Với người dân Nam Trung Bộ, không gian biển chính là hơi thở, sự sống và được thể hiện rõ nét qua văn hóa Sa Huỳnh, Xóm Cồn, văn hóa vùng Quảng Nam – Đà Nẵng… Biển cùng với rừng núi trong đất liền là nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm dồi dào vô tận. Ở đó tuy đầy hiểm nguy nhưng ngư dân vẫn bền bỉ bám biển mưu sinh. Và cũng chính từ biển đã hình thành nét văn hóa của cư dân ven biển Nam Trung Bộ. |
Bài 1: Độc đáo văn hóa biển miền trung Văn hóa của các địa phương ven biển Nam Trung Bộ hình thành từ sự giao thoa, tiếp biến về kinh tế, văn hóa và đời sống sinh hoạt, tâm linh của cư dân hướng biển và gắn liền với biển, tạo nên những đặc trưng và xuyên suốt quá trình phát triển. Những giá trị văn hóa này được lưu giữ qua nhiều thế hệ và thể hiện rõ trong nghề biển truyền thống, các lễ hội và tín ngưỡng dân gian cộng đồng. Biển và tài nguyên biển đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, tinh thần của người dân Nam Trung Bộ nước ta. Chính vì vậy, sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Viện Hải Dương học Nha Trang đã được ra đời, đưa khoa học, công nghệ vào khai thác, bảo vệ và quản lý, thực thi chủ quyền ở Biển Đông của Việt Nam mà người Việt cổ đã xác lập cách đây cả nghìn năm. Cuộc sống tinh thần, tín ngưỡng cũng như đời sống vật chất, nghề nghiệp của ngư dân Nam Trung Bộ hiện nay cũng cần được quan tâm nghiên cứu, bảo tồn, phát triển và có những ứng xử phù hợp. Sự giao thoa, tiếp biến của kinh tế, đời sống người dân ven biển Nam Trung Bộ đã tạo ra văn hóa đặc biệt, rất riêng là văn hóa hướng biển, tâm linh. Những yếu tố văn hóa biển của người Việt chính là kết quả ứng xử của cư dân nông nghiệp khi họ từ các cửa sông vươn ra biển, đã tạo nên tính cách độc đáo của người Việt Nam với nét thâm trầm, kín đáo; quyết liệt bên trong mà ôn nhu, mềm dẻo, đôn hậu bên ngoài. Nhiều miền quê biển Nam Trung Bộ có nhiều nét văn hóa biển đặc trưng và hầu như xuyên suốt quá trình phát triển nhanh chóng của đô thị hướng mở này, các giá trị văn hóa biển và đời sống tâm linh luôn kết chặt và trở thành mắt xích vững chắc để neo lại chút hồn riêng của ngư dân Nam Trung Bộ. Chúng tôi tìm về làng biển Nam Ô, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Nơi đây hiện còn nhiều dấu tích của nhiều tầng giá trị văn hóa chuyển tiếp giữa hai nền văn hóa Chăm – Việt. Minh chứng là các di tích văn hóa hiện còn được dân làng gìn giữ, như giếng nước Chăm, miếu Âm Linh, đền thờ Huyền Trân Công chúa, Lăng Ông Nam Ô. Cũng trong những ngày này, dân làng Nam Ô đang đối thoại với chủ của một dự án du lịch để giữ lại những vết tích văn hóa cổ đó. Chúng tôi tìm gặp ông Đặng Dừng, một người dân Nam Ô có nhiều nghiên cứu về mảnh đất Nam Ô cũng như văn hóa biển Đà Nẵng, được dân làng nơi đây gọi là “người chép sử làng Nam Ô”. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghề biển. Và chúng tôi không ngạc nhiên khi được ông giới thiệu bức ảnh chụp năm 1965 về con thuyền của gia đình, trong đó có cha ông đang làm thuyền trưởng trong một lần cập bến bãi Ghềnh Nam Ô. Bao năm qua, tấm ảnh đó được treo ở vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà nhỏ, như một niềm tự hào, nhắc nhớ cháu con về truyền thống nghề biển của gia đình. Yêu biển, yêu mảnh đất với khá nhiều nét văn hóa Chăm – Việt hòa quyện, ông Đặng Dừng vẫn tỉ mẩn sưu tầm, ghi chép lại lịch sử làng Nam Ô bằng nhiều bài báo, nghiên cứu có giá trị. Ông bảo, không rõ làng Nam Ô có từ khi nào, nhưng có thể khẳng định chủ nhân xưa của làng chính là những người Chăm sống bằng nghề đi biển… Từ sự tiếp biến văn hóa này, truyền thống nghề biển và tục thờ Cá Ông được dân làng lưu giữ. Cũng từ tín ngưỡng biển, ở đây dân làng đã chôn cất, thờ cúng nhiều ông Cá Ông… Bảo tàng Đà Nẵng hiện đã dành riêng một không gian tái hiện, trưng bày về con người, văn hóa, lễ hội văn hóa biển. Những hình ảnh như ghe bầu – đặc trưng của người xứ Quảng nói riêng và của cư dân biển miền Nam Trung Bộ nói chung; đặc biệt là lễ hội cầu Ngư – nét đẹp mang đầy ý nghĩa, tiêu biểu nhất trong đời sống tâm linh, sinh hoạt văn hóa của ngư dân vùng biển Nam Trung Bộ. Hằng năm, ngư dân các vùng biển đều tổ chức lễ cầu ngư vào dịp đầu xuân, cầu cho một năm sóng yên biển lặng, đánh bắt thuận lợi. Biển mang lại cho người dân nơi đây những nguồn lợi phong phú, tuy nhiên môi trường làm việc ấy cũng chứa đựng nhiều rủi ro, bất trắc, nhất là trong mùa mưa bão. Bởi vậy mà trong sinh hoạt ngư nghiệp truyền thống của ngư dân có những hình thức tín ngưỡng thờ cúng riêng để mong mưa thuận gió hòa, được các đấng thần linh che chở, bảo vệ họ trong những chuyến đi biển. Lễ hội cầu ngư cũng chính là dịp để ngư dân cùng gặp gỡ, chúc nhau những chuyến vươn khơi tôm cá đầy khoang. Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết: Không gian văn hóa biển Đà Nẵng được trưng bày tại bảo tàng hiện nay cũng như nhiều hiện vật quý về văn hóa biển tại bảo tàng mang giá trị lịch sử đặc biệt. Đây chính là sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là không gian lưu trữ xác thực các bằng chứng liên quan đến chủ quyền và kinh nghiệm ứng xử với biển bao đời nay của ngư dân. Đặc trưng văn hóa biển là văn hóa tâm linh, mỗi khi ngư dân ra biển luôn tâm niệm có người mẹ chở che giông bão. Yếu tố thờ mẫu là gốc của người Việt nhưng khi đến đây có sự giao thoa với văn hóa Chăm, cho nên ngư dân ven biển Nam Trung Bộ đã hình thành nền văn hóa mới đó là văn hóa âm tính. Và cũng chính những ngư dân này sáng tạo ra nhiều loại hình văn học nghệ thuật, như: hò bá trạo, bài chòi, hát bội, nghệ thuật hát chầu văn hầu đồng múa bóng, lễ hội cầu ngư… phục vụ đời sống văn hóa tinh thần. Lễ hội tháp Bà ở tỉnh Khánh Hòa được công nhận Di sản văn hóa cấp quốc gia. Tục thờ mẫu chiếm vị trí rất quan trọng trong đời sống của ngư phủ vùng đất Khánh Hòa. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Tứ Hải, Phó Giám đốc Nhà hát tuồng Khánh Hòa cho biết: Di chỉ Bích Đầm trên đảo Hòn Tre thuộc phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang được khai quật và xác định nền văn hóa Xóm Cồn – Nha Trang có niên đại hơn 4.000 năm. Đây là một nền văn hóa biển tiêu biểu ở Khánh Hòa, là chiếc cầu nối các văn hóa đương thời ở lưu vực sông Đồng Nai với khu vực miền trung và Tây Nguyên. Văn hóa Xóm Cồn là văn hóa hướng ra biển; nói rộng hơn, là một trong những cội nguồn của văn hóa Sa Huỳnh, sự giao lưu văn hóa từ mấy nghìn năm nay giữa đảo Khánh Hòa với nhiều đảo ngoài khơi Thái Bình Dương. Điều đó nói lên cái nhìn hướng ra biển và sắc thái tâm thế gắn với biển, tư duy biển in đậm trong dấu ấn văn hóa của con người trên mảnh đất Khánh Hòa. (Còn nữa) |
ĐÀO TRÍ HÙNG và HỒNG KẾ NGUYÊN
Nguồn: Nhandan.com.vn Lê Thị Hồng Nhung đăng bài |