Lan Anh, PV

Trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc 2021 của tỉnh Đắk Lắk, tại đường sách cà phê Buôn Ma Thuột, Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Công ti Cổ phần Sbooks đã tổ chức buổi giao lưu, ra mắt tập truyện ngắn Phía nào sương thôi rơi của nhà văn Niê Thanh Mai.

Buổi giới thiệu sách diễn ra hôm 18/4, mở đầu cho chuỗi hoạt động Ngày sách – Văn hóa đọc tại Đắk Lắk Ảnh:

Niê Thanh Mai là một tác giả văn xuôi Tây Nguyên, trưởng thành từ phong trào viết trẻ, và là một trong số không nhiều cây bút nữ dân tộc thiểu số. Chị từng được bạn đọc biết đến qua các tập truyện ngắn Suối của rừng, Về bên kia núi, Ngày mai sáng rỡ. Phía nào sương thôi rơi là tập truyện ngắn thứ 4 của chị do Nhà xuất bản Văn học liên kết với Công ti Cổ phần Sbooks ấn hành. Đây là tập hợp gồm 17 truyện ngắn được nhà văn Niê Thanh Mai viết và đăng rải rác trên các báo, tạp chí văn nghệ trong những năm gần đây.

Mỗi truyện ngắn trong tập sách là một nét vẽ với gam màu đặc biệt, đặc trưng của riêng tác giả để tạo nên bức tranh Tây Nguyên đầy màu sắc và ẩn sâu là những trăn trở về cuộc đời, kiếp người trong cuộc sống hiện đại nhiều cám dỗ; về sự giằng co giữa bảo tồn, gìn giữ, hòa nhập của từng phận người, của văn hóa truyền thống trong các buôn làng với cuộc sống hào nhoáng, nhộn nhịp nơi phố thị… Mỗi truyện là lời thì thầm, tâm tình của tác giả và gợi ra câu hỏi mở, để từng người đọc như tự tìm câu trả lời và có kết thúc cho riêng mình.

Buổi giao lưu, giới thiệu về tập sách đã được tổ chức tại chính quê hương tác giả, nơi Niê Thanh Mai làm việc và sinh sống trong khuôn khổ Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2021 tại không gian đậm bản sắc Tây Nguyên – Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột. Trong buổi giới thiệu tập sách, bạn đọc đã được nghe hai nhà văn đến từ Hà Nội là nhà văn Võ Thị Xuân Hà và nhà văn Nguyễn Đình Tú chia sẻ về những trang viết của tác giả Niê Thanh Mai; đồng thời được giao lưu với chính tác giả của tập truyện ngắn. Niê Thanh Mai đã tâm sự về quá trình hình thành, cảm hứng sáng tác các truyện ngắn, cùng những câu chuyện văn chương bên lề đầy ý nghĩa với những bạn đọc yêu quý chị.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà tặng hoa chúc mừng tác giả. Ảnh: PV

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà cảm nhận về tác phẩm mới nhất của Nie Thanh Mai: “Tôi cứ nghĩ, người đàn bà viết văn này không phải đang “làm văn”, mà dẫn ta đi vào buôn vào bản, luồn sâu vào rừng già, đi trong lau lách, trong tầng tầng lớp lớp cát bụi thảo nguyên; vừa đi vừa kể những câu chuyện đâu đó mà trong tiềm thức của chúng ta hình như có, hình như đã quên, hình như chưa được sờ nắm, và giờ được chạm vào… Tất cả những sù sì thô ráp núi rừng, những tinh tế của câu chữ và sự da diết ấm áp trong lành như nước nguồn của mạch văn Niê Thanh Mai tạo nên một bút pháp văn chương thuần tính dân tộc Việt”.

Còn nhà văn Phan Mai Hương thì lại ấn tượng bởi những nhân vật nữ trong những sáng tác của Niê Thanh Mai. Chị nhận xét, chất Ê Đê trong văn Niê Thanh Mai khá đậm nét, chính điều đó đã làm nên thế giới riêng của chị. Nhân vật trong Phía nào sương thôi rơi có nhiều lứa tuổi, từ bé gái 10 tuổi phải lo toan chăm em coi sóc nhà cửa trong vai bà chủ gia đình đến bà cụ già lụm cụm ngồi chờ con ở quầy rau nhỏ xíu đầu làng. Từ người đàn bà lăng loàn bỏ chồng bỏ con bỏ buôn làng đi ra phố kiếm tìm hạnh phúc hào nhoáng nơi phố thị, đến người đàn bà nhẫn nhịn buộc thân mình trong bát cà đắng âm thầm chịu đựng những đắng cay. Từ người đàn bà gây dựng tiền bạc giàu bằng đôi bàn tay để thứ gì cũng có mà khi cuối đời nhận ra mình không đủ đầy khi thiếu tình yêu. Từ người mẹ cay nghiệt cấm đoán tình yêu của con cái theo lí lẽ riêng của mình đến người mẹ mở lòng bao dung nhân hậu bao bọc chở che con cái. “Bao nhiêu nhân vật đàn bà là bấy nhiêu cách ứng xử, có thể là bất ngờ, có thể theo lẽ thường, có thể làm thỏa mãn người đọc kiểu kết có hậu, có thể làm cho tiếc nuối sao không thế này mà lại thế kia? Niê Thanh Mai đã làm cho người đọc hiểu nhiều hơn tâm lí và thân phận người phụ nữ Tây Nguyên trong cơn lốc xâm nhập của đời sống thị thành, khi mà những cố gắng giữ gìn không gian sống đậm chất Tây Nguyên trở nên mỏng manh và khó khăn bởi ý thức vật chất và thực dụng ngày càng lấn át đời sống con người”, nhà văn Phan Mai Hương cho biết.

Niê Thanh Mai giao lưu cùng khán giả – độc giả quê hương chị. Ảnh: PV

Nhìn nhận về dòng văn học dân tộc thiểu số nói chung qua một trường hợp cụ thể là Niê Thanh Mai, nhà thơ Lê Vĩnh Tài, một tác giả cũng sinh sống tại Đăk Lăk có nhiều tìm tòi đổi mới ngôn ngữ thơ, cho rằng, “đó chính là cuộc sống hàng ngày của họ, một cuộc sống họ vẫn chạm vào, sờ mó vào ngay chính sức mạnh siêu nhiên ấy mà chả cần phải giải thích đó là nhân sinh quan hay thế giới quan gì cả. Cho đến khi chúng ta dán cho nó cái mác văn chương…”

Niê Thanh Mai là nữ tác giả dân tộc Ê Đê. Hiện chị là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.

gày sách – Văn hóa đọc tại Tây Nguyên diễn ra sôi động với nhiều hoạt động phong phú, thu hút khá đông công chúng tham gia. Ảnh: Trình diễn tác phẩm trong buổi giới thiệu sách.

Trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2021 của Đắk Lắk do Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cùng Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk phối hợp tổ chức, ngoài buổi giới thiệu sách của tác giả Niê Thanh Mai còn có các hoạt động như trưng bày các loại sách theo chủ đề, tọa đàm về các tác phẩm đề tài chiến tranh cách mạng, thư viện lưu động, các hoạt động văn hóa nghệ thuật và trải nghiệm dành cho bạn đọc nhỏ tuổi, thi giới thiệu sách của đại sứ văn hóa đọc, triển lãm ảnh… Tất cả đã tạo nên một không khí tôn vinh văn hóa đọc trên mảnh đất trung tâm của Tây Nguyên.

Theo vannghequandoi.com.vn

Hồng Nhung đưa bài

Exit mobile version