Phương Liên

Tranh lụa Chuyển hàng lên vùng cao của họa sĩ Vi Kiến Minh.

Từ ngày 20 đến 30-9, tại Trung tâm Văn hoá châu Á – Oakland (Oakland Asian Cultural Center) diễn ra Triển lãm “Tranh lụa và sản phẩm lụa Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT và DL), Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Xan Phran-xi-xcô và Trung tâm Văn hóa châu Á- Oakland phối hợp tổ chức, nhằm giới thiệu đến công chúng Mỹ và bạn bè quốc tế về nghệ thuật tranh lụa và sản phẩm lụa tơ tằm đặc sắc của Việt Nam.

Tranh lụa là một chất liệu độc đáo. Cùng với sự phát triển của mỹ thuật hiện đại Việt Nam, nghệ thuật vẽ lụa đã trải qua các giai đoạn với những thay đổi về nội dung và kỹ thuật biểu hiện, có nhiều bước tiến trong xử lý ánh sáng, hòa sắc. Tuy có lúc loại hình này không có nhiều họa sĩ theo đuổi, nhưng qua thời gian, nó vẫn được khẳng định là một chất liệu hội họa độc đáo, mang đậm nét văn hóa Á Đông. Tiếp nối thành công của các thế hệ đi trước, những năm gần đây, một số họa sĩ trẻ đã dày công sáng tác, tìm tòi trong nghệ thuật vẽ lụa, đưa hơi thở cuộc sống đương đại vào tranh lụa thành công.

40 tác phẩm giới thiệu tại triển lãm được chọn lọc từ sáng tác của 29 họa sĩ vẽ lụa tiêu biểu. Tuy chưa thể mang đến một cái nhìn toàn cảnh về nghệ thuật tranh lụa Việt Nam, song, cũng là một bộ sưu tập những tác giả, tác phẩm thuộc nhiều thế hệ; từ tên tuổi thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương như: họa sĩ Nguyễn Tiến Chung (1914-1976); đến lớp kế cận xuất sắc như Lê Thị Kim Bạch, Nguyễn Thụ, Vi Kiến Minh, Lò An Quang…, trẻ hơn nữa là thế hệ 7X, 8X như: Vũ Đình Tuấn, Lê Cù Thuần, Lê Trần Hậu Anh, Lưu Chí Hiếu, Mai Xuân Oanh…, thậm chí có cả gương mặt thế hệ 9X triển vọng như Nguyễn Thùy Linh (sinh năm 1993)…

Nhiều tác phẩm khắc họa thiên nhiên, cuộc sống con người vùng cao, nông thôn và miền núi với vẻ đẹp bình dị, mộc mạc, trong trẻo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, như: Ngày mùa của Nguyễn Tiến Chung, Bến xe ngựa của Lê Thị Kim Bạch, Chuyển hàng lên vùng cao của Vi Kiến Minh, Dệt thảm của Lò An Quang, Làng trên sông của Trần Lưu Tuấn, Những cô gái Mông của Nguyễn Thùy Linh…

Bên cạnh đó, đề tài về cuộc sống đương đại cũng được phản ánh qua một số tác phẩm ấn tượng, như: Chân dung ánh sáng và Con công đang yêu của Vũ Đình Tuấn, Ngày anh đến của Lưu Chí Hiếu, Ngày hè ở biển của Trần Xuân Bình… Trên chất liệu lụa truyền thống với sự óng mịn của tơ, những người nghệ sĩ đã tìm tòi, sáng tạo nên sắc màu riêng cho lụa; kiệm màu, nhuần nhị mà vẫn bừng sáng vẻ tươi tắn của cảnh sắc và con người, giàu sức lay động.

Khai mạc vào một ngày đầu thu trong trẻo ở Xan Phran-xi-xcô, triển lãm nhận được sự đón chào nồng nhiệt của đại diện các cơ quan ngoại giao một số nước tại Mỹ như Xin-ga-po, Phi-li-pin…, cùng đông đảo công chúng yêu nghệ thuật. Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Xan Phran-xi-xcô Hồ Xuân Sơn bày tỏ niềm vui khi lần đầu tiên triển lãm mỹ thuật nước nhà được tổ chức tại đây. “Rất mong Bộ VHTT và DL và các bộ, ngành trong nước phối hợp tổ chức nhiều hơn những chương trình văn hóa nghệ thuật có chất lượng tại Mỹ và các nước trên thế giới. Bởi bên cạnh nhiệm vụ chính trị, ngoại giao, văn hóa, đây còn là cầu nối nhanh chóng và hiệu quả nhất giúp nhân dân hai nước hiểu biết, hòa đồng; góp phần quảng bá, thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển. Chúng tôi luôn cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất để hỗ trợ các hoạt động này”. Ông Sơn khẳng định.

Là người nhiệt tình tiếp nhận và tham gia hoạt động trưng bày Triển lãm “Tranh lụa và sản phẩm lụa Việt Nam”, bà Đôn-na Kau-sit cho biết, vào một dịp gần nhất, bà sẽ tới Việt Nam để được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cuộc sống và con người của những vùng đất trong tranh lụa… Triển lãm “Tranh lụa và sản phẩm lụa Việt Nam” là hoạt động nghệ thuật điểm nhấn trong chương trình quảng bá xúc tiến du lịch Việt Nam năm 2017; góp nhịp cầu kết nối, tăng cường sự hiểu biết; giới thiệu về nghệ thuật, du lịch và đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

 

Exit mobile version