Ngày 30-5-2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Nhân dịp này, để định hướng cho các cấp ủy Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có bài viết quan trọng với tựa đề “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”. Trong bài viết quan trọng này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu “cần chú trọng phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới có đức, có tài, có uy tín, có triển vọng”, đi đôi với “kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khoá mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu…”. Những ý kiến chỉ đạo trên đây của người đứng đầu Đảng và Nhà nước đã được đa số cán bộ đảng viên và nhân dân ta đón nhận với một niềm phấn khởi, tin tưởng đặc biệt, bởi thông điệp của Đảng đã phản ánh và kết tinh thông điệp của lòng dân.

Ảnh TL

Chúng ta khởi động mọi công việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đại hội Đảng lần này phải thể hiện thật rõ rệt quyết tâm của toàn Đảng toàn dân sẽ tiếp tục và mãi mãi làm theo Di chúc của Người: “giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí của Đảng từ Trung ương tới chi bộ như giữ gìn con ngươi của mắt mình” và “Đảng phải thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, thực sự xứng đáng là người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành của nhân dân…”.

Từ cuộc đời và sự nghiệp của Bác, từ Tư tưởng, Đạo đức, Phong cách Hồ Chí Minh, chúng ta ngày càng thấm thía rằng: để cho Đảng thực sự tiêu biểu “là đạo đức, là văn minh” thì cán bộ đảng viên phải thực sự là những con người chân chính cách mạng, nhất là những người lãnh đạo, trước hết là người đứng đầu. Ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng cho thấy: nếu Văn kiện Đại hội là quan trọng thì việc lựa chọn đúng những con người thực sự xứng đáng vào cơ quan lãnh đạo lại càng quan trọng, bởi thông qua họ, đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng mới đi vào cuộc sống, mới từ khả năng trở thành hiện thực.

Để đảm bảo cho cơ quan lãnh đạo của Đảng ở các cấp, nhất là cấp Trung ương, tập hợp được những người ưu tú nhất, những người thực đức, thực tài xứng đáng với sự ủy thác của Đảng và nhân dân, thì phải “kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, quan liêu, tham nhũng, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm, bản thân hoặc vợ, chồng, con… có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính”. Đây là vấn đề vô cùng hệ trọng, không chỉ đối với việc trước mắt là xây dựng cấp ủy thông qua chuẩn bị và tổ chức Đại hội, mà còn đối với việc tăng cường năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên, của nhân dân với Đảng, tỏ rõ uy tín và ảnh hưởng của Đảng trong xã hội, quyết định sinh mệnh của Đảng cầm quyền. Có làm được như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam mới chứng tỏ được bản lĩnh của một Đảng cách mạng chân chính, một Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự vì dân, nhờ đó mà dân tin, dân theo, dân ủng hộ, dân giúp đỡ và dân bảo vệ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ dẫn lúc sinh thời, đặc biệt trong bản Di Chúc Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta trước lúc mãi mãi đi xa.

Trên phương diện cán bộ và công tác nhân sự, những phát biểu nêu trên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước không chỉ mạnh mẽ, quyết liệt mà còn thấu đáo, tường minh, chú trọng toàn diện, thể hiện sự nhất quán từ quan điểm, thái độ, nguyên tắc và phương châm đến phương pháp và giải pháp; như Bác Hồ thường nói, đó là “cách làm”. Có thể gọi đây là thông điệp của Đảng gửi tới các đại hội qua phát ngôn của người đứng đầu Đảng và Nhà nước. Đó còn là thông điệp gửi tới dân, thấm nhuần tinh thần dân chủ và đề cao đạo đức, kỷ cương, liêm chính trong điều hành chính sự. Đây cũng là thể hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của người đứng đầu, của Ban lãnh đạo cấp cao của Đảng trong việc quan trọng và cần kíp lúc này là chuẩn bị cho Đại hội và tổ chức thật tốt Đại hội.

Về điều này, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi còn giá trị, có sức tỏa sáng soi đường; đặc biệt là những chỉ dẫn về việc phải dựa vào dân mà xây dựng Đảng, chỉnh đốn lại Đảng; căn cứ vào thái độ, nguyện vọng, lòng mong mỏi và ý kiến của dân mà Đảng tự kiểm tra, xem xét lại đường lối, Nghị quyết, chủ trương, chính sách, tự chỉnh đốn tổ chức bộ máy; đồng thời giáo dục, uốn nắn cán bộ. Phải ra sức thực hành dân chủ để chống quan liêu, lãng phí, tham ô, tham nhũng. Phải “tẩy sạch” (chữ dùng của Bác Hồ) chủ nghĩa cá nhân, giặc nội xâm ẩn nấp ở trong lòng người; bởi đó là kẻ thù nguy hiểm nhất, nó phá từ trong phá ra.

Đáp ứng những đòi hỏi hệ trọng, khẩn thiết đó, không những phải đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, của toàn Đảng mà còn phải có sự nỗ lực cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của xã hội với sự tham gia của người dân. Dân ta đủ sáng suốt, kinh nghiệm để tìm đúng người thực Tài, thực Đức cho Đảng. Đã một lòng tin Đảng và theo Đảng, từ những trải nghiệm cuộc sống đời thường, bằng sự nhạy cảm trực tiếp, trực giác, người dân hiểu rõ trong cán bộ, đảng viên, công chức và ngay cả quan chức cấp cao, những ai tận tâm, tận lực vì dân; những ai thực lòng “kính trọng, lễ phép với dân” như Bác dạy và những ai miệng nói vì dân nhưng việc làm chỉ vì mình và vì những “cánh hẩu” của mình; những ai bề ngoài ra vẻ trọng dân nhưng thực ra là họ khinh dân, coi dân không là gì, hứa hão mà thôi. Dân khôn ngoan và sáng suốt khi “chọn mặt gửi vàng”. Dân không dại gì “gửi trứng cho ác”. Điều cần thiết là Đảng tin dân – mà phẩm chất đạo đức trong sáng này của Đảng ta, người dân đã cảm nhận sâu sắc, cuộc sống đã xác tín một cách khách quan. Đảng cần tạo ra môi trường, cơ chế, điều kiện để dân nói tiếng nói trung thực của mình với Đảng, hỗ trợ, giúp đỡ Đảng phát hiện, lựa chọn nhân tài; đồng thời lọc bỏ, ngăn ngừa những diện mạo giả nhân cách, “giả đức”, “giả tài”, không để họ lọt vào cấp ủy, bởi sẽ rất có hại cho dân, cho nước, làm hoen ố thanh danh của Đảng như những bài học đau xót đã xảy ra gần đây.

Bài học mẫu mực trong việc phát hiện nhân tài và bản lĩnh dùng người của Bác Hồ là một trong những tài sản tinh thần vô giá đối với Đảng ta vào lúc này. Là Chủ tịch Chính phủ và Chủ tịch nước, Người đã đích thân viết thư gửi quốc dân đồng bào, chân thành nhờ cậy đồng bào tìm kiếm những người tài đức để mách bảo với Chính phủ, để Chính phủ xem xét và trọng dụng vào công cuộc xây dựng chế độ, kháng chiến và kiến quốc. Người đã ra sức phát huy dân chủ và đem lòng thành thực với động cơ tuyệt vời trong sáng để gây dựng lực lượng, công phu giáo dục, rèn luyện cán bộ, lại hết lòng thương yêu cán bộ để có được lớp lớp thế hệ cán bộ xứng đáng với Đảng với Dân.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí minh, Đảng cần dựa vào dân để dân tìm người thực đức thực tài cho Đảng – mà sâu xa là cho dân, vì dân. Để làm tốt điều này, thực hiện tốt những yêu cầu mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề ra về chuẩn bị nhân sự cấp ủy, chúng ta cần phải coi trọng vai trò và tiếng nói của các đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong việc đánh giá, nhận xét cán bộ, nhất là với những người được giới thiệu vào cấp ủy. Về mặt lý thuyết, trong đội ngũ 5 triệu đảng viên lẽ nào không thể chọn ra mấy vạn, mấy nghìn đảng viên ưu tú nhất, xứng đáng nhất để trở thành cấp ủy viên của Đảng bộ các cấp từ cơ sở đến địa phương? Và trong số đó, có thể tìm ra, tìm đúng những tinh hoa, trên dưới 200 người cho Ban Chấp hành Trung ương. Để làm được điều đó, cần nêu cao quyền và trách nhiệm của đảng viên từ chi bộ trong công tác nhân sự. Công khai, minh bạch, khách quan, công tâm, nghiêm cấm vi phạm dân chủ và tập trung dân chủ trong công tác cán bộ là ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, cần phải được thực hiện nghiêm chỉnh. Và nước Việt Nam với 95 triệu dân, qua hệ thống các tổ chức Mặt trận và các đoàn thể, qua các phương tiện truyền thông, qua dư luận xã hội chính đáng, tích cực được định hướng lành mạnh, nhân dân sẽ cung cấp cho Đảng lượng thông tin vô cùng phong phú, hữu ích, giúp Đảng cân nhắc lựa chọn nhân tài sao cho chính xác và hợp với lòng dân.

Một vấn nạn phải vượt qua, đó là cơ chế xin – cho trong công tác cán bộ, một quy định bất thành văn nhưng tồn tại từ lâu trong thực tế, gây ra bao nhiêu hệ lụy tiêu cực và cả những suy đồi nhân cách mà Đảng ta nêu rõ “các thứ chạy” là chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm… Phải kiên quyết xóa bỏ những thứ “chạy” bất minh bất chính đó. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã có lần chất vấn: chạy ai và ai chạy? Nó lộ ra tất cả sức mạnh cám dỗ của tiền bạc, của những bất minh và bất chính, của sự lệch lạc đến mức bệnh hoạn của nhân cách, phẩm giá con người. Phải có một hệ thống chế tài đủ mạnh và những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt mới khắc phục được!

Suy đến cùng, câu chuyện nhân sự chính là câu chuyện văn hóa – văn hóa ở đời và văn hóa làm người. Ở đời thì phải thân dân; Làm người thì phải chính tâm; như ông cha ta đã từng nêu gương, như Bác Hồ đã thực hành mẫu mực. Mong sao, Đại hội lần thứ XIII của Đảng ta sẽ đi tới quyết định xây dựng Đảng về văn hóa chứ không dừng lại ở xây dựng Đảng về đạo đức, dù đạo đức là phần cốt yếu của văn hóa. Đây là giải pháp cơ bản, lâu dài để Đảng ta thực sự là đạo đức, là văn minh như Bác Hồ đã căn dặn từ Đại hội lần thứ III của Đảng cách nay gần 60 năm; để mỗi lần Đại hội Đảng là mỗi lần để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng dân, trong xã hội; để các cấp ủy do Đại hội bầu ra hiện diện đầy đủ, tốt nhất những nhân cách văn hóa, những đầy tớ, công bộc của dân thực đức, thực tài.

Theo http://baovannghe.com.vn

Exit mobile version