Có những cuộc đời, những phận người đã hoàn toàn đổi khác nhờ những cây dương cầm đặt trên hè phố. Những cây đàn bình thường đã làm nên những điều kỳ diệu phi thường, để minh chứng rằng âm nhạc khiến con người xích lại gần nhau và làm nên điều kỳ tích.
Những cây dương cầm đặt trên hè phố đang ngày càng xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới để khuyến khích những con người bình thường đến từ mọi nẻo đời trong cuộc sống có được những phút thăng hoa giữa sân khấu đời thường, được những người qua đường dừng lại lắng nghe, tán thưởng.
Đây không phải một cuộc thi tìm kiếm tài năng mà là một ý tưởng được khởi xướng bởi một nghệ sĩ người Anh có tên Luke Jarram. Luke đã sơn sửa những chiếc dương cầm cũ trở thành những cây đàn rực rỡ sắc màu, đặt trên những góc phố, mời những người qua đường dừng lại chơi đàn. Ý tưởng này giờ đây đã được nhân rộng ra nhiều thành phố trên khắp thế giới.
Nghệ sĩ người Anh Luke Jarram đã khởi xướng ý tưởng về chương trình nghệ thuật cộng đồng “Play Me, I’m Yours” (Hãy đàn đi, tôi là của bạn). Những chiếc dương cầm cũ được sơn lại bằng những gam màu tươi sáng, đặt trên hè phố để người qua lại có thể ngồi xuống chơi đàn.
Ý tưởng “Hãy đàn đi, tôi là của bạn” giờ đây đã trở thành một hiện tượng trên khắp thế giới kể từ khi dự án được tiến hành hồi năm 2008. Luke Jarram đã thực hiện ý tưởng này với niềm tin khởi phát rằng anh sẽ tạo nên những cuộc đối thoại ngẫu hứng, đầy xúc cảm và nghệ thuật giữa những con người xa lạ.
Thoạt tiên, Luke đặt 15 cây dương cầm trên các đường phố của thành phố Birmingham, Anh. Ngay lập tức, ý tưởng của Luke nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng. Từ đó, ý tưởng “Hãy đàn đi, tôi là của bạn” được lan rộng ra nhiều thành phố trên khắp thế giới.
Luke cho biết mong muốn kết nối cộng đồng đến với anh từ những lần anh lui tới tiệm giặt là ở khu phố mình sống, anh luôn thấy mọi người chạm mặt nhau mà không ai nói chuyện với ai, dù tất cả họ đều sống trên cùng một khu phố và đã ít nhiều đã quen mặt nhau.
“Tôi nhận ra rằng trong những khu phố đông đúc và chật hẹp, dù sống gần nhau, nhưng nhiều người trong chúng ta vẫn mãi là người xa lạ, bởi chúng ta không có sự kết nối. Trong một thành phố hẳn phải có tới vài trăm cộng đồng giống như nơi tôi sống. Chúng ta đi cạnh nhau, bước qua nhau và lựa chọn cách im lặng. Đặt một cây đàn piano ở khu dân cư là giải pháp mà tôi nghĩ ra cho vấn đề này. Cây đàn sẽ trở thành chất xúc tác cho những cuộc trò chuyện và thay đổi sự thụ động của cộng đồng” – Luke chia sẻ.
Theo ước tính, đã có hơn 6 triệu người trên khắp thế giới tiếp cận với dự án “Hãy đàn đi, tôi là của bạn”, họ có thể trực tiếp chơi đàn hoặc dừng lại lắng nghe. Kể từ năm 2008 đến nay, đã có hơn 1.300 cây dương cầm của “Hãy đàn đi, tôi là của bạn” được đặt trên đường phố của 45 thành phố trên khắp thế giới.
Những cây đàn piano đặt trên đường phố thường là những cây đàn cũ được quyên tặng, hoặc được mua lại, chúng có thể không còn tạo nên những âm thanh tuyệt vời, nhưng điều đó chẳng quan trọng đối với tinh thần mà dự án hướng tới.
Sau khi có được một cây dương cầm cũ, một số nghệ sĩ sẽ tình nguyện tân trang lại cho cây đàn, sau khi hoàn tất, đàn sẽ được đặt ở quảng trường, công viên, ga tàu, chợ dân sinh…
Video ghi lại cảnh những con người bình dị say mê chơi đàn trước một đám đông nhỏ đã được đăng tải rất nhiều lên trang YouTube cũng như website chính thức của chương trình “Play me, I’m Yours”.
Trong số những video nổi bật nhất, có video ghi lại phần thể hiện của cậu bé 8 tuổi Jay Lewington, sống ở London, Anh. Cậu bé đã tự học đàn và tự tin trình bày một bản nhạc của nhà soạn nhạc lừng danh người Ba Lan – Chopin.
Đoạn video ghi lại phần độc tấu của Ryan Arcand – người đàn ông vô gia cư 43 tuổi sống ở tỉnh Alberta, Canada, cũng từng gây sốt với công chúng. Sau khi nhận được sự quan tâm và yêu mến của cộng đồng một cách bất ngờ, Ryan Arcand đã có được sức mạnh để tự giúp cuộc sống của mình tốt đẹp hơn.
Ông quyết định thôi sống lang thang, vất vưởng trên đường phố sau hơn 2 thập kỷ lang bạt, Ryan Arcand xin vào ở trong nhà hỗ trợ cộng đồng và bắt đầu bỏ rượu, những người yêu mến ông còn gửi tới cho Ryan Arcand một số nhạc cụ để ông có thể thỏa mãn sở thích chơi đàn của mình.
Hay như người đàn ông vô gia cư Donald Gould sống ở thành phố Sarasota, bang Florida, Mỹ, cũng từng khiến công chúng Mỹ cảm động trước tiếng đàn của ông. Người ta đã quyên góp cho ông số tiền 40.000 đô la (888 triệu đồng), để ông bắt đầu lại cuộc đời ở tuổi 51.
Sau khi Gould hoàn tất quá trình cai nghiện rượu, trường Đại học nơi ông từng một thời theo học âm nhạc cũng dành tặng cho Gould một xuất học bổng toàn phần để ông có
thể đi học lại, nhận bằng tốt nghiệp, và từ đó có những cơ hội tìm việc.
Theo Bích Ngọc – Dân trí