Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2015 vừa khai mạc đã nhận được nhiều ý kiến tranh cãi khi không có sự xuất hiện của các nhà giám tuyển (curator) tham gia vào công tác tuyển chọn tác phẩm. Đây là một trong những lý do thiếu vắng các tác phẩm nghệ thuật đương đại.

Triển lãm gốm và người do Giám tuyển Lê Thiết Cương thực hiện

Có cần thêm người “đỡ đầu”?

Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2015 không phải là kỳ tổ chức đầu tiên bị chỉ trích vì sự thiếu vắng vai trò của giám tuyển trong quá trình kêu gọi và tuyển chọn tác phẩm. Festival mỹ thuật trẻ, Triển lãm mỹ thuật khu vực cũng bị các nhà phê bình mỹ thuật thẳng thắn chỉ ra vai trò độc tôn của Hội đồng Nghệ thuật khi chỉ biết thụ động ngồi nhận tác phẩm và chấm giải, thay vì đi đến từng họa sỹ, chọn lọc và tuyển lựa tác phẩm.

Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng cho rằng, dù ít hay nhiều thì Triển lãm mỹ thuật toàn quốc nên có sự xuất hiện của các giám tuyển. Nếu như phần tranh tượng để cho Hội đồng xét giải thì các loại hình nghệ thuật mới như sắp đặt, video art, trình diễn, sắp đặt nên để các giám tuyển giúp đỡ. Đây là các loại hình đặc biệt cần sự giúp sức và “đỡ đầu” của các giám tuyển. Họ biết rõ hơn ai hết nghệ sỹ trẻ này đang có dự án nghệ thuật đương đại nào và có phù hợp với cuộc phô diễn về sức mạnh của giới mỹ thuật hay không. 

Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng tiết lộ thêm, ngoài vai trò phát hiện tài năng và tác phẩm, giám tuyển còn đóng vai trò là người hướng dẫn, chỉ đường cho nghệ sỹ làm loại hình nghệ thuật mới biết được hướng đi cần tới. Vì thế, các cuộc triển lãm gần đây, công chúng hiếm khi được thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật đương đại cũng vì thiếu đi vai trò của giám tuyển tại các triển lãm công lập. Trước những lập luận này, ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm khẳng định: “Không thể phủ nhận vai trò của các giám tuyển tại các triển lãm ngoài công lập. Họ chính là hạt nhân hình thành nên các cuộc triển lãm có chất lượng”.

Nhà văn Lê Anh Hoài tham gia dự án nghệ thuật “Ra đường”
do giám tuyển Ngô Lực thực hiện

Nghề khắc nghiệt

Trong khi các ý kiến tranh luận còn chưa ngã ngũ thì công chúng đã lờ mờ nhận ra vai trò của các nhà giám tuyển với trọng trách dẫn đường, chỉ lối cho một kỳ triển lãm thành công. Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là, tại sao quan trọng như vậy nhưng các giám tuyển không được tham gia vào quá trình tổ chức, kiến thiết nên các cuộc triển lãm do Nhà nước tổ chức? Ông Trần Khánh Chương – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam giải thích, đối với các cuộc triển lãm công lập thì Hội đồng Nghệ thuật chính là các giám tuyển. Dù không làm nhiệm vụ kết nối, phát hiện tài năng nhưng bằng việc chấm điểm tác phẩm, các thành viên hội đồng chính là người tuyển chọn và đánh giá tác phẩm.

Với lời giải thích này của ông Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, điều đó đồng nghĩa với việc dù quan trọng là thế nhưng phạm vi hoạt động của các giám tuyển chỉ bó hẹp tại các sân chơi nghệ thuật ngoài công lập. Ở đó, họ được thỏa sức thể hiện khả năng tổ chức, tìm kiếm tác phẩm. Công chúng vẫn còn nhớ rất rõ các dự án nghệ thuật đương đại từng gây xôn xao dư luận như “Xuống đường”, “Ra chợ” của giám tuyển Ngô Lực. Dù còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng rõ ràng, các dự án này đã đánh mạnh vào mô hình tổ chức triển lãm công lập, tiếp cận gần hơn với công chúng, đưa nghệ thuật từ không gian khép kín bước ra đường phố. 

Tại Việt Nam, lực lượng làm giám tuyển khá mỏng do những khó khăn trong điều kiện làm việc. Phần lớn, các nhà giám tuyển Việt Nam không được đào tạo bài bản. Họ thường là các nghệ sỹ đi lên bằng con đường tự học. Chỉ cần ngoại ngữ tốt, am hiểu văn hóa, mỹ thuật và có các mối quan hệ sâu rộng trong giới, một nghệ sỹ đã có thể trở thành nhà giám tuyển. Tuy nhiên, điều kiện đủ để một nghệ sỹ có thể hoạt động độc lập như một nhà giám tuyển lại đến từ vấn đề kinh tế. Giám tuyển cần rất nhiều tiền để mạnh dạn thực hiện các dự án nghệ thuật đương đại. Nguồn vốn phần lớn được lấy từ các quỹ văn hóa của nước ngoài, các đại sứ quán tài trợ cho nghệ sỹ thực hiện. 

Giám tuyển là một nghề khắc nghiệt và ít được xã hội quan tâm. Bằng chứng là, các cuộc triển lãm công lập không có vị trí cho các nhà tuyển chọn tác phẩm hoạt động. Họ thường làm việc bán chuyên, vừa làm nghệ sỹ, vừa làm giám tuyển. Điều đó đã dẫn đến các dự án nghệ thuật đương đại không đi đến tận cùng của ý tưởng, mà thường hụt hơi, nửa vời.

Theo Phạm Thu Hương – An ninh Thủ đô

Exit mobile version