Nhiều năm qua, các đơn vị nghệ thuật truyền thống luôn loay hoay tìm cách để “sân khấu đỏ đèn”, chật vật đi tìm khán giả, nâng cao thu nhập cho các nghệ sĩ, giúp họ đủ sống để theo nghề và giữ nghề. Mong muốn đó được kỳ vọng thành hiện thực khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng đề án tăng cường gắn kết các hoạt động văn hóa, nghệ thuật với du lịch. Tuy nhiên, làm sao để cái bắt tay giữa văn hóa và du lịch thật sự đem lại hiệu quả vẫn là một câu chuyện dài phía trước…

Du khách xem biểu diễn múa rối nước tại Làng

văn hóa và ẩm thực Nắng Sông Hồng.

Những “cánh én” hiếm hoi

Theo thống kê, trong năm 2016, lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt hơn bốn triệu lượt người, trong đó, lượng khách quốc tế có lưu trú ước đạt gần ba triệu lượt và khách du lịch trong nước đạt gần 22 triệu lượt. Nếu mỗi đơn vị lữ hành chỉ cần đưa được một khách đến trải nghiệm các loại hình nghệ thuật truyền thống cũng đủ khiến các nhà hát ở Thủ đô liên tục đỏ đèn suốt bảy ngày trong tuần. Tất nhiên, đó là chỉ “nếu”. Còn thực tế, nhiều năm nay, những ngọn đèn ở các nhà hát chỉ sáng leo lét qua ngày. Không thể phủ nhận những cố gắng từ phía các đơn vị nghệ thuật truyền thống nhưng như “một cánh én nhỏ, chẳng làm nên mùa xuân”, họ cũng chẳng thể cứu vãn được gì nhiều trong việc biến nghệ thuật truyền thống trở nên có sức hút hơn đối với du khách.

Thành công nhất tính đến thời điểm hiện nay trong việc thu hút khách du lịch quốc tế đến xem và thưởng thức nghệ thuật dân tộc là Nhà hát Múa rối Thăng Long (Hà Nội). Con số 10 nghìn khách quốc tế và ba nghìn khách trong nước, trong đó lượng khách đi theo tua du lịch chiếm tới hơn 80% cho thấy sức hút của loại hình rối nước đối với du khách. Đây cũng là lượng khán giả đáng mơ ước của không ít nhà hát. Năm 2013, nhà hát này vinh dự mang về cho đất nước kỷ lục “Nhà hát duy nhất tại châu Á biểu diễn múa rối nước 365 ngày trong năm”. Bên cạnh những nỗ lực đổi mới về hình thức, cách tiếp cận khán giả như: nhận phục vụ theo yêu cầu của khách vào mọi thời gian trong ngày, hợp tác với nhiều đơn vị lữ hành, chỉnh trang lại các phòng đợi, cung cấp báo, tạp chí, phát sóng wifi, nước uống miễn phí, bán vé qua mạng… thì phải khẳng định thêm rằng, điều khiến rối nước trở nên “hot” đối với du khách quốc tế chính là bởi ngôn ngữ biểu đạt độc đáo và dễ hiểu của loại hình này.

Nhà hát Chèo Hà Nội cũng là một hiện tượng trong việc tự tìm hướng đi cho mình. Giám đốc nhà hát, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Trịnh Thúy Mùi cho biết: Những năm 2000, nhà hát cũng đứng trước nhiều khó khăn về tài chính. Các nghệ sĩ phải tự xoay xở bằng cách đi hát tại quán xá, hội nghị. Nhận thấy sự sống còn của việc thay đổi để thu hút khách du lịch, Nhà hát Chèo Hà Nội đã đổi mới các chương trình biểu diễn như: xây dựng các sân khấu nhỏ chuyên biểu diễn các trích đoạn đặc sắc trong những vở chèo truyền thống, xen lẫn ca hát dân gian. Việc chia các sân khấu nhỏ rất hợp với du khách về thời gian cũng như thị hiếu của du khách nước ngoài. Nếu như các sân khấu lớn với 500 chỗ thì sân khấu nhỏ có thể biểu diễn cho đoàn khách khoảng 20 người. Bên cạnh đó, Nhà hát Chèo Hà Nội cũng đã xây dựng chương trình diễn riêng cho du khách quốc tế bằng cách dịch nội dung chính của vở diễn ra tiếng Anh từ các vở chèo lịch sử như: Thái úy Lý Thường Kiệt, Ngọc Hân công chúa; chèo cổ có các vở và trích đoạn: Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Tống Trân Cúc Hoa…; chèo dân gian là: Tấm Cám, Lọ nước thần, Nàng Sita và một số vở chèo đề tài hiện đại… Tuy nhiên, “đặc sản” thu hút khách của loại hình này phải kể đến vở diễn Long thành diễn xướng. Đây là vở diễn có sự kết hợp giữa nghệ thuật chèo và rối nước, đan xen là hát xẩm, chầu văn… khiến du khách khá bất ngờ và hào hứng theo dõi đến khi kết thúc.

Để các nhà hát “đỏ đèn”

Có thể khẳng định: những “cánh én” như Nhà hát Múa rối Thăng Long và Nhà hát Chèo Hà Nội không nhiều. Trước đó, tuồng, cải lương cũng có sự nhập cuộc trên hành trình đến với du khách, tuy nhiên hiệu quả không cao. Nhà hát Cải lương Hà Nội cũng có thử nghiệm bản dịch tiếng Anh dành cho khán giả nước ngoài thông qua tai nghe. Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng nỗ lực thay đổi bằng việc ra mắt Đêm hoàng cung với những tích tuồng đặc sắc như: Ông già cõng vợ đi xem hội, Liêm Cương thuần phục ngựa… Nỗ lực là vậy, nhưng sau một thời gian thì giờ nhà hát cũng chỉ đỏ đèn được hai ngày trong tuần với số ghế trống khá nhiều.

Trong khi các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái-lan, Cam-pu-chia, Hàn Quốc… đã rất thành công trong việc khai thác chương trình nghệ thuật truyền thống để phục vụ du lịch thì ở nước ta dù không thiếu các loại hình nghệ thuật truyền thống, thậm chí đa dạng và độc đáo hơn nước bạn, nhưng những gì ngành du lịch khai thác vẫn chưa thật sự tương xứng với tiềm năng. Vậy cái khó là gì? Theo Phó Tổng Cục trưởng Du lịch Ngô Hoài Chung, trước hết là sự khác biệt về ngôn ngữ khiến du khách nước ngoài khó hiểu được giá trị các loại hình ca hát truyền thống của ta. Ngoại trừ rối nước có đặc thù về biểu diễn ít phải dùng ngôn ngữ thì các loại hình khác như chèo, tuồng, cải lương… bên cạnh vũ đạo thì nội dung và giá trị nghệ thuật thể hiện trong lời ca, tiếng hát. Điển hình như sự xuất hiện của những buổi biểu diễn cải lương tại rạp Chuông Vàng có dịch tiếng Anh của Nhà hát Cải lương Hà Nội đã không đem lại hiệu quả như mong muốn do du khách không thể hiểu được những ẩn dụ từ câu chuyện qua lời dịch khá đơn giản, còn vở diễn thì dài lê thê, gây nhàm chán. Ngoài ra, chất lượng rạp Chuông Vàng bị du khách nước ngoài đánh giá khá thấp về vệ sinh. Các nhà hát, câu lạc bộ khác về tuồng, ca trù cũng lâm vào tình trạng tương tự.

Về phần mình, phần lớn các công ty lữ hành đều muốn đưa vào những tua du lịch của mình các chương trình thưởng thức nghệ thuật truyền thống nhằm làm cho tua du lịch trở nên phong phú hấp dẫn. Tuy nhiên, các rạp hát đều nằm trong phố cổ, việc đưa đón du khách tại giờ cao điểm thật sự rất khó khăn. Thời gian xem một chương trình quá dài (khoảng 60 phút) trong khi một tua tham quan lại ngắn. Đáng chú ý là lịch diễn của các nhà hát chưa phù hợp với các tua du lịch khi chỉ biểu diễn theo giờ, theo ngày… Ngay như tại các buổi biểu diễn trích những đoạn chèo, tuồng trong loạt chương trình đưa nghệ thuật truyền thống vào Nhà hát Lớn Hà Nội vừa qua, nhiều du khách nước ngoài rất bối rối vì trong tay không hề có một bản giới thiệu nào về các trích đoạn đang diễn.

Theo nhiều chuyên gia lữ hành, để chương trình nghệ thuật tạo được ấn tượng đẹp trong lòng bạn bè quốc tế và là mũi nhọn thu hút du khách, các nhà hát phải nâng cấp cơ sở vật chất và nội dung chương trình biểu diễn. NSƯT Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho rằng, các nhà hát cần có một cơ chế thật sự thông thoáng cũng như sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: “Muốn đưa nghệ thuật truyền thống vào phát triển du lịch cần phải quy hoạch thành các điểm biểu diễn tốt, chương trình hấp dẫn, cần có một chiến lược xúc tiến du lịch để thu hút đông đảo du khách, nhất là du khách quốc tế”. Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam – NSƯT Thanh Ngoan thì đồng ý với chủ trương xây dựng các chương trình nghệ thuật để phục vụ du khách tại Nhà hát Lớn Hà Nội, bởi đây là nơi có điều kiện tốt nhất để tổ chức biểu diễn những tác phẩm kinh điển mang hồn cốt của dân tộc. Trong tương lai phải làm tốt công tác tiếp thị để khán giả trong nước và khách du lịch biết rằng đây là địa điểm thường xuyên trình diễn những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng…

Nghệ thuật truyền thống được coi là một “mỏ vàng” đối với du lịch nhưng tiềm năng chưa được khai thác tương xứng. Hiện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những chủ trương đúng đắn trong việc đưa nghệ thuật truyền thống trở lại biểu diễn thường xuyên tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Những chương trình đầu tiên tuy chưa như ý, nhưng đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng. Đích thân Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo về việc xây dựng các sản phẩm nghệ thuật phục vụ khách du lịch bảo đảm ngắn gọn, thể hiện đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, giúp du khách có những giây phút vui vẻ, thư giãn khi lưu lại Thủ đô, góp phần tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo, giữ chân du khách. Theo Phó Cục trưởng Nghệ thuật biểu diễn Phạm Đình Thắng, đề án gắn kết nghệ thuật truyền thống với du lịch đang được gấp rút hoàn thiện để lấy ý kiến giới chuyên môn và sẽ cố gắng đưa vào thử nghiệm trong tháng 4 tới.

HOÀNG MỸ HẠNH

Exit mobile version