HOÀNG DIỆP theo The Guardian
Sách là kho tàng để nuôi dưỡng tâm hồn, có những cuốn sách giúp phát triển những kĩ năng, khởi nghiệp. Cũng có các cuốn sách nghiên cứu sự phát triển của nhân loại để đưa ra những gợi ý giúp con người có cuộc sống bền vững hơn. The Guardian đã lựa chọn 10 cuốn sách giúp phát triển kinh tế và xanh, lành với môi trường.
1. Steady State Economics (tạm dịch: Kinh tế trạng thái ổn định) của Herman E Daly (1977) xuất bản hơn 40 năm trước. Cuốn sách này xuất hiện rất lâu trước cuộc trò chuyện hiện tại xung quanh khủng hoảng khí hậu. Nhưng Daly đã đưa ra những lập luận quan trọng để hiểu được tình trạng khó khăn hiện tại của chúng ta. Ông đã đưa ra sự phân biệt giữa các nguồn tài nguyên tái tạo và không thể tái tạo, và đưa ra một trường hợp cho các cách thức tổ chức xã hội phi tập trung và bền vững.
2. The Corruption of Capitalism (tạm dịch: Sự tham nhũng của chủ nghĩa tư bản) của Guy Standing (2017)
Standing lập luận trung tâm của chủ nghĩa tư bản đương đại được chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất, là những người lao động phải làm việc trong các hợp đồng lao động không an toàn, họ phải đề cao cảnh giác. Và nhóm thứ hai, chính là những người giàu có, cho thuê nhà, cho thuê tài sản, tự tạo ra quyền lực và những quy định có lợi cho những người giàu có.
Một chế độ dân quyền và giới tinh hoa làm giàu cho chính mình, không phải thông qua sản xuất hàng hóa và dịch vụ, mà thông qua quyền sở hữu tài sản, bao gồm tài sản trí tuệ, được hỗ trợ bởi trợ cấp, giảm thuế, cơ chế nợ, các cửa quay vòng giữa chính trị và kinh doanh, và tư nhân hóa các dịch vụ công. Chủ nghĩa tư bản dân tộc được cố thủ bởi sự thối nát của nền dân chủ, bị thao túng bởi chế độ chuyên quyền và một phương tiện truyền thông do giới tinh hoa thống trị. Cuốn sách chỉ ra phương cách giải quyết, là tạo ra một phân phối thu nhập của người giàu, giúp quản lí xã hội và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
3. The Limits to Growth (tạm dịch: Giới hạn để tăng trưởng) (1972)
Được ủy quyền bởi Câu lạc bộ Rome, những phát hiện của nghiên cứu lần đầu tiên được trình bày tại các cuộc họp quốc tế ở Moscow và Rio de Janeiro vào mùa hè năm 1971. Tác giả của báo cáo là Donella H. Meadows, Dennis L. Meadows, Jørgen Randers và William W. Behrens III, đại diện cho một nhóm gồm 17 nhà nghiên cứu. Sách đã nghiên cứu những khả năng khác nhau để tạo ra một hình thức sống bền vững. Theo đó, chúng ta cần năm khía cạnh khác nhau: dân số thế giới, công nghiệp hóa, ô nhiễm, sản xuất lương thực và cạn kiệt tài nguyên. Đây là một cuốn sách gây tranh cãi nhưng vẫn có tầm ảnh hưởng, có giá trị để chúng ta suy nghĩ về cách con người có thể thích nghi với hệ thống khai thác, hủy diệt mà chúng ta đã làm song song cùng cuộc sống của mình.
4. The Money Makers (tạm dịch: Những người chi phối tiền tệ) của Eric Rauchway (2015)
Đây là một cuốn sách xuất sắc về cách FDR đạt được sự hồi sinh ấn tượng nền kinh tế Hoa Kỳ. Cuốn sách viết về kinh tế học nhưng tác giả đã trình bày các vấn đề kinh tế một cách thú vị với những dẫn chứng, minh họa rõ ràng, dễ hiểu.
Eric Rauchway đã kể những câu chuyện của Franklin Roosevelt đã chứng minh những kẻ gièm pha, không ưa mình đã sai lầm như thế nào; ông đã kéo các đòn bẩy của chính sách tiền tệ để cứu nền kinh tế trong nước và đưa Hoa Kỳ đến vị thế siêu cường và thịnh vượng chưa từng có; Roosevelt dựa trên ý tưởng của nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes và sự hỗ trợ của nhiều người khác tìm ra các giải pháp phục hồi sau Đại suy thoái; triển khai chính sách kinh tế, chống lạm phát; đánh bại chủ nghĩa phát xít và bảo đảm một nền hòa bình thịnh vượng.
5. Localization: A Global Manifesto (tạm dịch: Bản địa hóa: Tuyên ngôn toàn cầu) của Colin Hines (2000)
Tony Blair có câu nói nổi tiếng rằng “Bạn có thể tranh luận xem mùa thu có nên nối tiếp mùa hè hay không” hơn là cố gắng chống lại toàn cầu hóa. Nhưng với sự chuyển động ngày càng tăng xung quanh khí hậu, người ta thừa nhận rằng toàn cầu hóa không mang lại lợi ích cho những người bình thường. Cuốn sách của Hines chỉ ra cách chúng ta có thể tạo ra các cộng đồng địa phương, tự cung tự cấp và lập luận để chống lại một thế giới ngày toàn cầu hóa ngày càng phổ biến kể từ khi sách của anh phát hành vào năm 2000. Khó có thể phủ nhận, đây là cuốn sách hay về một chủ đề quan trọng, đáng lưu tâm.
6. Burning Up: A Global History of Fossil Fuel Consumption (Bùng cháy: Lịch sử toàn cầu về tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch) của Simon Pirani (2018)
Pirani xem xét thực tế rằng, trong số tất cả nhiên liệu hóa thạch mà chúng ta đã tiêu thụ, hơn một nửa đã được đốt cháy trong 50 năm qua. Khi nói đến việc giải thích điều này đã xảy ra như thế nào, ông bác bỏ những lập luận dựa trên sự gia tăng dân số hoặc chủ nghĩa tiêu dùng. Thay vào đó, ông nói rằng nó được thúc đẩy bởi các hệ thống kinh tế và xã hội. Một công cụ cần thiết để hiểu mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch xét về lợi ích được trao cho những người đã được hưởng lợi từ nó.
7. Losing Earth: The Decade We Could Have Stopped Climate Change (tạm dịch: Trái đất biến mất: thập kỉ chúng ta có thể ngăn chặn biến đổi khí hậu) của Nathaniel Rich (2019)
Những lập luận và cách viết trong cuốn sách có thể gây nên một “cú sốc” cho giới kinh doanh và giới chính trị khi họ đã biết thực tế của cuộc khủng hoảng khí hậu bấy lâu nay. Nathaniel Rich rất thẳng thắn khi kể lại câu chuyện “đáng xấu hổ” với giới chức trách này. Những người có quyền lực có thể đã hành động từ nhiều thập kỉ trước nếu họ muốn – nhưng họ đã không làm điều đó. Sách như lời nhắc nhở hữu ích, một áp lực cần thiết để thúc đẩy chính phủ hành động.
8. A Planet to Win: Why We Need a Green New Deal (tạm dịch: Hành tinh tốt đẹp: Tại sao chúng ta cần một thỏa thuận mới xanh) (2019)
Cuốn sách giàu thuyết phục và dễ tiếp cận về cách một GND có thể trở thành hiện thực. Mặc dù sách có thể chủ yếu nhắm vào Hoa Kỳ, nhưng có rất nhiều bài học cho Vương quốc Anh và nhiều nước khác về cách thu hẹp ngành công nghiệp hóa thạch, xây dựng nền kinh tế dựa trên việc làm chất lượng cao trong các ngành công nghiệp xanh và cung cấp phương tiện giao thông công cộng chất lượng cao miễn phí (hoặc giá thấp).
9. This Changes Everything (tạm dịch: Điều thay đổi mọi thứ) của Naomi Klein (2014)
Là một trong những cuốn sách có ảnh hưởng nhất được xuất bản về cuộc khủng hoảng khí hậu, Klein cho thấy đơn giản là không có cách nào có thể khắc phục được cuộc khủng hoảng khí hậu thông qua chủ nghĩa tư bản phi điều tiết. Nhà văn đã nhận định đúng đắn nhân dân cả nước phải cùng nhau thực hiện trong cuộc chiến về vấn đề khí hậu, thậm chí phải kêu gọi sự đoàn kết quốc tế toàn cầu như thế mới có thể thành công.
10. Planet on Fire (Hành tinh trên lửa) của Mathew Lawrence và Laurie Layborne-Langton
Sách xác định mối liên hệ giữa khủng hoảng khí hậu với những thách thức cấp bách khác mà chúng ta hiện đang đối mặt. Planet on Fire là một tuyên ngôn cấp thiết cho một sự hình thành lại cơ bản của nền kinh tế toàn cầu. Nó cung cấp một lộ trình rõ ràng và thiết thực cho một tương lai dân chủ và bền vững theo thiết kế. Laurie Laybourn-Langton và Mathew Lawrence tranh luận rằng chỉ đơn thuần thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng là chưa đủ; chúng ta cũng phải nhanh chóng định hình lại nền kinh tế để tạo ra một lối sống mới có thể thúc đẩy một môi trường lành mạnh và hưng thịnh.
Theo vannghequandoi.com.vn
Hồng Nhung đưa bài