Du Nguyên
Trong phần mở đầu tuyển tập “시인” (dịch: Thi sĩ) mới ra mắt ngày 15/10 tại Hàn Quốc, giáo sư văn học của Đại học Busan viết, “người Việt có khí chất nghệ sĩ”.
Theo ông Yangsoo Bae, người Việt giỏi đấu tranh chống lại kẻ thù và viết văn chương. Người Việt nào cũng có thể viết một bài thơ.
Lấy ý từ câu “Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc/ Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn”, giáo sư nhận định: “Thơ là lẽ sống” của người Việt.
Tuyển thơ được xuất bản bằng tiếng Hàn; tuy nhiên ở bìa tuyển tập, ông vẫn để chữ Thi sĩ như một cách trân trọng tấm lòng với thơ ca của dân tộc Việt Nam.
Tuyển thơ dày 253 trang, gồm thơ của các tác giả sống qua nhiều thời kỳ như Hồ Chí Minh, Tản Đà, Thế Lữ, Xuân Diệu, Hữu Loan…; Trần Anh Thái, Nguyễn Quang Thiều, Phan Thị Vàng Anh, Đỗ Thị Tấc… cho đến Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nguyễn Hữu Hồng Minh,… Tổng cộng có gần 60 nhà thơ xuất hiện trong tuyển tập Thi sĩ.
Ông Yangsoo Bae bắt đầu dịch thơ Việt vào đầu những năm 2000, xuất phát từ lời nhờ giới thiệu những bài thơ Việt Nam của tạp chí Thi Bình (Hàn Quốc).
Ban đầu, ông chọn tác giả qua giới thiệu của các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam, chủ yếu từ các thầy cô đến từ đại học Sư phạm Hà Nội. Sau đó, ông tự tìm hiểu và chọn tác phẩm trên mạng.
Khi dịch, giáo sư Yangsoo Bae trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, nhất là những thi phẩm trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Ông ví dụ, Màu tím hoa sim của Hữu Loan, Quê hương của Giang Nam, Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân,… “Thậm chí, có lúc tôi không thể ngừng khóc”, ông tâm sự.
Sau đó, ông có cơ hội đến gần hơn với tâm hồn người Việt qua những lần giao lưu với các nhà thơ hiện thời như Nguyễn Quang Thiều, Trần Anh Thái, Mai Văn Phấn, Khánh Chi, Vi Thùy Linh…
“Tôi cảm nhận được nỗi đau và nỗi thống khổ của người dân Việt Nam và nhìn thấy hy vọng và tương lai của họ”, giáo sư Yangsoo Bae chia sẻ cảm nhận khi đọc thơ của các nhà thơ Việt Nam.
Giáo sư Yangsoo Bae là du học sinh đầu tiên của Hàn Quốc tại Việt Nam vào đầu năm 1991 nhưng chưa thể học ngay được. Năm 1992, ông bắt đầu học chương trình thạc sĩ ở Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội và “nhảy” vào nghiên cứu văn chương Việt Nam.
Nguồn: Báo Phụ nữ