NGUYÊN LINH

Cảnh cãi vã nhau trong hậu trường Vietnam Next Top Model cũng được đưa lên truyền hình.

Nhiều chương trình mang tên “truyền hình thực tế” nhưng lồng quá nhiều yếu tố diễn, trở thành “bộ phim” tồi. Khi “sự diễn” đi quá xa, liệu khán giả còn muốn bỏ thời gian theo dõi?

Nặng tính sắp đặt!

Truyền hình thực tế khi bắt đầu du nhập vào Việt Nam đã tạo nên cơn sốt trên các phương tiện đại chúng. Đó là điều mà những chương trình có tuổi đời lâu năm hơn không có được. Song quá trình bão hòa sau đó diễn ra khá nhanh, thêm nhiều chương trình mới ra đời cạnh tranh từng chút một, khán giả có thêm nhiều lựa chọn, càng đòi hỏi các show thực tế phải tìm cách thu hút người xem và những thượng đế luôn đòi hỏi sự mới lạ.

Một cách khách quan, kịch bản của chương trình trong khi sử dụng, được thêm thắt vào những yếu tố giúp chương trình trở nên hấp dẫn hơn. Giai đoạn đầu, bên cạnh tính thực tế xuyên suốt từ đầu đến cuối, các nhà sản xuất “nêm nếm” gia vị là những tình tiết có thể lấy nước mắt khán giả hoặc gây chú ý đặc biệt. Như “Giọng hát Việt năm 2012” có trường hợp thí sinh khiếm thị tham gia, “Giọng hát Việt nhí năm 2013” có nhiều em nhỏ hoàn cảnh gia đình khó khăn, “Vietnam Next Top Model” năm 2015 có thí sinh nữ cao 1m90… Mẫu số chung của những câu chuyện trên là có mở – thân – kết rõ ràng, nhân vật vượt qua mọi chông gai sẽ đạt được bước tiến nhất định. Từ đó nhà sản xuất thành công, tạo được sự đồng cảm nơi người xem.

Thời gian sau, yếu tố diễn được nâng lên cao trào và khó đoán hơn. Trước kia, mỗi khi xuất hiện trên truyền hình, ai cũng mong muốn tạo dựng ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng. Nhưng với kịch bản vạch sẵn trước mỗi show thực tế, hình ảnh đẹp có lẽ không còn là quan trọng nhất. Như chương trình “Vietnam Next Top Model” mùa mới nhất, đoạn clip mang yếu tố bạo lực giữa một số thí sính vừa được tung ra đã gây xôn xao trong cộng đồng mạng. Không chỉ thí sinh, ngay cả huấn luyện viên hay giám khảo, những người vốn đĩnh đạc ở vị trí “cầm cân nảy mực” cũng dần làm giảm đi hình ảnh của mình. Chương trình “Gương mặt thương hiệu” (The Face), thời gian để huấn luyện viên tranh cãi lấn át cả thời gian lên hình của thí sinh với những nội dung như mầu son môi, quần độn mông, tranh cãi “ai xô đẩy ai”.

Mong người xem nghiêm khắc hơn!

Khán giả thường bị níu chân bởi sự mới mẻ, lạ lẫm. Nhưng nhà sản xuất đem cả những tình tiết xấu xí lên sóng truyền hình, ít nhiều cũng có sự “thỏa hiệp” từ công chúng. Có những trường hợp còn mang yếu tố dàn dựng ngẫu hứng phía biên tập, có sự chỉnh sửa lời nói, hành động của nhân vật khác với sự thật, nhằm đáp ứng một bộ phận công chúng vốn đã chán những màn đối thoại khuôn sáo, những thí sinh… ngoan hiền, mà thích thú sự bùng nổ giữa thí sinh với nhau, hoặc thí sinh với giám khảo, huấn luyện viên. Theo ThS Nguyễn Minh, giảng viên Khoa Báo chí & Truyền thông, Trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội): Yếu tố diễn xuất trong truyền hình thực tế luôn có, từ khởi thủy của nó cho đến nay. Và chữ thực tế được gán vào không phải thật như cuộc sống mà là một thực tế (khán giả) muốn thấy. Cái thực tế muốn thấy ấy là những giấc mơ, giấc mơ về sự thành công, giấc mơ về việc được nhìn thấy các ngôi sao của mình ăn ngủ hằng ngày thế nào, giấc mơ thành triệu phú. Để đáp ứng đủ loại ước mơ của công chúng, của xã hội, truyền hình thực tế luôn phải biến đổi để đáp ứng”.

Để không “lạm phát” những “bộ phim dán nhãn thực tế”, để các sản phẩm đưa đến công chúng thật sự mang tính “thực tế” như cái tên của nó, có lẽ khán giả nên ý thức hơn về vai trò của mình. Nhìn sang Hàn Quốc như một thí dụ, có những trường hợp khán giả sẵn sàng tẩy chay, lên án những chương trình “diễn” quá đà (như “Idol School”), lạm dụng hình ảnh trẻ em (“Dad, where are we going?”, “The return of superman”), phát ngôn không đứng đắn (“Saturday Night Live Korea”)… Đối với người xem trong nước, đã đến lúc chúng ta cần có cái nhìn nghiêm khắc hơn!

Nguồn: Báo Thời Nay

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version