danh hiệu năm 2006. Sinh ra trong gia đình theo nghề truyền thống cho nên từ bé chị đã quen với việc phụ giúp làm tranh. 16 tuổi đi học nghề, 17 tuổi chị chính thức được nhận vào Hợp tác xã (HTX) sơn mài Bình Minh. Chị Hồi kể, làng Hạ Thái vốn thuần nông, để giải quyết việc làm khi nông nhàn các cụ tiền bối đã học nghề từ Hà Nội rồi gây dựng thành nghề truyền thống cho làng. Đến giờ cũng đã gần 200 năm. Đặc biệt, khoảng năm 1954, hơn 10 cụ trong làng đã cùng nhau lập nên nhóm làm nghề mang tên Thanh Hà, chuyên nghiên cứu các chất liệu làm tranh sơn mài. Nhóm này phát triển nghề làm tranh, ảnh rồi thành lập HTX sơn mài Bình Minh. Những năm sau đó, làng nghề càng thêm phần hưng thịnh, xã viên lên tới hơn 500 người, chiếm khoảng 80 đến 90% số dân làng Hạ Thái. Tuy nhiên, đến những năm 1980, khách hàng chính đến từ các nước Đông Âu tiêu thụ hàng sơn mài Hạ Thái giảm dần, giá nguyên liệu lúc này cũng lên cao, HTX lâm vào tình cảnh khó khăn và năm 1991 thì chính thức giải thể. Chị Hồi và vài người vì tiếc nuối nghề truyền thống cho nên cố gắng bám trụ, nhưng vì miếng cơm manh áo, cuối cùng đành phải quay lại làm ruộng. May mắn là sau đó, nghề truyền thống được vực lại dần vì tìm được đầu ra cho sản phẩm. Chị Hồi bỏ ruộng quay trở lại với sơn mài. Đến nay, nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề, xưởng sản xuất của chị hiện có bảy người làm, thu nhập bình quân khoảng 4 triệu đồng/tháng. Nỗi lo lớn nhất của người dân Hạ Thái bây giờ là lớp trẻ không thích học nghề sơn mài của cha ông. Hiện, chỉ còn khoảng 50% số người dân trong làng còn gắn bó với nghề và cũng đã ở độ tuổi 40. Nguyên nhân chính có lẽ là do nghề này đòi hỏi kỹ thuật công phu, tỉ mẩn. Để hoàn thành một sản phẩm sơn mài phải qua chừng 20 công đoạn, kỳ công nâng lên đặt xuống không biết bao nhiêu lần, có khi phải mất cả tháng. Không kiên trì, nhẫn nại thì khó theo được nghề. Chưa kể, theo ông chủ xưởng sản xuất Minh Tình ở lô 9, điểm công nghiệp làng nghề, để thành thạo chế tác một tác phẩm sơn mài cần nhiều thời gian, phải đúc kết qua nhiều năm tháng, thậm chí phải học hỏi tích lũy cả đời. Kỳ công, vất vả là vậy nhưng cũng chỉ một số người thợ có thể đảm nhận hết tất cả các bước để hoàn thành một sản phẩm sơn mài. Rất nhiều người dù tuổi nghề không ít cũng chỉ biết một hoặc một vài lĩnh vực như chuyên vẽ trang trí, gắn vỏ trứng hoặc khảm trai. Hướng đến du lịch làng nghề Sản phẩm sơn mài Hạ Thái truyền thống vốn mạnh về xuất khẩu sang các nước phát triển. Hiện hàng xuất khẩu vẫn chiếm 70% tổng sản phẩm bởi đây là mặt hàng cao cấp, phù hợp với đối tượng thu nhập cao. Các nhà sản xuất sơn mài Hạ Thái cho biết, mấy năm gần đây, thị trường trong nước phát triển tốt hơn, nhất là dịp cuối năm, nhu cầu hộp đựng bánh kẹo, hộp trang sức bằng sơn mài làm quà tặng tăng cao. Theo Chủ tịch Hội làng nghề sơn mài Hạ Thái Đỗ Hùng Chiêu, những năm gần đây, nghề làm sơn mài ở Hạ Thái có sự biến động. Nếu như 10 năm trước, Hạ Thái là trung tâm hoàn thiện sản phẩm trước khi xuất khẩu, thì nay những làng nghề chung quanh như gốm, mây tre đan cũng đã tự học làm sơn mài để cạnh tranh với Hạ Thái. Những làng nghề đó trước đây chỉ làm gia công phần lõi cho sản phẩm. Phải vào tay những người thợ Hạ Thái, sản phẩm mới thực sự hoàn thiện, trở nên đẹp, duyên dáng. Bởi làm sơn mài tức là trang trí phần vỏ. Vì vậy, nếu trước có 1.000 sản phẩm được đưa về Hạ Thái để “mặc áo mới” thì nay số lượng đã giảm xuống còn 300 đến 400 sản phẩm. Chưa kể sơn mài làm theo kiểu công nghiệp của các làng nghề khác tuy không đẹp bằng, song giá cả thấp hơn, đã gây khó khăn cho sản phẩm của làng Hạ Thái trong việc cạnh tranh. Hạ Thái vẫn giữ cách làm thủ công, qua nhiều công đoạn, cho nên khó có thể hạ giá. Cũng theo ông Đỗ Hùng Chiêu, người làm nghề ở Hạ Thái cơ bản vẫn là thợ thủ công, khâu quảng bá, xúc tiến thương mại còn hạn chế, vì thế, sản phẩm làm ra rất khó chiếm lĩnh thị trường. Sự xoay chuyển của tình thế cũng mang lại thuận lợi nhất định cho làng nghề sơn mài Hạ Thái, nhất là khi TP Hà Nội nhìn thấy được tiềm năng của làng nghề truyền thống. Trước đây, những người thợ phải làm các công đoạn ngay tại nhà mình, dễ gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Từ năm 2006, cụm công nghiệp sản xuất tập trung đã được quy hoạch, năm 2008, chính thức được cấp đất để sử dụng trong vòng 30 năm. Sau nhiều năm làm nghề lẻ tẻ, những người thợ đã được tập trung về một khu sản xuất. Có được chốn riêng không những thuận lợi cho việc thực hiện những sản phẩm phức tạp, mà việc đầu tư, quảng bá cũng dễ hơn, tiện lợi cho khách du lịch hơn. Nhiều đối tác còn muốn tận mắt, tận tay kiểm tra các công đoạn sản phẩm. “Nhờ quy hoạch bài bản cho nên làng nghề mới trụ lại như hôm nay. Chủ trương của TP Hà Nội trong tương lai là phát triển du lịch gắn với các làng nghề nổi tiếng. Ý tưởng này chưa sớm thực hiện được. Trong lúc chờ đợi, việc những người thợ làng sơn mài Hạ Thái cần làm là bền bỉ lao động sáng tạo, cố gắng giữ nghề truyền thống” – ông Đỗ Hùng Chiêu chia sẻ. Nguồn: Nhandan.com.vn Lê Thị Hồng Nhung đăng bài
|