ĐỖ QUYÊN

Hiếm thấy một buổi biểu diễn nghệ thuật kỷ niệm có phát vé mời nào lại đông kín chỗ từ rất sớm như chương trình “Bản hùng ca Tháng Mười”. Khán giả đến sớm và chỉ rời khỏi chương trình khi cánh màn nhung đã khép lại. Suốt cả chương trình, cùng với ca sĩ trên sân khấu, rất nhiều ca khúc được hòa thêm giọng ca âm vang từ phía khán giả. Những cựu học sinh, những người yêu mến nước Nga, và cả nhiều người trẻ đã hòa chung tiếng hát khi những bài hát Nga vô cùng quen thuộc vang lên.

Điểm nhấn của chương trình là những câu chuyện giao lưu đầy cảm động. Bước chân của những người lính Nga năm xưa hòa nhịp với bước chân của những người trẻ hôm nay. Kỷ niệm đầy lưu luyến của những cựu chiến binh Nga từng sang Việt Nam, và những kỷ niệm mãi mãi không bao giờ quên của những lưu học sinh Việt Nam từng sang Nga học tập. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho đến bây giờ cũng vẫn còn nhớ như in những ngày sang Nga học tập, vào thời kỳ cả nước Nga vẫn còn rất khó khăn, nhưng các gia đình Nga đã chăm sóc, nuôi ăn ở lưu học sinh Việt Nam như những người con trong gia đình, sẻ chia từng miếng bánh mì… Ông đã chia sẻ: “Lần đầu tiên chúng tôi sang Liên Xô là vào năm 1954, khi đó đất nước Liên Xô vừa trải qua cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, vẫn còn vô vàn khó khăn. Nhưng người Nga đã nhường cơm sẻ áo, dành cho chúng tôi tất cả những gì tốt nhất có thể, coi chúng tôi như con em ruột thịt và điều này đã đi theo tôi suốt cả cuộc đời. Sau này, khi đất nước đã thống nhất, các bạn Nga cũng đã đem tất cả tấm lòng, tình cảm sang giúp đỡ chúng ta xây dựng lại. Đó là những điều mà người Việt Nam mãi mãi không bao giờ quên”.

Một trong những nhân chứng khách mời, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam lại chia sẻ một sự đặc biệt trong chương trình. Đó là cả ba người tham gia sự kiện đều có ngày sinh liên quan đến Cách mạng Tháng Mười Nga. Ngày sinh của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan trùng với ngày sinh của Tổng thống V. Putin, ngày sinh của đại sứ Nga tại Việt Nam K. Vnukov trùng với ngày kỷ niệm chiến thắng phát xít, còn bản thân Thượng tướng thì có ngày sinh trùng với ngày Cách mạng Tháng Mười Nga.

Những người thực hiện chương trình cũng đã đến hồ Razliv, nơi có túp lều cỏ mà V.I. Lênin viết cuốn “Nhà nước và Cách mạng”, tác phẩm sau này trở thành nền tảng lý luận cho chính quyền Xô-viết. Cùng với những khung hình trở lại lịch sử, chương trình cũng ghi nhận suy nghĩ của thế hệ trẻ Nga hôm nay về cuộc cách mạng. Như lời một sinh viên của ĐH Tổng hợp Saint Petersburg: “Không thể phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Mười bởi đó là một phần của lịch sử”.

100 năm đã trôi qua, lịch sử đã chứng kiến rất nhiều sự thay đổi. Nhưng qua những gì mà khán giả được chứng kiến từ “Bản hùng ca Tháng Mười”, thì điều mãi mãi không thay đổi là tình cảm và sự thủy chung mà hai dân tộc đã dành cho nhau, cũng bởi vì Nga và Việt Nam đã trở thành một phần lịch sử của nhau.

Và hơn tất cả, những gì tốt đẹp nhất của một nền văn hóa đến từ đất nước vĩ đại đã khiến mọi trái tim đều xúc động. Tại chương trình, khán giả đã có cơ hội nghe lại trực tiếp những ca khúc quen thuộc lưu dấu thời tuổi trẻ, do chính các nghệ sĩ đến từ xứ sở Bạch Dương trình diễn cùng các ca sĩ của Việt Nam. “Chiều hải cảng”, “Đôi bờ”, “Nước Nga Tổ quốc tôi”, “Kalinka”, “Bài ca thanh niên sôi nổi”… những ca khúc Nga đi cùng năm tháng đã lần lượt tái ngộ khán giả Hà Nội.

Đêm giao lưu nghệ thuật “Bản hùng ca Tháng Mười” do báo Nhân Dân phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức, Trung tâm Truyền hình Nhân Dân, kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam và Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội phối hợp thực hiện đã để lại nhiều dư âm đẹp đẹp.

Link toàn bộ chương trình:

Chương trình “Bản hùng ca Tháng Mười”

Nguồn: Nhandan.com.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version