Huyền thoại phim hoạt hình Nhật Hayao Miyazaki khinh thường các phim chuyển tải chủ đề Thiện-Ác một cách thô thiển kiểu Disney. Phim của ông ca ngợi cuộc tranh đấu của trẻ con với thế giới phức tạp và xám xịt của người lớn.

Mọi tiếng động của đại đô thị Tokyo

… như bị dập tắt trên tầng thượng xưởng phim hoạt hình Ghibli. Gió thổi rất khẽ trên biển nhà, lay động các ngọn cây và làm rối mớ tóc bạc như cước của nhà đạo diễn.  Hayao Miyazaki nhắm mắt rít thuốc, có vẻ như ông lại mơ được bay như chim, vì hầu như phim nào của ông cũng được thể hiện từ góc nhìn trên mây.

Ở Nhật Bản, người ta tôn thờ ông như một vị anh hùng dân tộc. Phim của ông vượt mặt mọi tác phẩm bom tấn quốc tế. Phim cổ tích về sự biến mất thần kỳ của Chihiro là phim hoạt hình được nhiều giải thưởng nhất thế giới, trong đó có giải Oscar 2003. Giải Oscar cho thành tựu trọn đời được trao cho ông năm nay. Bản thân John Lasseter, giám đốc mảng phim hoạt hình của Disney cũng gọi ông là nhà làm phim hoạt hình số 1 thế giới đang sống: “Phim của ông làm tâm hồn tôi tràn ngập động cơ tự tay tạo ra được những gì tương tự”.

Do Astrid Lindgren không chịu nhượng bản quyền “Pipi tất dài” nên Isao Takahata và Hayao Miyazaki làm phim “Heidi”, nay đã thành tác phẩm kinh điển của thế giới

Trong thế giới phim hoạt hình, Miyazaki đứng ngang hàng với Thượng đế. Nhưng là một Thượng đế đã về hưu. Mới trước đây mấy hôm, ông làm lễ sinh nhật thứ 75 và trao lại món quà tuyệt vời cho hậu thế: phim “Kaze Tachinu” dựa trên tác phẩm manga của chính mình. Dấu kết cho một sự nghiệp có một không hai.

“Tôi là một người của thế kỷ 20, và tôi không muốn gì nữa ở thế kỷ 21” – đó là lời nhắn nhủ của ông trong cuốn phim tài liệu “Vương quốc của mơ mộng và điên rồ”. Trong chiếc yếm họa sĩ lấm lem màu vẽ, ông thoăn thoắt đi lại giữa các phòng vẽ, năng lượng và lòng đam mê của ông khiến các cộng tác viên trẻ ghen tị. Nhưng tuổi tác là thứ không thể giấu mãi được.

Đạo diễn kiêm họa sĩ Hayao Miyazaki ghét máy tính, phim của ông toàn làm thủ công, vẽ từng hình bằng bút, dù ông biết công nghệ đó sẽ tuyệt chủng

Ngắm căn nhà ngoại ô của ông

… người ta dễ nhận ra nhà làm phim thiên tài này mê tín và lý tưởng hóa châu Âu đến mức nào. Tường ngoài được phủ các tấm gỗ sơn đen giả đá như nhà miền núi ở Đức hay Thụy Sĩ. Ngoài vỉa hè là chiếc ô tô Citroen 2CV cổ lỗ. Nhưng Miyazaki không lấy cảm hứng từ nơi xa đó, mà có triết lý riêng của mình về mặt phải và mặt trái của nghệ thuật. “Làm phim khổ lắm”, ông vừa nói vừa cười giữa hai hơi thuốc, và vợ ông cười theo. Cho đến hôm nay, ông còn vẽ bút lông trên giấy, trong khi mọi người trong nghề của ông cúi rạp trước công nghệ máy tính và các kỹ xảo gần như vô biên.

Và từ những nét bút lông đơn sơ ấy hiện ra những thế giới ảo diệu của trí tưởng tượng sục sôi. 11 phim truyện theo trường phái manga của ông đều nói lên nỗi lo của trẻ con sẽ “bị lớn lên”, bất kể những đứa trẻ ấy ở dạng robot, ma, lợn, phi công v.v.

Và ai cũng phải biết bay, không chỉ vì đó là ước vọng từ ngàn đời của loài người, mà từ trên cao sẽ nhìn rõ những vấn đề dưới đất không giải quyết nổi. “Tôi không bao giờ làm phim có trẻ con tuyệt vọng và chạy trốn”, có lần Miyazaki từng tuyên bố. Trong phim của mình, ông bắt trẻ con làm nhiều việc bất thường và phi thường, song có lẽ vì thế chúng yêu ông như ông tiên.


Hayao Miyazaki, huyền thoại phim hoạt hình Nhật Bản

Tuổi thơ của Hayao Miyazaki

… diễn ra ở Tokyo. Gia đình ông kiếm bộn tiền nhờ cung cấp phụ tùng phi cơ trong Thế Chiến II, đó đồng thời là một cảm hứng cho giấc mơ bay sau này. Lên đại học, Miyazaki trở thành tín đồ của Karl Marx và phản đối chủ nghĩa dân tộc kiểu Nhật. Khi làm việc cho xưởng phim hoạt hình Toei Douga Studio, ông may mắn được sư phụ Isao Takahata bảo trợ và tìm được một cách biểu đạt ý chí. “Phim của tôi phản ánh sự  khinh bỉ đối với cha mẹ tôi, vì họ không để mắt đến tôi.” Takahata dạy ông thể hiện ý nghĩ của mình bằng bút lông và màu nước.

Dự án đầu tiên của hai thầy trò mang tên Taiyo no Oji: Horusu no Daiboken là một trong những thành công đầu tiên vượt biên giới Nhật để đến châu Âu và Hoa Kỳ. 1974 thì cú đột phá ngoạn mục đưa Miyazaki ra thế giới: phim Heidi chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Johanna Spyri, một nữ anh hùng nhí trong cuộc chiến với các mâu thuẫn của thế giới người lớn – sợi chỉ đỏ này rồi sẽ xuyên suốt mọi tác phẩm của ông. Vẫn Takahata là người cùng Miyazaki chuyển thể truyện manga “Kaze no Tani no Naushika” của ông lên màn bạc năm 1984.

Ở đây, một công chúa nhỏ bé chiến đấu vì sự chung sống giữa người và thiên nhiên, sau khi nền văn minh đã lụi tàn. Sau thành công này, hai người cùng lập xưởng phim riêng mang tên Ghibli, lấy tên một con gió nóng trên sa mạc Sahara, và con gió ấy sẽ thổi bạt công nghiệp phim hoạt hình theo một hướng mới.

Hệ thống phát hành phim của Mỹ

… có công đưa tác phẩm của Hayao Miyazaki ra khắp thế giới và rõ ràng góp phần vào thành công tài chính của ông, nhưng thật khó thuyết phục ông có cảm tình với Hollywood.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông nói rõ: “Người Mỹ muốn có phim bom tấn và thu lãi lớn. Tôi thì ngược lại, tôi muốn tạo ra một tác phẩm nghệ thuật trước tiên. Vì vậy tôi không bịt mắt trẻ con trước những nỗi khổ ải trên thế giới này: chiến tranh, khủng hoảng kinh tế, tàn phá môi trường. Nếu ta không nhìn thẳng vào thực tế thì sẽ không thể kể chuyện cho trẻ con được. Hay nói sổ toẹt ra là Disney lừa trẻ con. Nhiều phim Mỹ cũng giống thế, họ thu gọn mọi xung đột của thế giới này vào một công thức rất đơn giản là Thiện thắng Ác. Tôi không làm phim kiểu ấy”.

Các tác phẩm của ông không áp đặt cho người xem một thông điệp thuận tai nào, mà bắt cả trẻ con phải đối đầu với nỗi đau và tính phức hợp của cuộc đời, đồng thời cũng chìa bàn tay nâng đỡ chúng. Điện ảnh cần những người lội ngược dòng thành công như thế, rất tiếc là ông đã rửa tay gác kiếm.

Chúc mừng sinh nhật ông, dù muộn mất vài hôm, Hayao Miyazaki vĩ đại!

Theo Lê Quang – Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Exit mobile version