Hồng Nhung

Vẫn luôn có những tác giả, những nhà thơ âm thầm nhìn dòng đời lặng lẽ, bước qua từng ngã rẽ cuộc đời bằng sự cảm thông, sự thấu cảm sâu sắc. Nhà thơ Trương Công Tưởng là một trong những tác giả như vậy. Một tác giả viết lại những cảm xúc chân thật của bản thân nhưng lại thấm đượm nỗi niềm, tâm tư nhân vật của mình.

Đó chính là tâm tư, nỗi niềm của một người con đối với cha mẹ; của một người con đối với làng quê, đất nước; của một người mẹ, người mẹ Việt Nam Anh Hùng; của em, của anh, của chúng ta trong những mối tình; thậm chí là của người lữ khách qua đường. Tất cả đều được Trương Công Tưởng cô đúc, giấu trọn trong tập thơ Đợi những vắng xa, NXB Hội Nhà văn, 2021.

Đọc Đợi những vắng xa của Trương Công Tưởng, bạn như bước vào thế giới với sự tự do, phóng khoáng, rõ ràng nhưng đầy cảm xúc. Thứ cảm xúc khiến người ta chợt yên lặng, chợt suy ngẫm, chợt liên tưởng, chợt buồn, chợt rơi vào những khoảng lặng như thấy mình ở trong, như đang hồi tưởng lại những tháng ngày đã qua, những kỷ niệm đã có, những góc phố thân quen, những mối tình thầm lặng.

Đó là nỗi niềm về quê hương.

Quê hương của Trương Công Tưởng là một làng quê đẹp, một làng quê nắng gió, khó khăn, nghèo đói nhưng con người lại rất lạc quan, yêu đời.

Đất vỡ ra từ đường cày

Cây lúa lớn lên từ hạt mầm lấm lem trong bùn

Hoa thơm từ đất

                     (Làng)

Đó cũng là một Khúc Mùa – nơi đầy kỉ niệm đẹp mà ở đó có mẹ, có ba, có tôi, có những kỉ niệm hạnh phúc đong đầy, có cả em – người thương và những ngày đợi ba về. Nhưng đó cũng chính là nơi chứng kiến những “năm tháng rực rỡ buồn” của đời người. Đó cũng là những dấu ấn từ mẹ. Những hình ảnh con sông, ngôi nhà lá rừng, vạt cỏ, thung lũng… càng thân thuộc, gần gũi bao nhiêu lại càng chạm đến nỗi nhớ, nỗi buồn da diết bấy nhiêu:

“Ngôi nhà được lợp bằng lá rừng thưa

Mỗi mùa ngô bầy két đỏ xanh kéo về đậu trên ô cửa

Tôi đã khóc cho tháng ba đỏ lửa

Thảo nguyên tiễn người bằng một cơn mưa”

                     (Phía Cuối Thảo Nguyên)

Ở đó có những kỷ niệm đẹp về cha, Người đi về phía biển – người “Cha cõng tôi đi…” trong cái “Nắng miền Trung rát mặt gió Lào” như chính cuộc đời cha sương nắng giãi dầu, nước mắt chảy xuôi vẫn cố gánh gồng. Ở đó còn có mẹ, nơi đã chứng kiến nỗi đau của mẹ, chứng kiến số phận của người phụ nữ không được tôn trọng như đáng phải có:

“Là lỗi của mẹ

Không biết giữ chồng 

Là lỗi của mẹ

Lỗi của những người đàn bà dành cả thanh xuân

                                          để sống vì một người đàn ông”

                                                            (Cỏ Mòn)

Những câu thơ này mang một nỗi buồn dịu vợi, một nỗi niềm thấu cảm khôn nguôi. Lời thơ nhẹ nhàng như thủ thỉ kể chuyện nhưng lại chín muồi trong cảm xúc; lại cô đọng câu từ, lại tự do phóng khoáng, lại dừng nghỉ bằng cách xuống dòng dứt khoát, lại không cần tới vần điệu mà vẫn cảm nhận được chất thơ với cảm xúc lắng đọng.

Chính điều này cũng tạo nên những khoảng trống. Khoảng trống câu từ hay chính là những khoảng trống trong sâu thẳm tâm hồn khiến người đọc bất giác dừng mà rơi vào trầm tư, suy ngẫm. Có những khoảng trống cần được lưu giữ, cần được bảo vệ, cũng có những khoảng trống cần được chữa lành, cần được nhìn thấu. Giống như mong muốn của tác giả khi viết:

“Xin đừng đọc chữ

Hãy đọc những khoảng trắng…”

Nỗi niềm thấu cảm tâm tư.

Thơ Trương Công Tưởng không chỉ chín muồi cảm xúc, sâu sắc, lắng đọng. Ở mỗi tác phẩm, Trương Công Tưởng đều đặt vào đó tình cảm, nỗi niềm của mình. Hơn nữa, nỗi niềm, tình cảm ấy còn rất dạn dày kinh nghiệm, như một người từng trải, như nhìn thấu tâm tư nhân vật của mình. Điều này thể hiện rất rõ nét khi anh đồng cảm sâu sắc với người mẹ Việt Nam anh hùng trong một buổi Lễ Kỷ Niệm kia. Anh viết:

“Bà mẹ tóc bạc da mồi

Lưng không tựa được hết vào lòng ghế

Nghe họ hát về mình 

Thấy xa lạ

Thấy trống vắng 

Khoảng mênh mông không bắt vào tiếng nhạc

Cuộc đông người mẹ vẫn chưa quen”

                              (Trong Một Buổi Kỷ Niệm)

Ảnh tác giả cung cấp

Bằng tâm hồn nhạy cảm, cái nhìn tinh tế của mình, Trương Công Tưởng không chỉ thấy “Người cựu binh ngồi lặng im cùng đồng đội nghe hát lại những ca khúc một thời/ Lòng dậy trào con sóng/ Ngỡ mình vẫn thanh tân”. Anh còn quan sát tỉ mỉ và đặc biệt quan tâm đến người mẹ. Người đã tuổi cao sức yếu, người tham dự buổi lễ kỷ niệm của mình, cho mình, về mình mà lại xót xa, trống vắng, xa lạ, mênh mông đến lạ. Trong khi những thế hệ sau “Họ vô tư, yêu đời, lòng đầy nhiệt huyết/ Mắt họ lung linh những chân trời”. Những lớp trẻ chỉ biết chiến tranh qua trang  sách vở; những học sinh đang long lanh đôi mắt tổ chức lễ kỷ niệm nhiệt tình, vui vẻ nhưng không thể nào hiểu được những gì cha ông đã trải qua sau những cuộc chiến tranh. Những người cựu binh vẫn ngoan cường mang thương tích “Đôi chân chống nạng” tưởng nhớ lại những năm tháng hào hùng và tiếp tục sống. Lớp trẻ có thể không hiểu được những đau khổ, mất mát, ngoan cường của của người mẹ có con hy sinh vì đất nước.

“Đất nước tôi

Tự trong lòng đã mang nhiều vết thương 

Sau những tôn vinh

Người mẹ lặng lẽ trở về lau khô nước mắt

Ôm di ảnh con mình 

Không xa lạ

Như lời hát sáng nay trong một cuộc người”

“Ở đất nước tôi

 Những người mẹ sinh con ra không phải để làm anh hùng”

                               (Trong Một Buổi Kỷ Niệm)

  Cũng bằng nỗi niềm thấu cảm ấy, Trương Công Tưởng đã thực sự chạm đến trái tim nhân vật khi quan niệm:

“Khổ hạnh trong tim người chúng ta không nhìn thấy

Làm sao xoa dịu cơn đau”

                              (Nhìn Thấy)

Đúng thật, chúng ta không nhìn được nước, chỉ thấy được mây; Gai trong tim không thấy, chỉ thấy nụ cười nông cạn biển sâu; Lửa trong mắt không thấy chỉ thấy trong veo nhỏ nhặn hiền từ; Đớn đau ngày mai không thấy lại thấy hạnh phúc hôm nay.

42 bài thơ trong Đợi những vắng xa của Trương Công Tưởng vừa nhẹ nhàng vừa sâu lắng; vừa cô đọng lại vừa có khoảng lặng. Điều này động chạm đến người đọc, khiến độc giả mở ra nhiều suy nghĩ, liên tưởng, dư âm sau khi gấp sách. Sau tất cả, chúng ta có thể nhìn thấy Đợi những vắng xa như nơi chứa đựng những nỗi niềm của tác giả, mà những nỗi niềm ấy lại có thể thấu được đến tâm tư người khác, tâm tư nhân vật, có thể nhìn thấy những con người từng trải, những tấm lòng từng tổn thương, những tâm hồn, những khoảng trống cần được chữa lành.

Exit mobile version