Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức ký kết chương trình đào tạo nhằm đưa di sản ca Huế vào trường học.
Hai bên đã thống nhất phối hợp nhiều nội dung quan trọng, gồm: Đưa di sản nghệ thuật ca Huế vào trường học; tổ chức hoạt động tham quan, học tập cho học sinh tại các bảo tàng trên địa bàn; tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trải nghiệm sáng tác trong lĩnh vực hội họa và điêu khắc cho học sinh.
Hai bên phối hợp tuyên truyền để học sinh tăng cường đăng ký và sử dụng thẻ thư viện, đồng thời tổ chức các tuần lễ đọc sách miễn phí tại các thư viện và phục vụ lưu động tại các trường học; đẩy mạnh công tác giáo dục thể chất trong hệ thống trường học; tăng cường cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo phục vụ công tác giáo dục thể chất ở trường học…
Trước mắt, từ tháng 8/2019, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật thuộc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế (49 Nguyễn Chí Diểu, thành phố Huế) tổ chức đào tạo cho gần 30 giáo viên đang công tác tại các Trường Trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Huế. Chương trình do các giảng viên của trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên – Huế và nghệ nhân ca Huế trực tiếp tham gia giảng dạy, giao lưu trình diễn ca Huế.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Thanh Hải cho biết, Chương trình đưa ca Huế vào trường học gồm hai nội dung: Tập huấn hát ca Huế cho giáo viên Âm nhạc của các Trường Trung học cơ sở và dạy hát ca Huế cho học sinh theo hình thức Câu lạc bộ ca Huế tại một số Trường Trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Huế.
Trong thời gian 3 tháng, các giáo viên còn được đào tạo về: Lý thuyết tổng quan về âm nhạc, văn hóa, lịch sử; tập hát các làn điệu ca Huế; giao lưu với các nghệ sĩ ca Huế; biểu diễn ca Huế giữa các giáo viên tham gia tập huấn. Chương trình đưa ca Huế vào trường học không chỉ đơn thuần là dạy cho học sinh tập hát ca Huế mà còn giúp các em nhận ra những giá trị nhân văn ẩn chứa trong nội dung từng bài.
Còn ông Đặng Phước Mỹ, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên – Huế cho rằng, việc đưa ca Huế vào trường học sẽ giúp các em có niềm đam mê với ca Huế nói riêng và âm nhạc truyền thống dân tộc nói chung, có khả năng thực hành biểu diễn, cảm thụ những làn điệu ca Huế, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản ca Huế.
Việc phối hợp đưa di sản ca Huế vào trường học còn góp phần đẩy mạnh các hoạt động về văn hóa, văn nghệ, thể thao trong trường học, góp phần rèn luyện thể lực cho học sinh, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh cho học sinh, sinh viên.
Ngoài ca Huế, lâu nay các trường học trên địa bàn đã đưa trò chơi dân gian vào trường học như chơi nhảy dây, ô ăn quan, đá cầu, chơi thẻ… tạo ra sân chơi lành mạnh cho học sinh. Đặc biệt, một số trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông còn tổ chức cuộc thi sưu tầm, biên tập, hướng dẫn học sinh cách chơi trò đá kiện, đá cầu, đi cầu khỉ, nhảy cách ô, hò đối đáp.
Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phối hợp, tổ chức cuộc thi tìm hiểu di tích lịch sử văn hóa toàn tỉnh, tạo sân chơi bổ ích cho các em tìm hiểu, khám phá di tích lịch sử, từ đó các em ý thức hơn trong việc chăm sóc, bảo vệ, phát huy, gìn giữ giá trị lịch sử của địa phương mình.
Trải qua lịch sử hình thành và phát triển, ca Huế như những mạch nguồn chảy mãi trong lòng bao thế hệ với những giai điệu mượt mà, sâu lắng, thể hiện trong nhiều không gian cổ kính của cung vua, phủ chúa, đến những sắc màu lung linh trên dòng sông Hương thơ mộng để làm phong phú sinh hoạt văn hóa của người dân, tăng thêm tính đặc sắc văn hóa Huế. Ca Huế vì thế đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là minh chứng cho giá trị của loại hình nghệ thuật độc đáo này ở Huế…
Quốc Việt (TTXVN)