Đã gần 30 năm nhưng nhắc lại, nhiếp ảnh gia Dương Minh Long vẫn không quên ngày anh gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lần đầu tiên. Đó là ngày 25/10/1990 tại trụ sở Hội Âm nhạc TP HCM. Và đó trở thành cái mốc định mệnh trong cuộc đời của Dương Minh Long. Từ một người yêu nhạc Trịnh, hâm mộ Trịnh Công Sơn, anh đã trở thành người bạn, người em, người sống cùng nhà và người ghi lại một khối lượng tư liệu hình ảnh quý giá về nhạc sĩ Hạ trắng.


Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh: Dương Minh Long

11 năm gắn bó với Trịnh

Sau cuộc gặp gỡ đầu tiên, hai người nghệ sĩ theo đuổi 2 loại hình nghệ thuật dần trở nên thân thiết. Và cuối cùng, Dương Minh Long quyết định toàn tâm toàn ý theo đuổi một “dự án” lớn của cuộc đời: chụp ảnh tư liệu về Trịnh Công Sơn. Trong 11 năm liên tục (trong giai đoạn nhạc sĩ 30 đến 41 tuổi), Dương Minh Long đã ghi lại mọi khoảnh khắc cuộc đời của Trịnh Công Sơn. Anh cũng từng có hơn 4 năm sống trên lầu hai của ngôi nhà trên phố Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TP HCM cùng người nhạc sĩ tài hoa.

“Khi ai đó đến với thần tượng của mình, họ đều choáng ngợp. Nhưng tiếp xúc gần gũi, cùng ăn uống sinh hoạt, nghỉ ngơi tại nhà của anh Sơn, tôi phát hiện anh là một con người rất khác. Qua thời gian sống cùng anh, tôi cảm nhận được chân dung tinh thần rõ rệt hơn về Trịnh Công Sơn.”- Dương Minh Long kể lại: “Tôi ở trong nhà anh Sơn từ năm 1993 – 1997. Lúc đó người nhà anh ấy bận bịu công việc ở nước ngoài chưa về Việt Nam. Anh Sơn đề nghị tôi mua 1 căn nhà gần nhà anh ấy nhưng vì gần nhà xa ngõ nên tôi chuyển luôn về sống trong nhà anh”.

Dương Minh Long gần như thường xuyên xuất hiện trong các sự kiện có mặt Trịnh Công Sơn lúc bấy giờ. Từ cuộc sống hằng ngày, đến lúc tụ tập với bạn bè hay tập nhạc cùng các nhạc sĩ Thanh Tùng, Từ Huy, Trần Long Ẩn, Nguyễn Ngọc Thiện… anh đều theo sát và ghi lại những bức hình và cẩn thận ghi chú, cất giữ. “Anh ấy đến đêm nhạc, đến thăm bạn bè, ca hát ở khắp nơi. Thỉnh thoảng anh đi các tỉnh như An Giang, Đà Lạt, Sông Bé…”.

Điều đặc biệt là sống chung từ năm 1993 – 1997 nhưng nhiếp ảnh gia gốc Bắc không thể lý giải nổi nhạc sĩ Hạ trắng dành thời gian nào trong ngày để sáng tác. “Thư phòng làm việc của anh ấy rất ‘ngăn nắp’ trong sự bộn bề riêng. Hiếm lắm mới có người được vào thư phòng riêng của anh; ngoại trừ tôi và hai cô giúp việc.” Dương Minh Long nhớ lại. “Tôi không hình dung nổi lúc nào anh ấy dành cho việc sáng tác nhạc. Thường khi một bản nhạc hoàn thành anh ấy mới công bố và chỉ lúc đó anh Sơn mới cho tôi và vài người thân thiết được biết đến tác phẩm mới.”

Trịnh Công Sơn và niềm đam mê nhiếp ảnh

Theo lời nhiếp ảnh gia Dương Minh Long, bên cạnh sáng tác nhạc, ít ai biết rằng cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người mê chụp ảnh và có nhiều bạn là nhiếp ảnh gia trong và người nước.

“Trước năm 1975, anh Sơn đã là người mê máy ảnh và hiểu biết về nhiếp ảnh rất kỹ. Anh biết nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới, bạn bè nhiếp ảnh quốc tế rất nhiều. Có thể nói không quá lời, Trịnh Côn Sơn mê trở thành một người chụp ảnh. Ở gần anh Sơn trong một quãng thời gian, khi nào người hoạt động nhiếp ảnh mà không để cho anh Sơn biết thì thường mang lại hiệu quả hình ảnh truyền cảm hơn là sắp đặt anh ấy”.

Dương Minh Long cho biết, Trịnh Công Sơn là người rất quan trọng lễ nghi và sự chỉn chu trong cuộc sống đời thường. Anh kể: “Trong những buổi giao lưu với giới văn nghệ sĩ hay người hâm mộ, anh Sơn đều có thái độ, cách ứng xử là con người chỉn chủ. Bất kể anh gặp ai, già hay trẻ, người nổi tiếng hay chưa gặp bao giờ anh ấy cũng đều giữ lễ; đôi khi quá khắt khe với ứng xử của mình”.

Khi đón tiếp đồng nghiệp, những cô gái trẻ hay “bạn rượu”, nhạc sĩ có cách ứng xử như một người thầy giáo. Trịnh Công Sơn lựa chọn áo, giày phù hợp với từng hoàn cảnh, tính chất của buổi gặp gỡ. “Cuộc hẹn có thể lúc 10h nhưng từ 8h sáng anh ấy đã lựa chọn trang phục sao cho tươm tất nhất” – Dương Minh Long tiết lộ thêm: “Ít ai biết được rằng tủ giày của anh Sơn có trên dưới 80 đôi và đôi nào cũng đẹp”

Khối tư liệu quý giá chưa công bố

Kỷ niệm 15 năm ngày mất Trịnh Công Sơn, triển lãm mang tên Khói trời mênh mông đã được tổ chức và trưng bày những tác phẩm lấy cảm hứng về cố nhạc sĩ. Đây có lẽ cũng là lần hiếm hoi Dương Minh Long quyết định “đóng góp” bằng 4 bức ảnh Trịnh Công Sơn chụp ở cùng một không gian nhưng 4 thời điểm khác nhau.

“Từ ngày anh Sơn mất tôi mới chỉ chỉ số hóa lại khoảng 30 – 35 bức ảnh trong tổng số gần 8.000 bức ảnh được lưu giữ trong các cuộn phim. 99% bức ảnh tôi chụp anh Sơn chưa bao giờ tôi đưa cho anh xem. Cũng như khi anh Sơn viết nhạc cũng không bao giờ tôi biết và anh ấy cũng chỉ cho tôi xem khi bài hát đã hoàn thiện”.

Với một khối tư liệu không hề nhỏ như vậy nhưng cho tới nay, công chúng yêu quý Trịnh Công Sơn thậm chí giới trong nghề cũng mới chỉ được tiếp cận khá hạn chế. Dương Minh Long giải thích: “Không phải tôi không muốn chia sẻ những tư liệu này nhưng nếu đưa ra, đó phải là một cuốn sách hoặc một triển lãm. Nó phải dẫn dắt một câu chuyện. Không thể vì nể nang có một bài viết của ai đó lại đưa ra một bức ảnh mà không chú thích. Tôi đang cố gắng thực hiện một cuốn sách ảnh hoặc triển lãm nhưng công việc này mất ít nhất vài ba năm, không thể nào nhanh được”.
Theo Nhã Linh – Zing.vn
Exit mobile version